Vừa lên chức... bố

,
Chia sẻ

"Con bé xíu thế này, anh chả dám bế đâu!", bố rón rén trả bé lại cho mẹ và bụng bảo dạ thôi để bé lớn hẳn rồi gần gũi bé vậy.

Nhưng lúc bé còn nhỏ mà bố cứ "né" việc chăm bẵm bé thì bố sẽ bỏ qua cơ hội tốt để hiểu và kết thân với bé đấy. Và sau này bố đừng có mà thắc mắc sao bé chẳng "tình cảm" với bố.

Làm quen với "người hành tinh khác"

Một ông bố trẻ tâm sự trên blog của mình thế này:"Con gái bố thật kỳ lạ! Con như một thiên thần đến từ hành tinh khác. Đã đón con được mấy ngày rồi mà bố vẫn chưa hết ngạc nhiên về con! Bố cứ nghĩ rằng sau khi chào đời thì đứa trẻ nào cũng oe oe chói lói như nhau thôi. Vậy mà con lại "nói" gì đó với bố mẹ rất dịu dàng bằng ngôn ngữ của riêng con. Và điều kỳ lạ nhất là đôi mắt đen láy của con mới tinh anh làm sao!".

Nhưng dù bố không biết viết ra những lời thú nhận dễ thương như vậy thì bố cũng chẳng hề thờ ơ trước sự xuất hiện của bé đâu. Chỉ có điều, bố rất cần có thời gian để làm quen với bé.

 

Lần đầu tiếp xúc với "người từ hành tinh khác" bố bối rối là điều dễ hiểu. Nhưng mẹ đừng vì thế mà tỏ vẻ ta đây giỏi giang hơn bố và nhất là đừng chê hoài cái sự vụng về của bố.

Thái độ bình tĩnh, tự tin của bố là rất quan trọng cho những lần "giao đãi" ban đầu giữa hai cha con, nó chính là nền tảng cho sự hiểu biết và quyến luyến giữa hai người sau này. Đừng vội ép bố phải học cách chăm sóc bé ngay bằng những việc làm cụ thể như quấn tã hay cho bé bú bình (mấy kỹ năng đó chẳng mấy chốc bố sẽ thành thục thôi!).

Tốt nhất là cứ để bố được thoải mái hành xử, đừng làm bố mất tinh thần rồi thiếu đi sự tự tin. Thậm chí, bố chỉ đơn thuần cầm đôi tay bé mà "âu âu" thôi thì cũng chẳng vô ích đâu. Khi bố cảm thấy mình được mọi người tin cậy, để mặc bố được giao lưu với bé theo cách riêng thay vì phải "trả bài" quấn tã hay pha sữa thì bố sẽ đỡ căng thẳng hơn mỗi khi đối diện với bé.

Đẩy lùi âu lo

Bố thường có cảm giác thiếu tự tin do quá... ngán ngại sự mỏng manh, yếu đuối của bé. Biết bế bé thế nào, dỗ dành ra sao và giao tiếp kiểu gì với bé đây? Chính sự thiếu tự tin này sẽ khiến bé bất an theo và bé bắt đầu khóc. Thế là bố vội vàng trả bé lại cho mẹ. Kế hoạch "kết thân" với bé của bố thế là... chìm xuồng.

Vì tự cho rằng mình chẳng có "năng khiếu" chơi với trẻ con, bố đâm ra ngại bế bé và rốt cục là lảng tránh bé. Nên nhớ rằng đối với bé, bố mẹ chính là đại diện cho cả thế giới này, và nếu thế giới đó có vẻ bất an, thiếu tự tin thì bé cũng bất an theo. Cho nên, điều quan trọng nhất khi giao tiếp với bé là bố phải tỏ ra vững tin, không âu lo.

Để đẩy lùi âu lo và có được sự vững tin bố cần chịu khó học hỏi ở những người có kinh nghiệm hơn. Bế ra sao để bé thoải mái, "nói chuyện" thế nào để bé an tâm, rồi cách tắm bé, cho bé ăn... nếu được "chuyên gia tại gia" hướng dẫn tận tình rồi cho thực hành thường xuyên bố nhất định sẽ dần vượt qua được sự lúng túng để chăm sóc bé thành thục.

Rồi bố sẽ thấy việc chăm sóc bé hóa ra thật là thú vị. Nụ cười con trẻ có thể làm tan chảy ngay cả trái tim đàn ông băng giá nhất mà!

Nghi lễ "3 trong 1"

Có thêm bé, "nếp nhà" đương nhiên sẽ bị xáo trộn. Nhưng nếu bố mẹ biết thu xếp thì mọi việc cũng ổn thôi. Chẳng hạn trước đây sáng nào bố cũng nằm dài ra xem Chào buổi sáng và nhâm nhi cà phê. Giờ thì bố hãy tập chơi trò "3 trong 1", tức là miệng vẫn nhâm nhi cà phê, mắt liếc tivi, nhưng tay thì ẵm bé cho khéo để mẹ còn rảnh tay mà giải quyết việc này việc nọ.

Nếu sắm thêm một chiếc địu nữa thì bố thậm chí còn vừa địu con vừa giúp mẹ được khối việc đấy. Phương án "3 trong 1" ban đầu có thể khiến bố hơi luống cuống nhưng lâu dần thậm chí còn trở thành một thứ "nghi lễ" mà thiếu nó bố lại thấy nhơ nhớ.

Tài ứng phó và tính khôi hài của bố nếu biết phát huy cũng có thể "cứu nguy" cho cả nhà nhiều phen đấy. Ví như bé đang quấy khóc vì "khó ở", mẹ dỗ dành mãi chẳng ăn thua thì bố chợt nghĩ ra trò "cắc tùng tùng" cái trống cơm (vốn là món décor ở phòng khách) khiến bé "tắt đài" luôn rồi còn cười toe nữa.

Hay chuyện bố "hô biến" chiếc khăn lanh to đùng của bà nội thành chiếc võng lắc lư khiến bé đang gắt ngủ om xòm bỗng thiu thiu chìm vào giấc ngủ cũng đáng nể lắm chứ.

Bố và biên niên sử gia đình

Trong năm đầu tiên của bé có rất nhiều sự kiện đầu tiên đáng nhớ - nụ cười đầu tiên, cuộc đi chơi đầu tiên, món đồ chơi đầu tiên. Mới đây bé còn chưa thể giữ thẳng đầu mà bây giờ đã ngồi ngay ngắn và dùng những chiếc răng đầu tiên để nhá thử bánh bích quy rồi. Bố đừng bỏ qua sự kiện nào nhé.

Hãy ghi lại biên niên sử gia đình bằng cách trổ tài chụp ảnh, quay camera hay viết blog. Sau này các con sẽ vui lắm khi được ngắm nghía những hình ảnh, đọc những mẩu chuyện ngộ nghĩnh "thuở xưa" của mình và lòng đầy biết ơn bố. Để chụp hình hay quay phim một nhóc tỳ luôn cựa quậy đòi hỏi phải có tài quan sát, lòng kiên nhẫn và phản ứng nhanh - những thứ này vốn là sở trường của bố mà.

Bố mình là tốt nhất

Bé luôn cho rằng: Bố mình là tốt nhất! Mẹ thì luôn muốn được bố đỡ đần thật nhiều trong việc chăm sóc bé. Nhưng những bẻ họe, xét nét, yêu sách, kỳ vọng của mẹ rất dễ khiến bố cụt hứng. Vậy mẹ hãy noi gương bé - coi bố là tốt nhất, luôn đánh giá cao những gì mà bố làm và đừng quên khen ngợi, thán phục, nhấn mạnh tầm quan trọng của bố với gia đình. Nhất định bố sẽ phổng mũi mà làm nhiều hơn, tốt hơn để không phụ lòng tin của mẹ và bé.
 
Theo GĐT
Chia sẻ