Vừa bước vào, con trai đã ôm mặt bỏ chạy vì bị nhìn chằm chằm, người mẹ lập tức phải lên tiếng

Newben,
Chia sẻ

“Giây phút chúng tôi bước vào, mọi người im lặng và bọn trẻ nhìn chằm chằm, chỉ trỏ vào con trai tôi”, chị chia sẻ. “Tôi biết trông con khác biệt nhưng mọi chuyện xảy ra hôm nay thật sự rất đau lòng”.

Một bài học cực kì quan trọng nhưng chúng ta thường bỏ qua khi hướng dẫn con cái chính là cảm thông cho những khuyết tật của người khác. Trong cuộc sống, chắc chắn con sẽ đôi lần gặp những người khuyết tật trên đường phố, hay thậm chí là trong lớp học và nếu con không được chuẩn bị cho tình huống đó, con sẽ dễ dàng có những hành động, phản ứng gây đau khổ cho những người kém may mắn ấy.

Vậy phải dạy con như thế nào về sự cảm thông, đồng cảm với những người khuyết tật?

Đó là vấn đề mà chị Stacey Jackson Gagnon luôn trăn trở. Con chị - cậu bé Joel - sinh ra đã mắc phải hội chứng Golhendar khiến em không có 1 bên tai và có cấu trúc gương mặt không đồng đều. Là một người mẹ có con mắc phải hội chứng ấy, chị rất đau lòng. Thế nhưng thấy được cách mọi người nhìn và phán xét con, chị còn đau lòng hơn thế.

Vừa bước vào, con trai đã ôm mặt bỏ chạy vì bị nhìn chằm chằm, người mẹ lập tức phải lên tiếng - Ảnh 1.

Cậu bé Joel - sinh ra đã mắc phải hội chứng Golhendar. (Ảnh: Facebook)

Vừa bước vào, con trai đã ôm mặt bỏ chạy vì bị nhìn chằm chằm, người mẹ lập tức phải lên tiếng - Ảnh 2.

Hai mẹ con Joel. (Ảnh: Facebook)

Hôm ấy, chị cùng con đến nhà thờ. Không may, cậu bé nhanh chóng bị mọi người nhận ra sự khác biệt và những đứa trẻ ở đấy đã chỉ vào em, nhìn chằm chằm em với ánh mắt đầy sự tò mò. “Giây phút chúng tôi bước vào, mọi người im lặng và bọn trẻ nhìn chằm chằm, chỉ trỏ vào con trai tôi”, chị chia sẻ. “Tôi biết trông con khác biệt nhưng mọi chuyện xảy ra hôm nay thật sự rất đau lòng”.

Chị giải thích, chị dự định tiến đến bên lũ trẻ và chỉ bảo chúng hãy chấp nhận sự khác biệt của người khác nhưng nhanh chóng, sự chú ý của chị đã chuyển sang con trai mình khi cậu bé đã chạy trốn khỏi phòng với hai bàn tay ôm đầu rất đau khổ. Chị vội vã đưa con ra khỏi nhà thờ, ôm con trong vòng tay, an ủi giúp con vượt qua nỗi buồn. Thế rồi có vẻ như đã nguôi ngoai phần nào, cậu bé 9 tuổi đã dùng bút nắn nót ghi vào tay mẹ: “Joel yêu mẹ”.

Vừa bước vào, con trai đã ôm mặt bỏ chạy vì bị nhìn chằm chằm, người mẹ lập tức phải lên tiếng - Ảnh 3.

Cậu bé 9 tuổi đã dùng bút nắn nót ghi vào tay mẹ: "Joel yêu mẹ". (Ảnh: Facebook)

“Tôi nuốt nước mắt vào trong, con trai đáng yêu, điển trai của tôi lẽ ra phải được yêu thương chứ không phải nhận về những cái chỉ trỏ, nhìn chằm chằm như thế”, chị buồn bã chia sẻ. “Tôi không tức giận. Tôi không nghĩ những đứa trẻ ấy xấu xa. Tôi chỉ nghĩ rằng không ai dạy chúng phải cư xử thế nào cho phải phép mà thôi”.

Thế nên, sau tình huống khó xử mà mẹ con chị đã trải qua, chị không ngần ngại lên trang cá nhân, khích lệ bố mẹ hãy cho con cái xem ảnh của những bạn không may bị khiếm khuyết, có cơ thể không lành lặn, để trẻ thấy được sự khác biệt ấy, để trẻ biết cách ứng xử khi nhìn thấy những người như vậy trong cuộc sống hàng ngày.

“Hãy cho con xem ảnh những người có màu da khác, đôi mắt khác, khả năng nói chuyện, đi lại khác nhau và cả những người ngồi trên xe lăn nữa. Hãy dạy con bạn rằng một người xinh đẹp còn đi kèm với cả trái tim nhân hậu chứ không phải chỉ là đôi mắt mà thôi”, chị viết trong bài đăng trên trang cá nhân.

Điều đáng nói là theo HuffingotnPost, chị là bà mẹ 6 con và 4 trong số đó là con nuôi - những đứa trẻ cần nhận được sự chăm sóc đặc biệt. Các em trong độ tuổi từ 6 đến 16, có trẻ ngồi xe lăn, trẻ thì phải ăn qua ống… Theo trang ABC News, chị vốn là một cô giáo tiểu học và giờ thì đã trở thành y tá cho những trẻ cần sự chăm sóc đặc biệt.

Vừa bước vào, con trai đã ôm mặt bỏ chạy vì bị nhìn chằm chằm, người mẹ lập tức phải lên tiếng - Ảnh 4.

Chị là bà mẹ 6 con và 4 trong số đó là con nuôi - những đứa trẻ cần nhận được sự chăm sóc đặc biệt. (Ảnh: Facebook)

Chị cho biết, trẻ thường sẽ sợ khi nhìn vào điều khác biệt vì thế hành động của chúng là có thể hiểu được nhưng đó không phải là lý do để không dạy con về cách đối xử, cảm thông với những người có khiếm khuyết. Ngay cả bản thân chị, chị cũng đã phải trải qua tình huống con mình - những đứa trẻ vốn đã có sự khác biệt về thể chất - nhìn chằm chằm vào những người lùn trên đường phố.

Chính từ đó, chị nhận ra rằng sự cảm thông không phải là điều mà trẻ có thể tự ý thức được mà đó là sự nỗ lực dạy dỗ của bố mẹ, rằng phải chấp nhận sự khác biệt của người khác và hãy xem đó như một điều bình thường.

Hy vọng sự trăn trở của chị Stacey sẽ truyền cảm hứng đến cho các bậc phụ huynh và những đứa trẻ như Joel sẽ không còn cảm thấy khó chịu mỗi khi ra ngoài đường phố nữa.

(Nguồn: coffeebreak)

Chia sẻ