Vì sao trẻ sơ sinh ngủ ngáy?

Sinh Phúc,
Chia sẻ

Trẻ sơ sinh thường có tiếng thở khá lớn, đặc biệt là khi ngủ. Tiếng thở này có thể giống như tiếng ngáy, và một số trẻ sơ sinh có thể ngáy khi ngủ.

Vì sao trẻ sơ sinh ngủ ngáy? - Ảnh 1.

Chỉ 1 - 3% bé bị ngưng thở khi ngủ khi gặp tình trạng ngáy. Ảnh minh họa: INT.

Tình trạng giảm khi trẻ lớn

Theo các chuyên gia, đường mũi của trẻ sơ sinh rất nhỏ. Vì vậy, chỉ cần một chút khô hoặc thêm chất nhầy trong mũi cũng có thể khiến trẻ ngáy hay có tiếng thở lớn. Đôi khi, âm thanh giống như tiếng ngáy chỉ là cách trẻ thở khi mới chào đời. Khi trẻ lớn lên, tiếng thở sẽ có xu hướng nhỏ dần.

Tuy nhiên, nếu trẻ sơ sinh bắt đầu ngáy và có các triệu chứng khác, các phụ huynh sẽ cần đảm bảo rằng, những tiếng ồn đó không phải là dấu hiệu của điều gì đó nghiêm trọng.

Thông thường, trẻ ngủ ngáy chỉ đơn giản là bị ngạt mũi. Nếu đúng như vậy, tình trạng tắc nghẽn mũi có thể được làm sạch và khắc phục bằng cách nhỏ nước muối sinh lý. Khi em bé lớn lên, kích thước lỗ mũi của chúng cũng tăng. Khi đó, vấn đề ngáy ở trẻ sẽ có xu hướng giảm dần theo tuổi tác.

Tuy nhiên, tình trạng ngáy ở trẻ sơ sinh đôi khi có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng hơn. Bà Kerrin Edmonds - chuyên gia tư vấn về giấc ngủ cho trẻ em ở California (Mỹ) cho biết: “Nếu trẻ sơ sinh vẫn tiếp tục ngáy và tình trạng đó trầm trọng hơn sau khi nhỏ nước muối, phụ huynh nên ghi lại âm thanh bằng máy ảnh hoặc máy ghi âm. Sau đó, tham khảo ý kiến từ bác sĩ nhi khoa”.

Bên cạnh đó, ngáy to ở trẻ sơ sinh có thể là dấu hiệu của nhiều tình trạng sức khoẻ, bao gồm amidan hoặc adenoids mở rộng, lệch vách ngăn hoặc thậm chí là ngưng thở khi ngủ.

“Mặc dù tiếng ngáy chỉ là do cơ thể chúng ta tạo ra âm thanh, nhưng đó thường là triệu chứng của một vấn đề nghiêm trọng hơn. Tất cả các vấn đề có thể xảy ra đều khiến con chúng ta khó thở và khó ngủ ngon hơn”, chuyên gia Edmonds cảnh báo.

Theo một nghiên cứu, lệch vách ngăn có thể là hiện tượng tương đối phổ biến trong những ngày đầu tiên trẻ chào đời. Tình trạng này xuất hiện ở gần 20% trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, nhiều trẻ trong số này không có triệu chứng gì và có thể khỏi theo thời gian. Song, các nguyên nhân khác gây ngáy có nhiều khả năng xuất hiện ở trẻ lớn hơn trẻ sơ sinh.

Mặc dù nhiều trẻ em ngáy, nhưng chỉ có 1- 3% bé bị ngưng thở khi ngủ. Thông thường, những trẻ gặp tình trạng này thường ở độ tuổi từ 3 đến 6. Tiến sĩ Thomas M. Seman - bác sĩ nhi khoa được chứng nhận bởi hội đồng quản trị có trụ sở tại Massachusetts (Mỹ) cho biết, các cha mẹ nên lo lắng nếu con mình có thói quen thở bằng miệng.

Trẻ ngủ ngáy, ăn uống kém hoặc không tăng cân đều đặn có thể gặp vấn đề nghiêm trọng về miệng, cổ họng, phổi hoặc tim. Nhiều vấn đề trong số này rất có thể được cha mẹ phát hiện tương đối sớm khi trẻ chào đời. Song, các vấn đề cũng có thể xảy ra trong năm đầu tiên trẻ chào đời.

Vì sao trẻ sơ sinh ngủ ngáy? - Ảnh 2.

Ngáy ở trẻ sơ sinh cũng có thể là dấu hiệu của tình trạng mềm sụn thanh quản. Ảnh minh họa: INT.

Những kiểm tra y tế cần thiết

Ngáy ở trẻ sơ sinh cũng có thể là dấu hiệu của tình trạng mềm sụn thanh quản. Đây là một tình trạng bẩm sinh. Trong đó, các mô nâng đỡ phía trên dây thanh âm mềm hơn so với bình thường. Bệnh gây tắc nghẽn một phần đường thở, dẫn đến tình trạng thở khò khè, đặc biệt là khi trẻ nằm ngửa.

Cấu trúc thanh quản bị dị dạng và mềm, khiến các mô rơi xuống lỗ thông khí và chặn một phần. 90% trẻ em sẽ tự khỏi mà không cần điều trị. Theo các chuyên gia, tình trạng này thường tự biến mất khi trẻ được 18 - 20 tháng tuổi.

Đối với một số ít trẻ bị mềm sụn thanh quản nghiêm trọng gây cản trở việc thở hoặc ăn uống, các bác sĩ có thể yêu cầu sử dụng ống thở hoặc phẫu thuật tái tạo. Ống thở đôi khi có thể gây nhiễm trùng. Điều này cũng có thể dẫn đến nhu cầu phẫu thuật tái tạo.

Mục tiêu chính của phẫu thuật tái tạo thanh khí quản là thiết lập đường thở ổn định, lâu dài. Từ đó, để trẻ có thể thở mà không cần sử dụng ống thở. Phẫu thuật cũng có thể cải thiện các vấn đề về giọng nói và nuốt.

Bên cạnh đó, trẻ em thường ngáy có thể không ngủ sâu nếu bị ngưng thở khi ngủ. Trẻ có thể bị đánh thức do thở khó khăn và sự tích tụ carbon dioxide trong đường thở bị xẹp hoặc bị chặn một phần. Hơi thở nặng nhọc không chỉ gây ồn, mà còn cản trở giấc ngủ ngon của trẻ, gây ra các vấn đề khác. Thiếu ngủ có thể gây bất lợi cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ. Tình trạng này thậm chí có thể khiến trẻ tăng trưởng kém, có hành vi giống như rối loạn tăng động giảm chú ý, đái dầm, béo phì.

Các chuyên gia khuyến cáo, trẻ cần được thăm khám nếu có các triệu chứng bao gồm: Khó ngủ vào ban đêm; Khó thở trong ngày; Gặp khó khăn trong việc ăn uống và tăng cân; Ngáy với những khoảng dừng dài (hơn 10 giây) giữa các hơi thở. Mặc dù các bài kiểm tra giấc ngủ thường được khuyến nghị cho trẻ lớn hơn, nhưng đây là một thủ tục có thể cần thiết nếu bé sơ sinh có vấn đề về ngáy bất thường.

Nếu trẻ cần trải qua các bài kiểm tra giấc ngủ, Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia khuyên cha mẹ nên hỗ trợ con mình một cách tối đa. Chẳng hạn, cha mẹ có thể ngủ cùng phòng với trẻ, mặc bộ đồ ngủ giống nhau, gọi đồ ăn đến và thức khuya.

Bằng cách đó, bài kiểm tra giấc ngủ sẽ giống như một bữa tiệc ngủ hơn là vấn đề y tế. Các kiểm tra y tế khác cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ ngủ ngáy có thể bao gồm: Kiểm tra nội soi để quan sát trực tiếp đường thở; Xét nghiệm chức năng phổi để đánh giá phổi; Chụp CT; Xét nghiệm MRI; Sàng lọc giọng nói và nuốt.

Ngạt mũi - nguyên nhân phổ biến nhất gây ngáy, có thể được kiểm soát bằng các biện pháp khắc phục đơn giản tại nhà. Hoặc, tình trạng này ở trẻ có thể không cần bất kỳ biện pháp điều trị nào. Lệch vách ngăn hoặc mềm sụn thanh quản cũng có thể không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu phụ huynh lo lắng về tiếng ngáy hoặc hơi thở của con mình, hãy đưa trẻ tới bác sĩ nhi khoa. Bác sĩ có thể kiểm tra và thực hiện các xét nghiệm cũng như sàng lọc nếu cần để xác định nguyên nhân gây ra chứng ngáy ngủ ở trẻ.
Theo Healthline 
Chia sẻ