Vì con là con một

Khánh Minh,
Chia sẻ

Cả lớp đi tham quan, gặp một bà ngồi ăn xin, Hiếu bảo: “Của ai người ấy dùng chứ, sao bà ấy lại xin. Mình chưa gặp ai như bà ấy bao giờ”.

Hiếu năm nay 13 tuổi, sống cùng bố mẹ trong một khu biệt thự ở một chung cư cao cấp. ba mẹ Hiếu vì lý do nào đó đã không sinh thêm em bé, vậy nên Hiếu là con một. Ở trường học thì không nói làm gì, ở nhà, ngoài ba mẹ, Hiếu chỉ thường nói chuyện với bác giúp việc. Hiếu cũng ít được ra ngoài chơi, chỉ đôi khi mới được đến nhà các bạn. Ba mẹ lo lắng nên “giữ gìn” Hiếu từng li từng tí.

Xét về toàn diện thì Hiếu không phải là đứa trẻ hư, bởi cậu bé không cãi lời cha mẹ, không hỗn láo với thầy cô hay người lớn, không coi thường hay ganh ghét, đánh nhau với các bạn, không “lớn tiếng” với bác giúp việc… Nhưng Hiếu lại có ít bạn và bạn bè bảo Hiếu rất “kì lạ”. Hiếu nhút nhát, ít nói nhưng lại rất lầm lì và bướng. Minh không tỏ thái độ phản ứng thái quá bao giờ nhưng lại thường có nét mặt miễn cưỡng mỗi khi ý kiến của mình không được chấp nhận hay đồng tình.

Ba mẹ bận rộn đi làm cả ngày, nhiệm vụ đưa đón Hiếu đi học là của bác giúp việc. Nhưng bác giúp việc còn bận việc nhà nữa nên không mấy khi bác cho Hiếu đi chơi. Chỉ thỉnh thoảng bố mẹ rảnh thì sẽ đưa em đi đâu đó hoặc về thăm ông bà nội ngoại. Những lúc ở nhà, ngoài thời gian học, Hiếu chỉ làm bạn với điện tử và sách truyện.
 
 
Không có anh em để chuyện trò, chia sẻ tình cảm, không thường xuyên được kể chuyện hay tâm sự với ba mẹ, dần dà Hiếu trở thành người khó gần thậm chí vô cảm. Nhưng bù lại ở Hiếu có tính tự lập rất cao. Có lần, hai bác cháu đi học về, thấy có 2 anh em nhà này dắt nhau đi học, đứa em bị ngã, cậu anh vội vàng chạy lại đỡ em lên, phủi đất cát trên mặt đứa em đang khóc tèm lem. Cậu anh xuýt xoa hỏi em có đau không nín đi anh thương… Hiếu ngạc nhiên lắm và hỏi “Tại sao cậu anh lại phải đỡ em dậy, em tự dậy cũng được mà”. Bác giúp việc giải thích là anh em thì phải giúp đỡ nhau, Hiếu ngẩn ra, chỉ nói mỗi câu “thế ạ” rồi đi tiếp không nói gì.

Hiếu không có bạn thân, kể cả bạn chơi cũng không nhiều. Các bạn không thích chơi với Hiếu bởi Hiếu luôn muốn mình phải là người quan trọng nhất trong các cuộc chơi, Hiếu luôn muốn mọi người phải nghe theo ý kiến của mình hoặc ít ra thì Hiếu cũng không bao giờ là người sai. Hiếu không biết nhường bạn, lại cố chấp bướng bỉnh nên rất khó hòa đồng với các bạn. Thực ra, ở nhà Hiếu có phải chia sẻ mọi thứ với ai đâu, Hiếu lại luốn là người được quyết định, vậy thì tại sao ở đây Hiếu không được làm vậy, sao Hiếu lại phải chịu thiệt hơn các bạn chứ? Trong tư tưởng của Hiếu luôn có suy nghĩ như vậy.

Hiếu luôn đòi hỏi được là người quyết định, nhưng Hiếu lại xử lý tình huống kém. Có lần, tất cả đang chơi ở sân trường, Hiếu là người đã làm gãy bảng hiệu của lớp, thế nhưng khi cô giáo phát hiện và hỏi ra thì Hiếu không dám nhận. Cả lớp cùng đi tham quan, gặp một người ngồi ăn xin, thấy các bạn cùng lớp cho bà ăn xin nào là bánh mì, nước uống, Hiếu thắc mắc lắm. Hiếu bảo: “Của ai người ấy dùng chứ, sao bà ấy lại xin. Mình chưa gặp ai như bà ấy bao giờ”. Rất đơn giản, bởi ba mẹ Hiếu nếu thấy gặp người ăn xin hoặc chào mời mua bán thứ gì đó lấy tiền là thế nào ba mẹ cũng dắt Hiếu đi thật nhanh qua hoặc tránh người ta ra. Vậy nên Hiếu không biết rằng họ là những người nghèo khổ đáng thương.
 

Hiếu chỉ là một trong số rất nhiều những trẻ em là con một, được nuôi nấng “giữ gìn” trong một gia đình khá giả nhưng sống khép kín. Mặc dù không phải là đứa trẻ nào trong điều kiện sống ấy cũng có tính cách và tâm lý như Hiếu, nhưng con số này cũng không phải là nhỏ. Một đặc điểm chung của những trẻ vừa là con một, lại xuất thân trong một gia đình khá giả, có ba mẹ bận rộn ngày đêm với công việc là chúng không biết cách xây dựng tình thương, sống hòa đồng và không có nhiều kỹ năng sống.

Đối với trẻ em là con một, để phát triển các kỹ năng xã hội, việc tương tác giữa anh chị em cần được thay thế bằng các tương tác khác như với bạn bè cùng lớp, nhóm chơi, cùng khu phố, trong gia đình… Điều này sẽ giúp trẻ phát triển tính cộng đồng, biết cách sống hòa thuận với người khác và đặc biệt trẻ phát triển khả năng giao tiếp, khả năng tư duy và biết tự trang bị một vài kỹ năng xã hội cho mình. Quan tâm, chăm sóc, kiểm soát con là tốt nhưng ba mẹ cũng đừng nên giữ con quá mức vì rất có thể sẽ biến con thành một thứ “búp bê” và khiến trẻ không có các khái niệm chia sẻ, đồng cảm, hiểu biết các mối quan hệ xã hội và biết phải ứng xử thế nào mới là đúng.
Chia sẻ