Vai trò của gia đình trong giáo dục trẻ: Cha mẹ cũng cần học

Hải Minh,
Chia sẻ

Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ mỗi thời mỗi khác. Để hiểu và định hướng con phát triển toàn diện, phù hợp năng lực, nguyện vọng gia đình, cha mẹ cần có cả kiến thức và kỹ năng giáo dục con cái.

Vai trò của gia đình trong giáo dục trẻ: Cha mẹ cũng cần học - Ảnh 1.

Cha mẹ cũng cần có kiến thức, kỹ năng để giáo dục con cái. Ảnh minh hoạ: Internet.

Cần kiến thức, kỹ năng

Có con gái đang học tại Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, chị Bùi Thị Hiếu - phường Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội) phàn nàn: Lúc thì thấy con làm “tóc xoăn mì tôm”, khi thì nhuộm màu vàng, bạch kim cộng thêm mấy lọn tóc xanh, đỏ tím, vàng… góp ý thế nào con cũng không nghe. Chị muốn con gái có bộ tóc đen dài truyền thống, đúng chất nữ sinh. Con thì một mực bảo vệ “cái tôi” của mình nên nay kiểu tóc này, mai kiểu tóc khác. Mỗi lần góp ý là hai mẹ con lời qua, tiếng lại. Nhiều lúc, chị cảm thấy bất lực khi không thể giáo dục con theo ý của mình.

Chị Hiếu phải tìm đến chuyên gia tâm lý để được tư vấn về kỹ năng giáo dục con. Chị gặp cả giáo viên chủ nhiệm và nhận được lời khuyên: Trẻ mỗi thời mỗi khác, phụ huynh nên tôn trọng sự khác biệt. Hình thức bên ngoài không nói lên tất cả. Quan trọng là bố mẹ cần định hướng cho con trở thành người tốt và tử tế.

“Sau những lần tham vấn, giờ đây, tôi và con gái đã hiểu nhau hơn. Tôi chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt của con. Ngược lại, con hứa với tôi việc ăn mặc, làm tóc sẽ không đi quá giới hạn cho phép và không ảnh hưởng đến kết quả học tập. Năm học vừa qua, con vẫn đạt học sinh giỏi” – chị Hiếu chia sẻ và nhận ra rằng: Cha mẹ cũng cần có kiến thức, kỹ năng để giáo dục con cái. Muốn vậy, cha mẹ cũng cần học.

Một nghiên cứu của tổ chức Plan Việt Nam (tổ chức quốc tế cộng đồng, lấy trẻ em làm trung tâm) khảo sát nhu cầu giáo dục cách làm cha mẹ tại Việt Nam cho thấy, có 56,1% người mẹ và 68,6% người cha mong muốn được tham gia các lớp học về giáo dục kỹ năng làm cha mẹ. Có hơn 20% người mẹ và gần 10% người cha đã được tiếp cận, tham gia lớp hướng dẫn kỹ năng làm cha mẹ.

Theo bà Phan Thị Lan Hương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quyền trẻ em, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam, cần giáo dục cho cha mẹ các kỹ năng để giúp con cái phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần. Một đứa trẻ muốn phát triển toàn diện không chỉ được ăn ngon, mặc đẹp… mà cần được giáo dục về trí tuệ, tâm sinh lý.

“Chúng ta đừng đòi hỏi trẻ hoàn thiện bản thân và càng không nên yêu cầu luôn luôn phải đúng. Hãy cho các em quyền được sai, bởi có sai thì mới trưởng thành. Vì thế, phụ huynh phải biết cách và hãy là nhà tâm lý cho con em của mình”, bà Lan Hương nhấn mạnh.

Vai trò của gia đình trong giáo dục trẻ: Cha mẹ cũng cần học - Ảnh 2.

Đồng hành cùng con. Ảnh minh hoạ: Internet.

Dạy con theo cách nào

Cho rằng, cha mẹ cần học cách tạo dựng lại mối quan hệ gần gũi, PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục (Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội) tư vấn: Phụ huynh hãy biến thời gian mà các thành viên trong gia đình ở bên nhau thành một phần thưởng tinh thần cho mọi người. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần học và thực hành các kỹ năng tạo ra môi trường kỷ luật trong gia đình một cách tích cực bằng cách thống nhất các luật lệ, kỳ vọng hành vi của các thành viên trong gia đình.

“Cách bền vững nhất để làm giảm những hành vi tiêu cực ở trẻ không phải là trừng phạt, mà là bằng cách nhận ra, khuyến khích những hành vi tích cực. Nếu trẻ luôn chú ý vào hành vi tích cực sẽ không còn thời gian để thực hiện những hành vi sai nữa” - PGS.TS Trần Thành Nam trao đổi, đồng thời khuyến nghị: Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, những hình thức kỷ luật đưa ra phải bảo đảm các nguyên tắc: An toàn, tôn trọng và tạo cơ hội để giáo dục hành vi.

Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam từng đưa ra lời khuyên: Khi chúng ta làm mẫu trong việc xây dựng các mối quan hệ hòa thuận và yêu thương, trẻ sẽ cảm thấy an toàn và được yêu thương hơn. Ngôn ngữ tích cực, lắng nghe tích cực và đồng cảm giúp duy trì môi trường gia đình yên bình và hạnh phúc trong những thời điểm căng thẳng.

Vì vậy, bố mẹ hãy là tấm gương của trẻ. Cách chúng ta nói chuyện và cư xử trước mặt người khác cũng ảnh hưởng lớn đến cách cư xử của trẻ. Việc người lớn dùng ngôn ngữ không hay trong gia đình có thể có tác động tiêu cực đến các em. Chúng ta càng thể hiện hình mẫu về các mối quan hệ tình cảm, yêu thương đối với con cái, các con sẽ càng cảm thấy an toàn và được thương yêu.

Ngoài ra, mỗi ngày, thành viên trong gia đình thay phiên chọn một hoạt động cho cả nhà. Chăm sóc con cái và các thành viên khác trong gia đình là công việc rất khó khăn, nhưng nếu được chia sẻ sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều.

Ở góc nhìn khác, đại biểu Hà Ánh Phượng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ cho rằng, cần nâng cao năng lực tư vấn tâm lý cho giáo viên, phụ huynh qua khóa học dài hạn và ngắn hạn. Nữ đại biểu đề nghị, cần nghiên cứu việc lồng ghép giảng dạy bộ môn cảm xúc xã hội như một số quốc gia phát triển trên thế giới đã triển khai. Đồng thời, nâng cao vai trò của công tác tư vấn học đường tương đương với hoạt động nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường. Thông điệp mà đại biểu muốn chia sẻ là: “Cha mẹ cần thấu hiểu, nhà trường đừng đặt nặng thành tích và xã hội bớt phán xét”.

Thực tế cho thấy, để xảy ra tình trạng xâm hại trẻ em có nguyên nhân từ việc cha mẹ chủ quan, lơ là, thiếu quan tâm hoặc thiếu kiến thức, kỹ năng bảo vệ con cái. Do đó, việc giúp phụ huynh có đầy đủ kiến thức, kỹ năng để làm cha mẹ tốt là cần thiết. Trong đó, cần ưu tiên việc giáo dục, giúp trẻ có đời sống tinh thần phong phú và cuộc sống hạnh phúc…

Chia sẻ