Tưởng con bị cúm nên không cho bé đi khám ngay, mẹ tá hỏa khi bác sĩ nói "May mà chị đưa con đến kịp lúc, nếu không cô bé sẽ chết"
Trong 8 giờ chờ đợi cuộc hẹn với bác sĩ tư, tình trạng của bé gái ngày càng tồi tệ với một bên mắt sưng húp, đỏ tấy.
Chị Rachael Pedrick (26 tuổi), sống tại Anh, bắt đầu lo lắng khi Holly Pedrick (1 tuổi), con gái chị, có các triệu chứng giống như mắc bệnh cúm: đau mắt, nôn mửa và tiêu chảy vào ngày 23 tháng 12. Vì vậy, chị Rachael đã gọi điện thoại đến một bác sĩ gia đình nhưng họ nói là đã kín lịch và họ sẽ gọi lại cho chị sau.
Song, sau 8 giờ chờ đợi mà vẫn chưa nhận được cuộc hẹn, chị Rachael đã quyết định mang con đến trực tiếp phòng khám và lao ngay vào phòng bác sĩ.
Bà mẹ hai con nói: "Chờ đợi quá lâu trong khi tình trạng con tôi ngày càng trầm trọng, tôi quyết định tự mình ôm con đến thẳng phòng bác sĩ. Họ tiến hành kiểm tra cho Holly và nói rằng cần chuyển con bé vào bệnh viện Prince Charles càng sớm càng tốt. Và cuối cùng, con tôi kết thúc bằng ca phẫu thuật khẩn cấp tại Bệnh viện Đại học Wales ở Cardiff".
Các bác sĩ phẫu thuật đã phải rút một ổ áp xe ở trong mắt đứa trẻ sau khi phát hiện cô bé bị nhiễm trùng huyết và viêm nhiễm trùng da. Mặc dù, nhiễm trùng huyết là một biến chứng hiếm gặp, nhưng một khi nó đã xuất hiện thì nó có thể dẫn đến suy đa tạng và tử vong nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời và nhanh chóng.
Chị Rachael chia sẻ: "Các bác sĩ đã phải cắt từ mũi để hút mủ ở phía sau mắt con tôi ra. Tôi đã rất hoảng loạn. Đó là hai giờ dài nhất trong cuộc đời tôi. Holly đã ra khỏi phòng chăm sóc đặc biệt sau 4 ngày. Tôi không thể bế hay con của mình vì quanh người con toàn dây rợ".
"Tôi không biết tại sao tôi lại không nghĩ đến căn bệnh nhiễm trùng huyết, dù tôi đã nghe rất nhiều về căn bệnh nguy hiểm này trước đây".
Mặc dù phải đón Giáng sinh vừa qua trong bệnh viện, nhưng hiện tại, Holly đang trong quá trình phục hồi hoàn toàn.
Qua câu chuyện của mình, bà mẹ 2 con muốn nhắn nhủ đến các cha mẹ khác là khi con bạn có vấn đề gì về sức khỏe, xin hãy cho con đến bệnh viện ngay lập tức. "Nhân viên bệnh viện đã nói với tôi rằng thật may khi tôi đã cho Holly vào bệnh viện kịp lúc, nếu không con bé sẽ chết. Thật sự, tôi đã vỡ òa khi nghe tin đó. Nếu tôi không xông vào phòng bác sĩ ở phòng khám kia thì không biết mọi chuyện sẽ như thế nào. Nếu tôi không đưa con vào bệnh viện kịp thì liệu con tôi còn có thể chạy nhảy quanh tôi như lúc nào không?".
Người phát ngôn đại diện cho bệnh viện Bệnh viện Đại học Wales cho biết: "Chúng tôi không thể bình luận về từng trường hợp riêng lẻ, nhưng tốt nhất, mọi người nên gọi cho chúng tôi để nhận được lời khuyên nên đến phòng khám hay đến bệnh viện, đặc biệt khi việc này có liên quan đến trẻ em".
Nhiễm trùng huyết là gì?
Nhiễm trùng huyết xảy ra khi cơ thể phản ứng với nhiễm trùng bằng cách tấn công vào các cơ quan và mô của chính nó. Có khoảng 44.000 người chết vì nhiễm trùng huyết mỗi năm ở Anh. Còn tính trên toàn thế giới, thì cứ sau 3,5 giây lại có người chết vì tình trạng này.
Bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm trùng huyết nhưng nó phổ biến nhất ở những người gần đây mới phẫu thuật, người có hệ miễn dịch yếu, bệnh nhân hóa trị liệu, phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ.
Vì vậy, nếu bạn thấy ai có các triệu chứng tương tự như cúm, viêm dạ dày ruột và nhiễm trùng ngực, bao gồm: Nói chậm hoặc nhầm lẫn, rùng mình hoặc đau cơ, không đi tiểu trong một ngày, khó thở hay thở nặng nề, mệt lả, da lốm đốm hoặc đổi màu. Riêng ở trẻ em sẽ có thêm các dấu hiệu như: Thở nhanh, co giật, phát ban không phai khi ấn xuống, lạnh run và lờ đờ không phản ứng.
Ngoài ra, khi bị nhiễm trùng huyết, bệnh nhân còn có thể bị nôn liên tục, không ăn được hoặc không đi tiểu trong 12 giờ thì hãy nhanh chóng đưa người đó đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Nguồn: Metro, D.M