Tuần thai thứ 8: Hãy khám và siêu âm tổng thể các mẹ nhé!

Xeko/Parent,
Chia sẻ

Kiểm tra tổng thể lần đầu tiên và tiến hành siêu âm để kiểm tra xem thai đã đi vào tử cung và ổn định chưa. Và nếu có bất kì thắc mắc gì thì nên nói chuyện ngay với bác sỹ ở lần khám này cho yên tâm.

Sự phát triển của em bé

Đến tuần thai này, đã có thể gọi phôi là một bào thai, có nghĩa là "thai nhi", dù chiếc đuôi nhỏ xuất hiện trong những tuần đầu tiên chưa rụng nhưng chiếc đuôi đó đang ngày càng nhỏ đi so với sự lớn lên của cơ thể. Tất cả những gì có ở một người lớn thì bây giờ cũng đã có trong thai nhi. Các cơ quan nội tạng chính đã phát triển mặc dù vẫn còn đang ở hình thức sơ khai và có thể chưa nằm ở đúng vị trí của chúng.

Tim và não đã khá hoàn hảo, nếp gấp mí mắt đang hình thành, chóp mũi đã xuất hiện. Bộ xương của bé bắt đầu hình thành. Các khớp khuỷu tay và các rãnh ngón chân đang bắt đầu lộ rõ. Ngón chân, ngón tay thì đang bắt đầu tạo hình. Cổ tay và khuỷu tay bắt đầu tạo thành chỗ gấp khúc hai cánh tay. Cánh tay kéo dài hơn, chúng chúc xuống phần khuỷu tay và hơi uốn cong xung quanh phần tim. Tuyến sinh dục đang phát triển để hình thành bộ phận sinh dục nam hoặc nữ.

Ở phần trung tâm, động mạch chủ và cuống phổi đã hình thành, có biểu hiện đặc trưng riêng. Các ống nối từ cổ họng đến phần chức năng của phổi được phân nhánh, giống như cành cây. Hệ thống tiêu hóa tiếp tục phát triển. Hậu môn được hình thành và ruột ngày càng dài hơn.

Lúc này thai nhi có kích thước của một quả nho (dài khoảng 1,25cm), nhịp tim thai khoảng 150 lần/ phút, làn da thì vô cùng mỏng manh, có thể nhìn rõ các mạch máu ở phía dưới. Đặc biệt, máu bắt đầu chảy trong hệ thống tuần hoàn sơ khai. Bé bắt đầu có một số cử động.
 

Những thay đổi của cơ thể mẹ

Trông bạn vẫn chưa ra dáng bà bầu và thậm chí có người còn chưa hề có cảm giác gì nhưng tử cung thì đang lớn không ngừng để đáp ứng sự phát triển của thai nhi. Ở giai đoạn này cũng dễ bị sẩy thai nhất với dấu hiệu dễ nhận biết nhất là ra máu nơi vùng kín và bạn không phải là trường hợp duy nhất. Rất nhiều người bị sẩy thai như vậy mà không hề hay biết. Vì vậy các mẹ bầu cần hết sức cẩn thận và theo dõi kĩ những thay đổi trong giai đoạn này.

Tử cung của bạn ngày một to lên. Đến tuần thai này, nó đã to bằng quả bưởi. Tử cung to lên có thể khiến bạn có cảm giác bị xiết chặt, hoặc co cơ trong suốt thời gian thai kỳ. Tuy nhiên, nếu bạn bị co cơ, lại kèm theo xuất huyết thì nên đến bác sĩ để được tư vấn ngay nhé!

Ngực của bạn cũng thay đổi rõ ràng hơn. Cảm giác cương cứng và nhạy cảm xuất hiện khá rõ, đó là do cơ thể sẵn sàng chuẩn bị cho quá trình sinh nở. Lượng máu lưu thông trong cơ thể tăng lên nhiều lần so với bình thường để cung cấp oxy cho thai nhi. Dịch chất nhờn bắt đầu gia tăng nhiều ở âm đạo và kéo dài trong suốt thai kỳ.

Trong tuần thai này, một số thai phụ lại có những cơn đau nhức, ngắt quãng ở phần hông, phía dưới lưng và bên cạnh đùi khi thai phát triển. Bệnh này được gọi là đau dây thần kinh hông. Dây thần kinh hông chạy dọc phía sau dạ con trong phần khung chậu đến chân. Các bác sĩ cho rằng, cơn đau này là do áp lực của dây thần kinh từ phía tử cung đang lớn dần. Bạn nên có chế độ thư giãn và nghỉ ngơi hợp lý để giảm thiểu các cơn đau này. Tốt nhất là nên có sự tư vấn của bác sĩ.

Nên và không nên làm gì trong giai đoạn này?

Trong giai đoạn đầu mang thai, nhiều chị em trở nên nhạy cảm, dễ khóc do sự tăng tiết của các hormon và nỗi lo lắng bản năng. Hãy cố gắng thư giãn và dành càng nhiều thời gian nghỉ ngơi càng tốt. Không chỉ cảm xúc lên xuống thất thường khi bầu bí mà sau sinh, đôi khi bạn sẽ thấy mình thật yếu đuối.

Việc từ bỏ đồ uống yêu thích như đồ uống có ga quả là vô cùng khó khăn đối với nhiều chị em nhưng hãy tự nhủ, nó sẽ gây hại cho bé yêu để chuyển sang các loại nước uống khác bổ dưỡng như nước dừa, nước chanh.

Nhu cầu chuyển hóa chất của cơ thể mẹ tăng lên, thời điểm này cũng là lúc bạn nên bổ sung vitamin và các khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Bạn cũng có thể bị táo bón, vì thế nên ăn nhiều chất xơ và uống nhiều nước.

Nếu vẫn cảm thấy không khỏe để có thể ăn uống nhiều hơn, hãy thử uống nhiều nước quả để bổ sung vitamin và khoáng chất cho cơ thể của bạn và cho thai nhi. Nếu thời tiết nóng ẩm, hãy tăng cường uống thêm nước để tránh tình trạng khử nước. Có rất nhiều lựa chọn cho bà bầu: sữa lắc, sữa kem, nước dừa, nước chanh tươi... đều rất bổ dưỡng.

Mách nhỏ cho tuần 8

Hãy chú ý rửa tay thật kỹ, đặc biệt là sau khi sờ vào thịt sống hoặc từ nhà vệ sinh ra. Hành động đơn giản này có thể tránh được sự lây lan của bất cứ loại vi khuẩn và virut nào có thể gây ra sự lây nhiễm. Bạn cũng nên tránh tiếp xúc nhiều với động vật bởi vì điều đó gia tăng nguy cơ nhiễm các bệnh truyền nhiễm cho chính bạn và em bé. Phân mèo có thể chứa ký sinh trùng gây ra bệnh toxoplasmosis, một bệnh nhiễm trùng khá vô hại ở người lớn nhưng có thể gây ra các vấn đề phát triển ở trẻ, đặc biệt là nếu bạn đang trong tam cá nguyệt đầu tiên.
 

Thăm khám bác sỹ

Tuy chỉ mới tuần thứ 8, nhưng bạn cũng nên bắt đầu chăm sóc cho bản thân và thai nhi. Bạn nên chọn một bác sỹ (hoặc y tá nếu ở nông thôn không có điều kiện) để được theo dõi trong suốt thai kỳ của mình.

Bạn phải ưu tiên dành thời gian đi khám thai, vì việc theo dõi, quản lý thai nghén rất quan trọng đối với sức khỏe của bé. Lần đầu đi khám thai, bạn có thể được thử nước tiểu, kiểm tra cân nặng, khám hay siêu âm tử cung, thăm khám cổ tử cung. Ngoài ra, bạn nên chuẩn bị một số thông tin để cung cấp cho bác sỹ, ví dụ: tiểu sử bệnh lý của bản thân và gia đình? Bạn thấy kinh nguyệt lần cuối cùng vào ngày nào? Vòng kinh của bạn có đều không? Bạn có bệnh gì mãn tính không?...

Kiểm tra tổng thể lần đầu tiên và tiến hành siêu âm để kiểm tra xem thai đã đi vào tử cung và ổn định chưa. Bạn cũng có thể biết được tim thai của bé có đều hay không. Nếu bạn thấy có bất cứ vấn đề gì thắc mắc hoặc cần hỏi về triệu chứng ốm nghén thì nên nói chuyện ngay với bác sỹ ở lần khám này cho yên tâm.

Nếu bạn vẫn còn buồn nôn khá nhiều trong thời điểm này, bạn có thể chia nhỏ từng bữa ăn trong ngày thay vì ăn theo bữa chính như bình thường. Ốm nghén gây ra nhiều cảm giác khó chịu nhưng may mắn thay, cảm giác nôn nao thường biến mất khi bạn bước vào tam cá nguyệt thứ hai.

Tập thể dục

Nếu bạn là một người thường xuyên tập thể dục thì việc vận động đối với bạn có thể dễ dàng hơn một chút. Tuy nhiên, nếu bạn ít hoạt động trong thời gian trước đó thì bạn gặp khó khăn hơn để thích nghi dần với nhịp độ di chuyển. Dù thế nào, bạn cũng cần phải kết hợp nghỉ ngơi và uống nước đúng lúc. Tóm lại là không tập thể dục đến mức khiến bạn phải thở dốc nhé! Lưu ý trong việc vận động sẽ giúp bạn tránh gây ra những tổn thương cho bào thai.

Chia sẻ