Tuần thai thứ 36: Bé đã bớt “nghịch ngợm” hơn

Thúy Phạm,
Chia sẻ

Giai đoạn này, bé yêu đang lớn rất nhanh và tử cung cũng ngày càng chật chột khiến bé bớt hiếu động hơn.

Sự phát triển của bé

Bé lúc này nặng khoảng 2,6kg và “cao” tầm 47,4cm. Khuỷu tay, chân và đầu bé có thể nổi lên trên bụng của mẹ khi bé “vươn vai” hay cử động. Lúc này thành tử cung và thành bụng đang giãn hết cỡ, ngày càng mỏng hơn. Đây là cơ hội để bé học hỏi và làm quen với nhịp sinh học ngày và đêm do ánh sáng có thể xuyên qua thành bụng chút ít. 

Thời điểm này bé bắt đầu đùa nghịch với các ngón tay và thận đã phát triển hoàn thiện. Gan cũng thực hiện được chức năng lọc thải. Khuôn mặt bé trông khá bầu bĩnh nhờ các lớp mỡ và sự phát triển mạnh của các cơ mút. Các lớp lông tơ và chất bao phủ cơ thể bé đã sạch hẳn do bé nuốt vào bụng và trở thành phân xu tích tụ trong ruột bé.

Tóc bé có thể mọc dài đến 5cm. Các móng tay, móng chân của bé cũng rất dài, vì thế bạn có thể sẽ phải cắt móng tay cho bé khi bé được vài tuần tuổi.

Tuần thai thứ 36: Bé đã bớt “nghịch ngợm” hơn  1

Sự thay đổi trong cơ thể bạn

Bạn cảm thấy cơ thể dường như đã căng hết cỡ, tử cung đã mở rộng rất nhiều lần so với lúc ban đầu và chạm tới tận xương sườn. Từ giờ bạn sẽ lên cân rất ít hoặc không lên cân cho tới khi sinh.

Khi bụng bầu lớn hơn, người mẹ dễ bị mất thăng bằng nên bạn phải cẩn thận tránh bị ngã. Thai phụ có thể khó ngủ do thai đạp quá nhiều. Hãy nằm nghiêng về một bên, dùng thêm gối hỗ trợ. Bạn cũng dễ bị ra mồ hôi nhiều hơn. Từ tuần 36 trở đi, bạn có thể chuyển dạ bất cứ lúc nào. Do đó, bạn nên đi khám bác sĩ mỗi tuần một lần và chuẩn bị sẵn sàng về mặt tâm lý.

Ngực của bạn đã thay đổi rất nhiều trong suốt thai kỳ để chuẩn bị sẵn sàng cho việc nuôi con bằng sữa mẹ. 

Một vài tuần cuối trước khi sinh, bạn sẽ thấy hiện tượng rò rỉ sữa non – một loại sữa giàu protein, đầy đủ các dưỡng chất – gần giống sữa mẹ. Nếu bạn đang lên kế hoạch nuôi con bằng sữa mẹ thì hãy kích thích dòng chảy của sữa non hàng ngày bằng cách: nhẹ nhàng dùng ngón tay trỏ và ngón cái của mình bóp nhẹ núm vú cho đến khi sữa chảy ra. 

Nên và không nên làm gì trong giai đoạn này?

Bé lúc này đã chiếm diện tích lớn trong bụng nên bạn có thể gặp một vài triệu chứng khó chịu như ợ nóng, ợ chua, khó thở. Những triệu chứng này sẽ giảm bớt khi bé bắt đầu lọt đầu vào tiểu khung. Quá trình này gọi là sự sa bụng, thường xảy ra một vài tuần trước khi chuyển dạ nếu bạn mang thai lần đầu.

Nếu bé lọt vào khung xương chậu, bạn sẽ thấy tăng áp lực ở vùng bụng dưới, điều này khiến bạn không thoải mái khi đi lại và khó chịu ở vùng âm đạo. 

Tuần thai thứ 36: Bé đã bớt “nghịch ngợm” hơn  2

Ngay cả khi thai kỳ của bạn bình thường thì bạn cũng nên tránh đi máy bay (hoặc du lịch xa) trong những tháng cuối cùng vì bạn có thể chuyển dạ bất kì lúc nào. 

Lo lắng về quá trình sinh đẻ sắp tới cũng tạo nhiều áp lực cho bạn. Tuy nhiên, bạn nên lên kế hoạch về việc sinh nở và chuẩn bị sẵn những gì cần mang theo lúc sinh. Mọi việc sẽ dễ dàng hơn khi bạn đã có sự chuẩn bị kỹ càng.

Thời điểm này cũng thích hợp để bạn thống nhất với bác sĩ phương pháp đẻ cho bạn (đẻ thường, đẻ không đau, rạch tầng sinh môn, đẻ mổ…). Nếu cần, bạn và gia đình cũng có thể tham quan trước bệnh viện nơi mình sẽ đẻ và tham khảo các dịch vụ cần thiết.


tuần thứ 35, khả năng nghe của bé đã phát triển đầy đủ để sẵn sàng trò chuyện cùng bạn rồi đấy!

Tuần thai thứ 36: Bé đã bớt “nghịch ngợm” hơn  3


Chia sẻ