Từ vụ bé trai 7 tuổi ở Long Biên bị bắt cóc, cha mẹ cần làm gì để bảo vệ con?

Đông Đông,
Chia sẻ

Dưới đây là những gợi ý bố mẹ có thể tham khảo để bảo vệ con trước những mối nguy hại.

Vụ việc bé trai 7 tuổi tại Long Biên (Hà Nội) đang đi xe đạp thì đột nhiên bị đối tượng lạ mặt bắt cóc đang gây xôn xao dư luận. Dù thủ thạm đã bị bắt giữ nhưng về phần mình, cư dân mạng đặc biệt là các bậc phụ huynh đang có con trong độ tuổi thanh thiếu niên, vẫn không khỏi bàng hoàng trước thủ đoạn tinh vi, hành tung bí ẩn, coi thường pháp luật của đối tượng.

Từ vụ việc bé trai 7 tuổi tại Long Biên bị bắt cóc, cha mẹ cần làm gì để bảo vệ con? - Ảnh 1.

Hiện trường vụ việc bé trai 7 tuổi tại Long Biên bị bắt cóc

Trên thực tế, bắt cóc trẻ em vẫn là một vấn nạn đáng lo ngại không chỉ ở Việt Nam mà trên cả thế giới. Theo thống kê thì cứ 40 giây thì ở Mỹ lại xảy ra 1 vụ bắt cóc trẻ em. Mạng lưới Trẻ em mất tích toàn cầu (Global Missing Children’s Network) cũng đưa ra các con số “giật mình” về nạn trẻ em mất tích hàng năm ở nhiều quốc gia trên thế giới, như: Đức với 100.000 trẻ, Ấn Độ với 96.000 trẻ, Nga với 49.000 trẻ, Australia với 20.000 trẻ... Những trường hợp "mất tích" này thì tỷ lệ bị bắt cóc là rất cao và những đứa trẻ bị bắt cóc hầu như ít có cơ hội quay trở về nhà.

Còn theo một số liệu khác được trích dẫn trong tờ odintracking, cứ 20 trẻ thì có 19 trẻ tự nguyện đi với người lạ; 90% các vụ trẻ em mất tích là do lạc đường, mất phương hướng, quên điện thoại, đi chơi với bạn bè mà quên gọi cho bố mẹ. Còn các mối quan hệ liên quan đến việc trẻ em bị bắt cóc: 22% trẻ bị bắt cóc bởi các thành viên trong gia đình khi tranh chấp quyền nuôi con; 45% trẻ bị bắt có bởi người lạ; 21% kẻ bắt cóc là người quen.

Không phải lúc nào kẻ bắt cóc cũng có bộ mặt đáng sợ, thủ phạm đôi khi có thể là người quen. Vậy nên, cách tốt nhất cha mẹ nên dạy cho trẻ biết được người mình có thể tin tưởng và cần phải làm gì nếu có ai muốn đưa chúng đi đâu đó. Sau đây là những gợi ý bố mẹ có thể tham khảo:

1. Tránh xa người lạ

Hãy dạy con cách nhận biết một người lạ. Lưu ý rằng ngay cả một người nào đấy có khuôn mặt hao hao giống với ai đó cũng là người lạ nếu con không biết rõ về họ. Trong tình huống này, trẻ nên được dạy quy tắc không nói chuyện với người lạ. Nếu cần giao tiếp, con không được kéo dài cuộc nói chuyện quá 5-7 giây, sau đó phải chạy tới địa điểm an toàn, đông người. Trong lúc nói chuyện, con luôn phải giữ khoảng cách 2m. Trong trường hợp người lạ cố tiếp cận gần hơn, tốt hơn hết con nên lùi lại. Cha mẹ nên thực hành tình huống đó với con và chỉ cho bé biết khoảng cách 2m là bao xa.

Ngoài ra, các bậc phụ huynh phải dạy con tuyệt đối không lên xe với người mà mình không quen. Còn nếu phát hiện ô tô lạ bám theo và người bên trong đang cố gắng thu hút sự chú ý, con phải chạy thật nhanh theo hướng ngược lại chiều chuyển động của xe. Việc này sẽ giúp con có thời gian để nhờ người xung quanh giúp đỡ.

 2. Gây sự chú ý

Nếu ai đó cố ép con đi đâu đó cùng họ hoặc cố đẩy con vào ô tô, cha mẹ hãy dạy con phải chạy đi và gây chú ý cho mọi người xung quanh bằng cách la lớn: "Cháu không quen ông ta/cô ta"; "Giúp cháu với"... Đây là cách xử trí nhanh nhất bởi những kẻ bắt cóc luôn muốn hạn chế sự chú ý của đám đông, khi trẻ la hét, mọi người xung quanh sẽ hướng đến con và từ đó hạn chế khả năng con bị bắt cóc. 

Hơn nữa, cha mẹ cũng cần dặn con, khi bị người lạ túm tay kéo đi, con nên chống cự lại bằng cách: Cắn, đá, cấu và cố gắng thu hút sự chú ý của người xung quanh bằng mọi giá. 

Từ vụ việc bé trai 7 tuổi tại Long Biên bị bắt cóc, cha mẹ cần làm gì để bảo vệ con? - Ảnh 2.

Minh họa: Brightside

3. Mã code "thần thánh"

Cha mẹ có thể dạy con một đoạn mã code mà chỉ gia đình và những người thân quen biết. Con sẽ không được phép đi với ai trong bất kỳ trường hợp nào trừ khi người đó cũng biết mật mã bí mật của gia đình. 

Ví dụ, nếu ai đó nói với con bạn: "Đi theo cô. Cô sẽ đưa cháu đến chỗ bố và mẹ" thì điều đầu tiên trẻ cần làm là hỏi người lạ: "Bố mẹ cháu tên gì? Mật khẩu gia đình chúng cháu là gì?". Phụ huynh nên đặt một mã số thật khó đoán và tuyệt đối không được tiết lộ với ai.

4. Không nhận quà từ người lạ

Bố mẹ hãy dạy bé không được nhận bất cứ món quà gì từ những người không quen biết như: thức ăn, thức uống, quà cáp ở bất cứ nơi đâu. Nếu người ta có mục đích bắt cóc, có thể chúng chứa thuốc mê nhằm làm bé mất ý thức để dễ thực hiện hành vi của mình.

Đặc biệt, khi đi chơi hay ở chỗ đông người, người lớn hãy luôn theo sát trẻ, tránh lơ là dù chỉ là một phút giây vì trẻ con vốn rất dễ bị thu hút bởi những món đồ chơi đẹp mắt, dễ bị tuột khỏi tầm tay cha mẹ. Rất nhiều trường hợp cha mẹ lạc con là do cha mẹ mải mê mua sắm, trò chuyện.

Từ vụ việc bé trai 7 tuổi tại Long Biên bị bắt cóc, cha mẹ cần làm gì để bảo vệ con? - Ảnh 3.

Minh họa: Brightside

5. Yêu cầu giúp đỡ khi bị lạc

Nếu con bị lạc và không thể tìm thấy bố mẹ của mình ở nơi công cộng, hãy lập tức nhờ người xung quanh giúp đỡ. Bố/mẹ cần mô tả chi tiết và dạy con biết về những "người lạ an toàn" như cảnh sát giao thông, bảo vệ, nhân viên bán hàng trong siêu thị… những người mà bé có thể nhờ giúp đỡ khi chẳng may bị lạc hay có người theo dõi. Đừng bao giờ dọa con rằng "Con hư thì sẽ bị công an/cảnh sát bắt" vì khi ấy, nhìn thấy công an/cảnh sát các bé sẽ sợ và không dám nhờ giúp đỡ khi gặp trường hợp khó khăn.

Hơn nữa, để đề phòng trường hợp chẳng may trẻ bị lạc, bố mẹ hãy dạy cho trẻ học thuộc lòng số điện thoại của cha mẹ, anh chị, ông bà để khi bị lạc thì biết cách cung cấp cho những người muốn giúp đỡ.

6. Luôn xin phép

Ở nhà, hàng ngày bố/mẹ hãy tạo cho con thói quen phải xin phép bố mẹ trước khi ra khỏi nhà và khi đến nhà một ai đó, tuyệt đối không tự tiện đi mà chưa thông báo với bố mẹ. Có như vậy, ít nhất chúng ta cũng biết con đang ở trong phạm vi khu vực nào.

Về phần mình, con cái cũng cần chủ động báo cho cha mẹ nơi mình sẽ đến, sẽ đến đó bằng cách nào, ai sẽ đi cùng và khi nào con sẽ về nhà. Gia đình cần lập nguyên tắc nếu con cái khong có mặt tại nhà theo đúng thỏa thuận ban đầu thì sẽ tìm cách liên lạc với con

7. Tránh gặp gỡ bạn quen qua mạng

Cảnh báo con bạn rằng trong thế giới ngày nay, tội phạm có thể tìm thấy "con mồi" qua mạng. Trẻ phải nhớ không bao giờ được nói cho người lạ biết số điện thoại, địa chỉ hay tên của mình, cũng không được đăng ảnh cá nhân lên trang kết bạn online. Con cũng nên từ chối những lời mời gặp mặt từ bạn bè quen qua mạng.

Từ vụ việc bé trai 7 tuổi tại Long Biên bị bắt cóc, cha mẹ cần làm gì để bảo vệ con? - Ảnh 4.

Minh họa: Brightside

8. Thường xuyên tâm sự với con

Bố mẹ hãy trò chuyện, tâm sự với trẻ để hiểu chúng hơn nhưng phải là một cuộc trò chuyện cởi mở, như vậy thì trẻ mới thoải mái chia sẻ những vấn đề của mình đang gặp phải. Từ những câu chuyện con kể, bố mẹ hãy phân tích cho chúng biết đâu là câu chuyện an toàn, tốt cho trẻ, đâu là những tình huống có thể khiến trẻ bị đau, gặp nguy hiểm… để các con có thể rút kinh nghiệm khi phải đi ra ngoài một mình, biết cách xử lí các tình huống bất ngờ.

Ngoài ra, hãy cùng con xem những phóng sự, clip mô phỏng các tình huống thiếu an toàn với trẻ khi không ở gần bố mẹ, khơi gợi và giải đáp những thắc mắc của con để chúng dần hình thành ý thức phòng vệ trong những tình huống tương tự nếu gặp phải.

Nguồn: Odintracking, Investigations, Tổng hợp

Chia sẻ