Từ phát ngôn "Không sinh con là một loại lương thiện", hội mẹ bỉm tranh luận "Như nào là đủ"?

An Chi,
Chia sẻ

Ai cũng biết chi tiêu cho việc sinh nở và nuôi nấng con cái tốn kém như thế nào, nhưng con số thật sự bỏ ra rơi vào khoảng bao nhiêu?

Các chị em đều đồng tình rằng nuôi con rất "tốn kém" bởi 1001 khoản không tên từ khi mang thai cho tới khi trẻ chào đời. Thế nhưng, để mà nói về chi phí mỗi gia đình phải bỏ ra thì không có một con số nào cụ thể bởi tùy điều kiện của từng gia đình mà các khoản chi cho việc chăm sóc và nuôi dưỡng con sẽ khác nhau.

Tranh cãi phát ngôn của MC nổi tiếng

Sáng 14/1, nhiều fanpage trên mạng xã hội liên tục đăng tải câu nói: "Nếu đứa con sinh ra để kế thừa sự vất vả, nghèo khó của bạn. Vậy không sinh con cũng chính là một loại lương thiện", được cho là của MC Đức Bảo. Phát ngôn này nhanh chóng thu hút sự chú ý của dư luận, trong đó có nhiều luồng ý kiến trái chiều.

Ngay sau đó, MC Đức Bảo cũng đã có bài đăng đính chính lại câu nói không phải của anh mà được đăng tải trên trang do ekip quản lý. Nam MC cũng gửi lời xin lỗi vì gây ra hiểu lầm và những tranh cãi không đáng có kèm chia sẻ: "Về nội dung này, bản thân mình nghĩ đó như 1 lời nhắc về trách nhiệm của người làm cha làm mẹ, hãy mang con đến thế giới này khi đã suy nghĩ thấu đáo và có sự chuẩn bị tốt nhất trong khả năng có thể. Chắc chắn không ai muốn chứng kiến thêm những mảnh đời bị bỏ rơi, những em nhỏ thay vì được học tập, vui chơi lại bị ép lao động nặng nhọc trong những điều kiện tồi tàn nhất. Chỉ vậy thôi mọi người ạ…

Điều mình ít ngờ tới nhất, là nội dung đó nhận được sự quan tâm, bàn luận rất lớn. Nhưng cũng rất tiếc là câu trích dẫn mà mình chia sẻ lại ấy mang đến những hiểu lầm không đáng có, tạo ra cảm xúc tiêu cực cho 1 số người trong 1 tối cuối tuần đáng lẽ nên được thư giãn, giải trí.

Cuối cùng thì, lựa chọn sao vẫn là quyền tự do của mỗi người. Sinh con, hay không sinh con, điều kiện thế nào là đủ hay chưa đủ, đều là suy nghĩ, quyết định rất riêng của mỗi cặp đôi, mỗi gia đình".

Thời điểm nào trong quãng thời gian sinh và nuôi con là vất vả, tốn kém nhất?

Thời điểm sinh và nuôi con vất vả và tốn kém nhất có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau và thay đổi của từng gia đình. Việc chăm sóc trẻ sơ sinh đến 3 tuổi thường đòi hỏi nhiều công sức và thời gian vì trẻ cần sự chăm sóc gần như toàn thời gian và các chi phí như sữa bột, tã lót, và chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Khi trẻ lớn hơn, những chi phí khác như giáo dục, hoạt động ngoại khóa và phát triển cá nhân cũng có thể rất đáng kể. Một số gia đình cảm thấy giai đoạn thanh thiếu niên là khó khăn về mặt tài chính và cảm xúc nhất do nhu cầu về giáo dục, học phí, và các vấn đề liên quan đến quá trình trưởng thành của con cái.

Nhiều bà mẹ cũng đồng quan điểm khi cho rằng giai đoạn tốn kém nhất cho việc nuôi con là từ lúc mang thai đến khi con 3 tuổi bởi những chi phí cố định như khám bầu, đi đẻ, bỉm sữa, tiêm chủng, ốm đau. Các giai đoạn trở về sau, chi phí cho học hành, ăn uống... là tùy thuộc vào từng điều kiện gia đình.

Chị Tuệ Như (sống tại Hà Nội) chia sẻ: "Mình thấy giai đoạn mang thai đến lúc con 3 tuổi là cực kỳ tốn kém. Có những khoản khó mà tiết kiệm được như đi khám thai, bổ sung các loại thuốc bổ, sữa trong thời kỳ bầu bí. Sau đó khi con ra đời thì lo chuyện tiêm chủng, ốm đau, thuốc thang. Rồi chưa kể đến chi phí sinh con (có thể là 5 triệu hoặc hơn) rồi sắm đồ đạc.

Như mình không có sữa thì tốn kém ở khoản sữa cho con, rồi mua gói tiêm chủng đầy đủ từ 0-2 tuổi đã là hơn 20 triệu đồng rồi".

Chị Nguyễn Hương Giang (28 tuổi, sống tại Đồng Nai) cho rằng mỗi giai đoạn lại phải bỏ ra các chi phí nhất định: "Mọi người hay nhắc nhiều về chi phí sinh và nuôi con, theo kinh nghiệm của mình đã có 2 con thì mỗi giai đoạn lại có sự tốn kém riêng. Thời điểm 0-3 tuổi là lúc sức đề kháng của con yếu nên hay ốm đau, mình còn thuê thêm người giúp việc vì bé chưa thể đi lớp mà mẹ còn cần đi làm. Các loại bỉm, sữa, đồ ăn dặm cũng tốn không ít chi phí.

Qua giai đoạn 3 tuổi, con cần đi lớp rồi học hành, câu lạc bộ, các hoạt động ngoại khóa này kia cũng không rẻ, thậm chí có phần đắt đỏ. Dĩ nhiên lúc này tùy điều kiện gia đình có thể đưa ra mức đầu tư hợp lý theo quan điểm chăm sóc, nuôi dạy con cái".

Các mẹ đã tốn bao nhiêu tiền cho việc bầu bí, sinh nở và nuôi con?

1. Gần trăm triệu còn thấy thiếu, muốn nhàn hạ phải bỏ ra nhiều!

Đó là chia sẻ của chị Tuệ Như. Bà mẹ trẻ đã bỏ ra khá nhiều tiền để sắm các đồ dùng như quần áo, giày dép, túi xách, đồ chơi... thậm chí là đủ các size cho tới tận khi con 1 tuổi. Theo quan điểm của chị Như, đồ mua cho con nên tốt, xịn vì làn da trẻ rất mỏng manh, dễ bị kích ứng, nếu chọn những loại vải không tốt rất dễ ảnh hưởng đến sức khỏe của con.

"Theo quan điểm của bản thân mình, con cái là tài sản quý giá, thế nên nếu bố mẹ có điều kiện thì không có gì là lãng phí cả", bà mẹ trẻ bộc bạch.

Chị Như cũng khẳng định, trước khi sinh nở, chị đã dành ra một khoản nhất định để chăm sóc bé. Với các mẹ chưa chuẩn bị sẵn sàng về cả tâm lý lẫn kinh tế thì rất dễ bị khủng hoảng, stress, thậm chí là trầm cảm. Không ai muốn phải nuôi con trong sự khó khăn, điều kiện kinh tế quá eo hẹp, như vậy vừa khổ mình vừa khổ con.

"Theo mình thì phát ngôn ấy không sai, các mẹ nên nhìn vào mặt tích cực. Nghèo thì nên cân nhắc về chuyện sinh con. Từ cái ăn cái mặc, đến cơ sở vật chất, điều kiện học hành thì sẽ rất thiệt thòi cho con cái? Quả thực cái nghèo của cha mẹ sẽ làm con hiểu rằng 'tiền kiếm không dễ' nhưng không phải đứa trẻ nào cũng hiểu được như vậy. Tốt nhất, nếu bố mẹ cảm thấy đủ sức khỏe, kinh tế thì hẵng quyết định có con", người mẹ trẻ bày tỏ quan điểm.

Khi được hỏi về quãng thời gian nào nuôi con cảm thấy tốn kém nhất, chị Như khẳng định: "Mỗi thời điểm đều có sự tốn kém. Lúc nhỏ thì lo quần áo, tiêm chủng (khoảng gần 30 triệu đồng), rồi ốm đau, các đồ dùng sinh hoạt đi kèm. Lớn hơn một chút thì lo chuyện học hành, học thêm, ngoại khóa rồi các câu lạc bộ. Mình thấy tốn kém lắm luôn, không có tiền chắc không dám đẻ".

2. Chỉ cần 4, 5 triệu nếu nuôi con theo phong cách tối giản

Khác với những chị em lần đầu làm mẹ sẽ không tiếc tiền chi tiêu, mua sắm cho con hàng loạt đồ đạc, chị Nguyễn Hương Giang lại lựa chọn cho mình lối sống tối giản ngay từ khi mang bầu.

Chị Giang lên danh sách những đồ dùng cần thiết cho em bé. Thay vì mua hàng loạt đồ từ A đến Z thì bà mẹ 1 con sẽ lên danh sách những đồ cần và không cần dựa trên hiểu biết của bản thân và tham khảo từ những mẹ đã có con nhỏ. Sau đó, chị sẽ sắm những đồ chi tiết và tối giản nhất.

"Mình nghĩ sau khi con chào đời, nếu thấy thiếu đồ dùng cần thiết, các mẹ vẫn có thể mua thêm cho con sao cho phù hợp. Bé chỉ cần 4-5 chiếc áo size newborn ở thời điểm sơ sinh 1-2 tháng, sau đó chỉ cần 4-5 chiếc nữa size lớn mặc trong 3-4 tháng. Quần 1-2 cái theo áo thôi, 90% là đi xin, 10% được tặng mới", chị Giang nhận định.

Cũng theo bà mẹ trẻ, việc tốn kém hay không là tùy quan niệm chi tiêu của từng người. Cũng có những bố mẹ nhà có điều kiện nhưng rất tiết kiệm, không lãng phí. Đây cũng là cách để họ dạy dỗ con cái trong tương lai. Chính vì vậy, việc giàu, nghèo chỉ là 1 phần, không nên lấy nó làm thước đo hạnh phúc cho từng gia đình.

"Mình tiết kiệm các khoản hết sức có thể. 3-4 triệu thậm chí là 2-3 triệu/ tháng cũng có thể cân đối được. Nuôi con bằng sữa mẹ, quần áo thì được cho, mua không quá nhiều để tránh lãng phí mà không dùng hết. Nhiều bố mẹ cứ cho rằng phải giàu có, nhiều tiền, mua nhiều đồ chơi này kia nhưng mình thấy hạnh phúc nhất là ở chính suy nghĩ, quan điểm nuôi dạy con. Với trẻ nhỏ, được bố mẹ dành thời gian quan tâm, yêu thương vẫn là điều quan trọng nhất", chị Giang nhắn gửi.

3. Mỗi thời điểm lại cần chi tiêu sao cho hợp lý

Chị Hồng Linh (sống tại Hà Nội) lại cho rằng sinh và nuôi dạy con tốn bao nhiêu tiền là tùy thuộc vào quan điểm của từng gia đình. Với chị, mẹ của 2 em bé thì có những khoản nên tiết kiệm và có khoản cần phải bỏ ra.

"Mình may mắn khi con đang ăn hoàn toàn sữa mẹ nên đỡ được khoản sữa ngoài rất nhiều. Về mặt quần áo mình cũng không sắm quá nhiều, 3-4 bộ thay đổi là được rồi. Bát đĩa ăn dặm cũng không mua riêng mà dùng loại gia đình đang có. Thời buổi khó khăn, điều kiện kinh tế hạn hẹp, không cần phải bỏ ra quá nhiều rồi lại thành lãng phí.

Tuy nhiên, với bạn lớn thì đang tuổi học hành, vợ chồng mình thống nhất không tiếc tiền cho con đi học năng khiếu, các câu lạc bộ... Bởi theo mình, đầu tư vào học hành là không bao giờ "lỗ". Cho nên, việc bỏ ra bao nhiêu, thời kì nào sẽ tốn nhiều tiền nhất cho việc nuôi con vẫn là phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của từng gia đình", chị Linh nhận xét.

Những phát ngôn mang tính quan điểm dễ làm tổn thương những bậc làm cha, làm mẹ liệu có nên không?

Bên cạnh những người đồng tình với quan điểm trên, không ít người cho rằng phát ngôn đã thiếu tế nhị, làm tổn thương nhiều người làm cha mẹ có hoàn cảnh khó khăn. Không ai sinh con ra lại muốn con mình đói khổ, ai cũng mong con sẽ có một cuộc sống thật tốt, dù nghèo khó cũng hết lòng chăm sóc, nuôi dạy con cái. Vì có rất nhiều trường hợp vợ chồng trẻ động viên nhau đợi bao giờ kinh tế ổn thì mới sinh con, không biết đến khi nào mới gọi là ổn, nhìn lại thì đã sắp qua tuổi sinh nở.

Bên cạnh đó, phát ngôn cũng như một lời nhắc nhở những bậc cha mẹ trước khi có con nên suy nghĩ thấu đáo và có sự chuẩn bị tốt nhất trong khả năng có thể. Lựa chọn về thời điểm sinh con vẫn là quyền tự do của mỗi người. Sinh con, hay không sinh con, điều kiện thế nào là đủ hay chưa đủ, đều là suy nghĩ, quyết định rất riêng của mỗi cặp đôi, mỗi gia đình.

Chia sẻ