Tự dùng máy đo SpO2 cho trẻ phải cẩn thận, có 5 điều cần nhớ để bé không tái nhiễm Covid-19
Dù đã khỏi bệnh nhưng việc tăng đề kháng để cơ thể khỏe mạnh là điều cực kỳ nên làm.
Khi trẻ mắc Covid-19 cần chăm sóc, theo dõi điều trị tại nhà thế nào từ khâu chuẩn bị, chăm sóc sức khỏe cho đến nhận biết các dấu hiệu nguy kịch cũng như phòng ngừa xử trí biến chứng hậu Covid... Không ít bậc cha mẹ đã vô cùng bối rối khi rơi vào hoàn cảnh này.
Trao đổi kĩ hơn về việc trẻ là F0, PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội đã giải đáp một số vấn đề xung quanh.
"Việc số ca bệnh tăng nhanh chúng tôi đã dự đoán từ trước vì nhà nước đã thay đổi chủ trương chống dịch. Trước kia vì là Zero Covid nên truy vết, giãn cách xã hội rất mạnh. Nhưng đến giờ 2 năm rồi, bỏ giãn cách xã hội, sống chung với nó, cho trẻ con đến trường, mọi sinh hoạt diễn ra bình thường thì số ca nhiễm tăng lên là bình thường", bác sĩ Dũng nhấn mạnh.
- Trẻ bị sốt cao liên tục dẫn đến co giật, làm thế nào để kiểm soát cơn sốt ở trẻ?
Không có Covid thì trước kia sốt thông thường bé cũng có nguy cơ bị co giật. Nếu là sốt cao co giật lành tính thì trong khoảng chốc lát con sẽ tự hết. Bố mẹ cần bình tĩnh, không hoảng hốt. Điều tôi lo sợ là chúng ta sợ Covid nên nhầm, có khi con sốt co giật do viêm màng não. Tuy nhiên, khi con bị co giật, sau khi cắt cơn bạn nên mang con tới viện khám.
- SpO2 là một trong số những chỉ số quan trọng. Khi chỉ số này xuống thấp nhưng trẻ không sốt, nhịp thở đều thì phải làm thế nào?
Trước tiên, khi tự dùng SpO2 tại nhà phải rất cẩn thận. Chiếc máy mua vài triệu để gắn vào tay rất dễ hỏng, kéo ra kéo vào nhiều lần làm nó bị nhờn hay lỏng, đôi khi không áp sát vào tay, tia sáng không chiếu thẳng vào ngón tay vuông góc với mạch máu nên có thể nó báo là thấp nhưng thực sự nồng độ này không giảm. Nhưng nếu kẹp chặt quá thì việc đo cũng không chính xác được. Thêm nữa, nếu trời rét, tay bị lạnh thì kết quả đo cũng sẽ bị ảnh hưởng. Máy móc rất hay nhưng nếu không hiểu rõ cách chúng hoạt động thì đôi khi phản tác dụng.
Theo dõi khó thở ở trẻ không hề khó. Trẻ khó thở, thở khác thường hoặc nhìn mũi, ngực phập phồng. Hoặc là con kêu quá mệt, không chạy nhảy chơi đùa thì là đáng lo ngại. Phải theo dõi và đưa đến bệnh viện kịp thời.
- Có thể tự mua thuốc anaferon chim cánh cụt của Nga về điều trị cho con F0 không ạ?
Đây là thuốc kháng virus cúm có từ lâu rồi. Nhưng virus cúm này không giống với virus của Covid-19. Thuốc Tây thuốc nào cũng có tác dụng phụ, nhỡ uống vào không giúp được gì lại có thêm tác dụng phụ thì sao? Như vậy không cần và không nên uống.
- Có phải kiêng gì khi lên thực đơn cho trẻ F0?
Ăn được là tốt, không được bỏ bữa, không phải kiêng gì cả. Nước cam, nước dừa, nước lọc mỗi thứ 1 ít, đừng đợi khát mới uống mà không khát cũng nên uống.
- Con đã khỏi F0 nhưng cần phải chú ý điều gì? Liệu trẻ có tái nhiễm Covid không ạ?
Hiện tại, virus Covid tồn tại ở khắp mọi nơi, khi nó tấn công thì cơ thể mình phản kháng lại. Vậy thì có một vấn đề lâu nay không ai nghĩ đến đó là phải tăng sức đề kháng lên. Bằng chứng là trẻ con đi học một cái là nhiễm hết cả vì yếu, 2 năm ở trong nhà thì lấy đâu ra đề kháng?
Nếu sức đề kháng tốt lên thì không chỉ Covid mà bệnh gì cũng có thể chống lại được. Có 5 yếu tố giúp tăng sức đề kháng.
1 là dinh dưỡng.
2 là thể dục thể thao. Tạo cho trẻ không gian để chạy nhảy chơi đùa.
3 là tiếp xúc với thiên nhiên.
4 là tiêm chủng.
5 là cải thiện đời sống tinh thần. 1 nụ cười bằng 10 thang thuốc bổ.