Tự bổ sung vitamin: Lợi bất cập hại
Vitamin đóng vai trò thiết yếu cho cơ thể song nếu lạm dụng tự ý bổ sung vô tội vạ, không theo chỉ định chuyên môn sẽ gây ra những hậu quả cho sức khỏe.
Dù đã 5 tuổi nhưng con chị N.T.L. (ở quận Gò Vấp, TP HCM) vẫn thường xuyên bị ho, sổ mũi. Lo lắng về sức đề kháng con kém, chị L. mua một số loại vitamin tổng hợp được quảng cáo tăng cường sức đề kháng, bổ sung vi chất dinh dưỡng, giúp trẻ ăn ngon, ngủ ngon.
Thuốc bổ thành độc
Tuy nhiên, chị L. không biết rằng việc tự ý mua vitamin cho con uống có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Trong đó, nếu sử dụng vitamin quá liều có thể dẫn đến ngộ độc, gây ra các tác hại nghiêm trọng cho sức khỏe của con.
BSCKII Dương Công Minh, Trưởng Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP HCM), cho biết vitamin là những chất xúc tác không thể thiếu cho sự chuyển hóa các chất trong cơ thể. Vitamin chia làm 2 loại gồm loại tan trong dầu (A, D, E, K) và loại tan trong nước như vitamin nhóm B, vitamin C...
Nhu cầu hằng ngày về vitamin cho cơ thể con người rất ít, tùy thuộc vào từng lứa tuổi. Dù vậy, thiếu hay thừa đều có thể gây ra tác hại cho cơ thể. Nếu thiếu vitamin kéo dài có thể ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ và thể chất của trẻ, nặng hơn có thể dẫn đến tử vong. Ngược lại, nếu tự ý bổ sung, lạm dụng vitamin cũng gây nên nhiều bất lợi cho sức khỏe, làm phát sinh bệnh do dư thừa các sinh tố này. Thực tế đã có những trường hợp trẻ ngộ độc vitamin vì cha mẹ nghĩ rằng thuốc bổ sẽ không sao.
BS Minh phân tích trẻ em bình thường nếu không có bệnh tật nào, được bú mẹ và ăn uống đầy đủ thường không thiếu vitamin. Do vậy, không cần phải bổ sung thêm. Tuy nhiên, với trẻ béo phì, bên cạnh ăn chế độ ít chất béo cũng cần bổ sung các vitamin. Vì chế độ ăn ít chất béo không giúp hấp thu đủ lượng vitamin tan trong dầu như vitamin A, D, E, K. Riêng đối với trẻ bị suy dinh dưỡng, chậm lớn, trẻ sau giai đoạn bị bệnh (nhiễm trùng, ho hen, tiêu chảy...) thì việc uống thêm vitamin là cần thiết.
"Bổ sung nguồn vitamin qua thực phẩm là cần thiết, uống vitamin tổng hợp cũng là giải pháp khi bị thiếu vitamin. Tuy nhiên, cách tốt nhất là tận dụng nguồn vitamin có trong thiên nhiên" - BS Minh lưu ý.
Chớ nên lạm dụng
BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM (cơ sở 3), cho biết mỗi loại vitamin đóng vai trò khác nhau trong cơ thể. Do đó, nếu thừa sẽ có tác hại khác nhau.
Cụ thể, vitamin A có tác dụng trong tạo sắc tố thị giác, tạo da, niêm mạc, tăng sức đề kháng, chống nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, nếu thừa sẽ gây dị tật thai nhi và hại gan. Đối với thai phụ thay vì uống bổ sung vitamin A, nên khuyến khích ăn các thực phẩm giàu vitamin A (đu đủ, cà rốt, trứng, sữa, rau ngót, mồng tơi, trứng vịt lộn...). Trong trường hợp ở những nơi không có điều kiện ăn đầy đủ các thực phẩm mới nên bổ sung vitamin A và cũng chỉ nên bổ sung 2.000 đơn vị.
BS Vũ nhấn mạnh, vitamin A có nhiều trong trứng vịt lộn. Vì vậy, trẻ dưới 5 tuổi, hệ tiêu hóa kém thì không nên cho ăn trứng vịt lộn để tránh tình trạng sình bụng, tiêu chảy, nếu ăn nhiều trứng lộn lại hóa độc dược. Với trẻ lớn hơn, mỗi lần ăn nửa quả trứng và 1 tuần chỉ 1-2 lần. Đối với người khỏe, chỉ nên ăn 2-3 quả/tuần. Riêng người bệnh cao huyết áp, tiểu đường, viêm gan, gan nhiễm mỡ, tim mạch... nên kiêng hoặc không ăn nhiều vì có thể sẽ làm tắc nghẽn động mạch, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Lưu ý, nên ăn vào buổi sáng, tránh buổi tối vì có thể gây khó tiêu, ngủ không yên giấc.
Vitamin C có khả năng chống ôxy hóa cao, giúp phòng chống ung thư, tăng sức đề kháng, có tác dụng kháng histamine rõ rệt, làm trơn thành mạch, làm đẹp da... Thực tế, có nhiều trường hợp lạm dụng vitamin C bằng đường tiêm tĩnh mạch đã gây ra tác hại nguy hiểm như sỏi thận, làm toan máu, tiêu chảy hay viêm loét đường tiêu hóa, viêm đường tiết niệu, giảm sức bền hồng cầu, giảm thời gian đông máu. Ngoài ra, thừa vitamin C cũng có thể bị chứng "metabolic acidosis" xảy ra khi lượng axít trong cơ thể tăng cao với các triệu chứng như đau đầu, đau lưng, lo âu, giảm sức nhìn, buồn nôn, nôn, đau bụng và mất nước.
Đối với vitamin D có vai trò tham gia chuyển hóa và hấp thu canxi dưới dạng phosphat tại ruột. Canxi đọng ở xương răng làm cho răng, xương được cứng chắc. Ngoài nguồn vitamin D hấp thu được từ thực phẩm, vitamin D còn có nguồn được tạo ra nhờ tác dụng của tia cực tím trong ánh sáng mặt trời mà ergosterin chuyển thành vitamin D2 dưới da.
Vitamin B12 điều hòa chuyển hóa đạm, tăng cường tạo hồng cầu, làm hạ tỉ lệ cholesterol. Ngoài ra, còn tác dụng chống dị ứng, giảm đau. Thiếu B12 và axít folic làm tổn thương đến sự tổng hợp axít nucleic, ảnh hưởng tới chức năng tạo máu và hệ thần kinh, nhưng khi lạm dụng gây dư thừa vitamin B12 có thể gây tăng sản tuyến giáp, làm tăng hồng cầu quá mức, bệnh cơ tim...
BS Vũ khuyến cáo, cách bổ sung vitamin tốt nhất là qua thức ăn, nước uống. Nếu sợ thiếu vitamin và cả chất khoáng, có thể thăm khám bác sĩ để được chỉ định dùng đúng liều. Lưu ý thận trọng với dạng thuốc sủi bọt bổ sung vitamin. Bởi dạng thuốc sủi bọt luôn chứa tá dược rã sinh khí là natri bicarbonat và natri carbonat (khi hòa vào nước sẽ phản ứng với axít citric cũng là tá dược phóng thích khí CO2 gây sủi bọt) có thể gây tăng huyết áp đối với người bị sẵn bệnh lý này và đang kiêng muối. Đặc biệt, người cao tuổi đang điều trị bệnh tăng huyết áp không nên dùng thuốc bổ sung vitamin dạng sủi bọt.
"Để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra khi thừa vitamin chúng ta cần sử dụng đúng liều lượng và được sự tư vấn, kiểm soát của nhân viên y tế" - BS Vũ khuyến cáo.
Nguyên tắc cần biết
Theo BS Dương Công Minh, muốn tránh được các hậu quả do dùng vitamin không đúng cách, cần phải hiểu rõ nguyên tắc không dùng vitamin khi không bị thiếu, không được coi vitamin là "thuốc bổ" khi muốn khỏe thì dùng. Đối với trẻ nhỏ, nếu nghi ngờ sức khỏe bé không tốt (ăn uống kém, ngủ khó, kém linh hoạt, da không mịn màng …), biện pháp tốt nhất là cho bé đi khám bác sĩ chuyên khoa. Thầy thuốc sẽ thăm khám và làm các xét nghiệm bổ sung để xác định tình trạng sức khỏe và có các chỉ dẫn cần thiết. Tuyệt đối không nên tự ý dùng các vitamin, đặc biệt các loại phối hợp, liều cao và dùng dài ngày.