Truyện tranh: Thế giới không chỉ có... trẻ con!
Bên cạnh những ngôi sao điện ảnh, ca nhạc đình đám, có một “kẻ xâm lăng” khác lặng lẽ hơn, nhưng quyền lực và sức lan tỏa lớn lao không kém, tồn tại chủ yếu trong giới học đường...
Những “kẻ xâm lăng” ngọt ngào
Sự tấn công dai dẳng, không ngừng nghỉ trong suốt thời gian dài của các luồng văn hóa (chủ yếu qua phim ảnh – ca nhạc) không chỉ “nhuộm” Việt Nam bằng những gam màu văn hóa ngoại lai, mà còn đi thẳng vào cuộc sống của giới trẻ: nào tóc nâu môi trầm, chăn ga gối đệm, thời trang, đồ gia dụng Hàn Quốc.sặc sỡ đèn lồng dây đỏ trong trang trí, hay có cả cô dâu trùm đầu bằng khăn đỏ kiểu Trung Quốc; đến áo váy hở lưng xẻ ngực kiểu Hollywood. Những cơn mưa dầm văn hóa đã trở thành các “kẻ xâm lăng” ngọt ngào len lỏi vào từng góc nhà người Việt.
Bên cạnh những ngôi sao điện ảnh, ca nhạc đình đám, có một “kẻ xâm lăng” khác lặng lẽ hơn, nhưng quyền lực và sức lan tỏa lớn lao không kém, tồn tại chủ yếu trong giới học đường: manga (truyện tranh Nhật) và anime (là từ vay mượn của tiếng Anh, từ chữ "animation", còn được biết đến với tên gọi hoạt hình Nhật Bản. Anime, cũng giống như phim truyền hình, bao gồm rất nhiều thể loại khác nhau: hành động, hài, tình cảm, phiêu lưu... đang chi phối thế giới teen.
Thế giới manga và những bất ngờ
Trong tiềm thức của nhiều người, truyện tranh chủ yếu dành cho trẻ con, nhưng điều đó chỉ đúng một nửa. Các phụ huynh sẽ bất ngờ nếu biết thành viên trên các diễn đàn về truyện tranh chủ yếu là học sinh cấp II, III và… sinh viên đại học. Chuyện một sinh viên sáng lên giảng đường học triết học Mác – Lê, tối say sưa đọc manga hay anime không phải của hiếm, nhưng cũng đủ tạo sự ngạc nhiên cho người “ngoại đạo”.
“Làn sóng manga” thực sự bùng nổ tại Việt Nam khoảng 5 – 6 năm trở lại đây, nhưng đã bắt đầu từ khi series truyện về chú mèo máy Đôremon làm mưa gió tại thị trường sách vào năm 1992, tiếp theo là những Thuỷ thủ mặt trăng, Bảy viên ngọc rồng, Thám tử Conan, Teppi, Pokémon... liên tục ồ ạt tiến vào Việt Nam, tạo ra một thế hệ trẻ “ăn, ngủ, khóc, cười cùng manga”.
Giải thích cho sự đam mê này, một otaku nói em tìm thấy trong manga những câu chuyện, những hình tượng, những con người giống như thế giới mà em mong muốn. Và không chỉ đọc, em còn được thỏa sức ngắm nhìn nhân vật của mình qua hình vẽ.
Hoàng Hà, cô sinh viên năm thứ nhất khoa Thiết kế đồ họa, Đại học FPT là một otaku chính hiệu. Cô sinh viên này cũng có một bộ sưu tập truyện tranh phong phú, giống như nhóm bạn bè của cô. Đọc và sưu tầm dường như vẫn chưa đủ cơn khát, Hà và nhóm bạn còn là khách hàng thường xuyên (hầu như ngày nào cũng có mặt) của shop MTT, 20 – 22 Hoàng Hoa Thám, nơi cung cấp đủ các đề can, tranh ảnh, dữ liệu và các sản phẩm ăn theo khác của truyện tranh, cũng như các thần tượng âm nhạc, phim ảnh phục vụ giới teen.
Manga "nhuộm màu" mọi vật dụng của teen
Chủ shop, Nguyễn Thị Hoài Minh, cho biết 95% khách hàng của cô thuộc lứa tuổi học trò. Sản phẩm phục vụ họ vô cùng đa dạng: từ album, trang phục các thần tượng, nhân vật truyện tranh; đến mũ, áo, gối, móc khóa, ba lô, túi xách, đề - can… in hình nhân vật manga và anime.
Dù không phải là những otaku, nhưng giới teen ai cũng biết và có ít nhất một vài sản phẩm kiểu này. Đặc biệt vào những dịp lễ tết, nghỉ hè… các mặt hàng này lại được dịp trở thành hàng nóng để các teen thưởng thức và chia sẻ.
Đặc biệt, trong “CLB truyện tranh” còn có cả một thành viên là doanh nhân ở độ tuổi đã có cháu nội. Nhà của anh cũng được trang trí theo hình thức và hai nhân vật chính của bộ truyện Moryo Kiden (Legend of the Nymph) một kiểu Romeo – Juliet hoạt hình.
Đọc còn chưa đủ, các otaku còn tự sáng tạo luôn các bộ truyện cho mình. Với sự hỗ trợ của các phần mềm dạy vẽ, các diễn đàn manga và anime như accvn.net, truyentranh.com, zidean.com, manga-vn.com, p2pvn.net… các thành viên sôi nổi chia sẻ nhau những câu truyện, nhân vật, hình vẽ họ tự sáng tạo; hoặc cùng nhau chia nhân vật cùng sáng tạo.