Trước khi con lên 5 tuổi, nhất định phải dạy trẻ nắm được những điều dưới đây
Nếu nhà bạn có 1 nhóc tỳ gần 5 tuổi, có một vài điều quan trọng mà bố mẹ cần trang bị cho con. Không phải kiến thức sách vở mà đó chính là những kĩ năng sống để các con tự bảo vệ an toàn cho bản thân.
1. Tên của bố mẹ và số điện thoại
Đó là những thông tin quan trọng mà con bạn cần phải ghi nhớ. Ở độ tuổi này, các con thường chỉ biết gọi “bố ơi” hoặc “mẹ ơi” mà không thể ghi nhớ tên thật của bố mẹ là gì. Vì vậy bố mẹ cần dạy con ghi nhớ tên mình, điều này đặc biệt quan trọng trong những trường hợp khẩn cấp.
Bên cạnh đó, phụ huynh nên luyện tập cùng con để ghi nhớ các số điện thoại này. Bố mẹ có thể sáng tạo một bài hát với con số. Khi kèm theo giai điệu con sẽ dễ dàng ghi nhớ hơn. Nhớ số điện thoại của người thân, bé có thể mượn điện thoại từ những người xung quanh để liên lạc với bố mẹ trường hợp gặp rắc rối.
2. Gọi đến số điện thoại khẩn cấp
Khi lên 5 tuổi, bố mẹ chắc chắn phải dạy con cách liên lạc với các số điện thoại khẩn cấp và xác định trường hợp khẩn cấp ở trường hoặc bất kì nơi nào không có bố mẹ bên cạnh. Bố mẹ nên đưa ra một vài ví dụ cụ thể về trường hợp khẩn cấp con cần phải gọi đến số 113, 114 hay 115. Cùng con luyện tập quay số điện thoại liên hệ với tổng đài cứu hộ khẩn cấp.
Khi lên 5, bố mẹ chắc chắn phải dạy con cách liên lạc với các số điện thoại khẩn cấp (Ảnh minh họa)
3. Quy tắc an toàn giao thông
Dù có thoải mái trong cách nuôi dậy con đến mấy thì bố mẹ không thể lơ là việc dạy con tham gia giao thông an toàn. Dạy con quan sát đường xá, lắng nghe tiếng xe cộ. Điều quan trọng nhất là con không được phép sang đường khi không có người lớn để tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra. Bên cạnh đó, có rất nhiều trường hợp trẻ tự ý chạy ra đường để nhặt quả bóng hoặc khi thấy người bán kem đi ngang qua. Khi đó bố mẹ cần nghiêm khắc nhắc nhở con để tránh nguy hiểm đáng tiếc có thể xảy ra.
Dạy con tuyệt đối không sang đường khi không có người lớn bên đi cùng (Ảnh minh họa).
4. Ứng phó với người lạ
Nhiều ông bố bà mẹ dạy con tuyệt đối không giao tiếp với người lạ để tránh nguy hiểm. Nhưng cách làm này không hẳn đã đúng. Khi trẻ gặp rắc rối như đi lạc mà không nhớ số liên lạc của bố mẹ hay không biết cách gọi số điện thoại khẩn cấp thì tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người xung quanh là rất quan trọng. Bố mẹ có thể dạy con cách nhận biết cảnh sát hoặc tìm sự giúp đỡ từ người đáng tin cậy như bố mẹ của đứa trẻ khác, nhân viên cửa hàng… Thậm chí, mẹ và bé có thể giả định một tình huống, qua đó dạy trẻ cách ứng phó phù hợp trong tình huống cụ thể.
Những người xung quanh có thể giúp đỡ con trong những trường hợp khẩn cấp (Ảnh minh họa).
5. Kỹ năng tránh bị xâm hại
Ở nhà mọi người thường ôm, hôn, âu yếm nhau một cách cởi mở, nhưng với người ngoài thì hành động này có thể là mối nguy hiểm cho trẻ. Bạn nên dạy con những kiến thức cơ bản về vấn đề bảo vệ bản thân, cách phòng tránh khi bị xâm phạm. 5 tuổi là độ tuổi mà bố mẹ nên bắt đầu chia sẻ với con về vấn đề này. Hãy cởi mở trò chuyện, chia sẻ kiến thức cùng con. Chẳng hạn như các vị trí cơ thể người khác không được phép chạm vào. Bố mẹ có thể lựa chọn cách giải thích đơn giản để trẻ dễ hiểu và dễ tiếp thu nhất.
Nguồn: Popsugar