Triết lý sinh tồn của con tôi

,
Chia sẻ

“Mẹ ạ, trong mười môn học, con sẽ dành ra hai môn nào đó không quan trọng để… tụt hạng. Mình đang ở xứ của người ta mà mẹ!” - triết lý được thằng bé tuổi 13 đúc kết.

Cho trẻ học võ là một cách tự vệ trước cái xấu, cái ác

Tôi có dịp thể hiện vai bà mẹ của kỹ sư Huy trong vở Nhân danh công lý; và sau này tôi chuyển thể qua cải lương một trích đoạn ngắn để hợp diễn cùng các nghệ sĩ Tú Trinh, Vũ Luân trong chương trình Làn điệu phương Nam.

Ở lớp tái hiện, qua hình thức giấc mơ, kỹ sư Huy - đứa con trai hiện về gặp mẹ để an ủi, động viên người mẹ vượt qua khổ đau, mất mát. Huy đã nói: “Mẹ luôn dạy con phải biết sống yêu thương, nhường nhịn nhưng mẹ chưa hề dạy con cách chống lại cái xấu, cái ác"…

Một ý nghĩ, một lời nói thuộc về thế giới ảo - trên sàn diễn mà lại tận đâu trong giấc mơ - nhưng lại vang dội như tiếng chuông báo động, hối thúc một cách sống trong thế giới thực. Mà quả thế thật, hầu hết phụ huynh, và những người lớn vì ý nghĩ không muốn gieo vào đầu con trẻ những gì có vẻ bạo lực, nặng nề… nên luôn tìm cách đắp tô một thế giới chỉ có yêu thương, san sẻ, nhân ái… dành cho con. Những bực dọc, chịu đựng, oán hờn trong đời sống vợ chồng đôi khi được giấu sau những ánh mắt, nụ cười; những cuộc đưa đón, chăm sóc nhau hết sức hạnh phúc, hoà thuận. Và chúng ta đã bỏ quên một vế…

“Mẹ luôn dạy con phải biết sống yêu thương, nhường nhịn nhưng mẹ chưa hề dạy con cách chống lại cái xấu, cái ác…”

Đến đây, tôi sực nhớ đến… Kiều, một nhân vật trong đời ca kỹ của tôi. Nàng cũng chẳng hề biết cách ứng xử hay đối phó với cái xấu. Sự lỡ làng trong những lời giao ước đã đành, nhưng những chuyến đi lầm lỡ trong đời Kiều lại một phần do nàng cứ loay hoay, quay quắt cả tin vào những con người như Mã Giám Sinh, Sở Khanh… Nàng hối hả sắp đặt cuộc đời mình và cả cuộc đời những người thân yêu của nàng - những con người ở cực thiện - nên khi đứng trước cực ác, cứ chồng chất những thất bại nặng nề, những đắng cay chua chát…

Cái xấu, cái ác đôi khi không mang một gương mặt nào cả, nó lẩn khuất, nó trốn chạy và lắm khi, nó còn đong đưa trên những bộ cánh của thiên thần. Nói như nhà viết kịch Lê Duy Hạnh trong Diễn kịch một mình thì cuộc đời không dễ như sân khấu - các gương mặt nịnh thần, trung thần với những kiểu hoá trang ước lệ trắng – đỏ rất dễ nhận ra, còn dưới sảnh đang chầu vua, dưới cuộc đời đang tấp nập người qua kẻ lại kia thì không dễ cho những vai diễn tượng trưng xấu - tốt quá rõ ràng ấy.

Những vụ học trò đánh đập, đâm chém nhau ở Phú Thọ, Hà Nội hay gần hơn là trường Lê Lai (quận 8, TP.HCM), chỉ khi sự việc xảy ra, người ta mới nhận diện từng khuôn mặt mang tên bạo lực. Còn trước đó, khi đi ngang qua những bộ đồng phục học trò, mấy ai nghĩ, mấy ai nhìn và hình dung ra.

Khi tôi bảo Val, con trai tôi, học võ hồi nó bảy tuổi, cháu bảo, con có tính đánh đấm ai đâu mà học hả mẹ. Tôi nói với con, mẹ đâu bảo con học võ để đánh người mà là để con tự bảo vệ mình và bảo vệ cả ba, cả mẹ nữa. Anh chàng gật gù và học rất chuyên tâm.

Năm cháu 12 tuổi, chúng tôi quyết định gửi cháu sang học ở Thuỵ Sĩ. Cái tuổi “nhất quỷ” ở đâu cũng thế, cũng quậy phá, tinh nghịch và… ác hồn nhiên không thể tưởng. Lợi dụng lúc Val đến ca đi đổ rác (đặt túi rác ra bên ngoài cổng nhà), một cậu bé lớn hơn Val vài tuổi đã đóng sập cổng. Giữa cái lạnh dưới âm mười mấy độ, con trai tôi chống chỏi tới gần 2 giờ sáng. Tôi đang học đạo diễn ở Bulgary, chỉ biết chuyện sau đó hai ngày.

Qua điện thoại, con trai tôi trấn an: “Mẹ đừng lo, con không sao cả”. Tôi đòi nghỉ học bay qua Thuỵ Sĩ ngay lập tức, nhà tôi cũng gác hết mọi công việc để có mặt cạnh con.

Vào trường, lại là trò trêu chọc mà những đứa trẻ châu Á bao giờ cũng là tâm điểm, Val không ngoại lệ. Nhưng chỉ đến khi một cậu bé cùng lớp người Trung Quốc bị tấn công thì Val mới lên tiếng. Anh chàng “cảnh cáo” lần một, lần hai, đến lần thứ ba thì ra tay, hạ đòn mấy “thằng Tây” có bề ngoài to cao.

Nhà trường mời lên, Val trình bày và mọi việc được xác nhận, con tôi “trắng án”. Tôi lại được nghe sau khi mọi việc đã diễn ra. Val thỏ thẻ: “Mẹ ạ, trong mười môn học, con sẽ dành ra hai môn nào đó không quan trọng để… tụt hạng. Mình đang ở xứ của người ta mà mẹ!” Một kiểu triết lý tồn tại đã được thằng bé tuổi 13 đúc kết. Tôi đau xót và chồng chất cái cảm giác ray rứt. Ba năm sau, tôi đón con về Singapore để thấy gần nhà hơn.

Những buổi toạ đàm liên tục được tổ chức trong các trường học, những diễn đàn nhanh chóng được ra đời trên các phương tiện thông tin truyền thông lẫn thông tin truyền… miệng, thậm chí, ngay lập tức, khẩu hiệu “xây dựng một không gian học đường không bạo lực” đã kịp thời xuất hiện… nhằm tìm kiếm một giải pháp nhanh nhất, hữu hiệu nhất cho vấn nạn bạo lực học đường. Có cảm giác, thêm một lần nữa, chúng ta đang cơ hồ cưỡng bức trong việc nôn nóng giải quyết một sự thể phức tạp, đòi hỏi dài lâu và có tính nền tảng.

Đến bao giờ mối quan hệ có tính chất nền tảng văn hoá giữa gia đình - nhà trường - xã hội quy về một tam giác đều, chỉ khi đó những biểu hiện như bạo lực học đường mới được tháo gỡ một cách cơ bản, không theo phong trào giải quyết “đặc cách” như hiện nay…
 
 
Theo SGTT
Chia sẻ