Trẻ yêu sớm: Hãy lắng nghe, thay vì cấm đoán
Nhiều bậc cha mẹ phải cầu cứu nhà tư vấn tâm lý khi vào một ngày đẹp trời họ bỗng phát hiện ra đứa con bé bỏng của mình đang... yêu.
Tuy nhiên, dù đã tìm mọi cách nhưng nhiều phụ huynh cũng đành bất lực trước thái độ ương bướng của trẻ, phải gọi điện cầu cứu chuyên gia tư vấn. Anh Trần Văn Hải, nhà ở phố Thái Thịnh, Hà Nội kể, vợ chồng anh đã bị sốc nặng khi phát hiện lá thư tình trong cặp của cô con gái năm nay mới 13 tuổi. Trong thư, cậu bạn cùng lớp đã tả lại tâm trạng mùi mẫn khi diễn những màn yêu đương với con gái anh. Vợ anh Hải không giấu nổi cơn giận đã la mắng con thậm tệ, rồi đưa bức thư ra như một bằng chứng để kết tội. Cô bé sợ hãi, xấu hổ, cảm thấy bị xúc phạm nên đã bỏ đi khỏi nhà.
Trong hầu hết các cuộc khảo sát về tình yêu của trẻ vị thành niên, các phụ huynh luôn cho rằng yêu sớm là hư và khó chấp nhận được. Khi được hỏi “tại sao lại cấm đoán?”, phụ huynh cho rằng, trẻ chưa đủ chín chắn để xây dựng cho mình một tình yêu đích thực, tình cảm lúc này chỉ là cảm xúc bồng bột, rất dễ gây ra hậu quả xấu.
Ngoài ra, phụ huynh cũng nghe khá nhiều về những hệ quả của yêu sớm như “nạo phá thai vị thành niên”, “tự tử vì tình”, “học hành sa sút”... Vì thế, họ càng khó cởi mở với những rung động đầu đời của con cái.
Có nên cấm đoán?
Nam nữ khi trưởng thành, có sức thu hút về thể xác và tình cảm là điều hết sức tự nhiên, nó là một nhu cầu có tính bản năng rất khó để cấm đoán. Chuyện yêu của trẻ cũng là sự diễn tập cho tình yêu đôi lứa trong tương lai, vì vậy, thay vì bóp ngẹt chúng, cha mẹ cần hiểu, thông cảm để phát triển lành mạnh những cảm xúc ở tuổi dậy thì.
Khi thấy con có biểu hiện yêu, cha mẹ không nên cấm đoán tức thì hay làm ẫm ĩ lên. Nhưng từ lúc đó trở đi, hãy lưu tâm nhiều hơn đến trẻ. Cha mẹ phải lựa lời phân tích thiệt hơn về tình cảm bồng bột của con, khéo léo tìm hiểu mối quan hệ riêng tư để từ đó cho trẻ các lời khuyên về lối sống, cách ứng xử. Điều cấm kỵ nhất là cha mẹ có hành vi nghe lén điện thoại hay đọc trộm nhật kí của con, ngăn cấm con tiếp xúc với bạn.
Nếu như vợ chồng bạn còn lúng túng trong cách ứng xử khi con yêu sớm, thì hãy nghe câu chuyện sau đây của một người mẹ, có con gái học lớp 10 và cô bé cũng đang yêu: “Ngày sinh nhật con bé, tôi để ý thấy trong đám bạn trai đến dự có một người rất đặc biệt. Cậu ấy tặng con gái tôi một bó hoa hồng thật to. Cả hai thường dành cho nhau những cái nhìn rất quyến luyến. Tan tiệc, tôi ngồi trò chuyện với con, khi nhắc đến cậu bạn, con bé đỏ mặt, chạy ra ngoài ban công. Tôi biết con bé đang yêu. Sau đó, nó kể cho tôi nghe về tâm trạng, những rung động, những ước mơ về tương lai. Tôi cũng kể cho con nghe về những rung động đầu đời khi tôi bằng tuổi nó. Rồi những lần mẹ con trò chuyện, tôi có thể hiểu hết tâm tư của con. Từ những trải nghiệm của mình tôi đã giúp con biến những rung động ấy thành động lực để nó sống tốt hơn”.
Câu chuyện của phụ huynh này cho ta thấy rằng, khi thấy con mình phát triển bình thường thì không việc gì phải quá lo lắng. Thay vì cấm đoán một cách bạo liệt, hãy đến bên con một cách nhẹ nhàng như một người bạn tin cậy để giúp cho con vượt qua giai đoạn khó khăn. Khi tình yêu là nhu cầu bản năng khó để cấm đoán thì cách ứng xử của cha mẹ phải hết sức khéo léo, nó giống như chuyện ta không ngăn được dòng chảy của con sông nhưng biết nắn dòng chảy đi theo một hướng khác êm đềm hơn.
Theo GĐ&XH