Trẻ viêm màng não dễ tử vong vì phán lầm

,
Chia sẻ

Viêm màng não có những biểu hiện không rõ rệt, dễ nhầm lẫn với bệnh về hô hấp, cộng thêm sự chủ quan của một số phụ huynh, đến khi bệnh trở nặng thì khó mà tránh khỏi biến chứng.

Hầu hết lây qua đường hô hấp

Viêm màng não là tình trạng nhiễm trùng lớp màng bao bọc quanh não và tuỷ sống, thường do vi trùng hoặc virut gây ra. Bất cứ ai cũng có thể mắc phải bệnh này, nhưng nhóm đối tượng chính vẫn là trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và thanh thiếu niên, trong đó trẻ sơ sinh thường có nguy cơ cao nhất.

Viêm màng não do virut (siêu vi): còn gọi viêm màng não vô trùng, thường ít nguy hiểm hơn do vi khuẩn và có thể tự khỏi trong 5 – 10 ngày hoặc lâu hơn, tuỳ sức đề kháng mỗi cơ thể. Loại này phổ biến nhất vào mùa hè, với những triệu chứng khá nhẹ và thường bị nhầm với bệnh cúm.

Viêm màng não do vi trùng (vi khuẩn): loại này đặc biệt nghiêm trọng. Có trên 50 loại vi khuẩn gây bệnh, phổ biến nhất là: viêm màng não, phế cầu khuẩn, Haemophilus influenza tuýp B (Hib), Streptococcus tuýp B (GBS), E. Col, isteria… Trong đó, H. influenza B (Hib) là nguyên nhân chính của hầu hết trường hợp viêm màng não do vi trùng, thường xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới năm tuổi.

Viêm màng não đa phần lây truyền qua đường hô hấp (ho, hắt hơi, dịch mũi...) hoặc do tiếp xúc thông thường. Cho dù là viêm màng não do virut hay vi khuẩn, bệnh cũng có thể trở nên nghiêm trọng. Bất kỳ sự chậm trễ nào cũng có thể khiến trẻ phải đối mặt với nguy cơ điếc, chậm phát triển trí tuệ hoặc tử vong.

Biểu hiện ban đầu của bệnh thường chỉ là những triệu chứng nhẹ như sốt, cảm thấy khó chịu trong người...

Những dấu hiệu nhiễm bệnh

Một số vi khuẩn gây viêm màng não có thể sống trong miệng và cổ họng của một số trẻ hoặc người lớn khoẻ mạnh mà không gây hấn gì. Nhưng ở một số trẻ có sức đề kháng kém hoặc đang mắc các bệnh nhiễm trùng như nhiễm trùng huyết, viêm tai, viêm xoang... vi khuẩn và virut dễ dàng thông qua đường máu xâm nhập đến tuỷ sống màng não.

Biểu hiện ban đầu của bệnh thường chỉ là những triệu chứng nhẹ, chung chung như nhức đầu, sốt, cảm thấy khó chịu trong người… Vì vậy một số người vẫn hay nhầm đây là chứng cảm cúm thông thường. Khi tiến triển nặng hơn, có thể có một số triệu chứng như: đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn mửa, sốt cao, đau họng, đau bụng, đau cứng cổ, đau cơ và rất nhạy cảm với ánh sáng, một số trường hợp còn phát ban.

Đến giai đoạn đặc biệt nghiêm trọng, trẻ có thể bị hôn mê hoặc trở nên vô thức. Ở trẻ sơ sinh và nhũ nhi, những triệu chứng này khó phát hiện vì bé chưa biết thể hiện bằng lời nói. Tuy nhiên có thể nhận thấy một số biểu hiện như bé rất dễ cáu kỉnh, bỏ ăn, nôn mửa hoặc tiêu chảy, bàn tay và bàn chân lạnh, phát ban, thóp phồng lên, có dấu hiệu khó thở hoặc động kinh.

Xét nghiệm tuỷ sống mới biết chính xác

Việc xác định nguyên nhân gây viêm màng não từ siêu vi hay vi khuẩn là cực kỳ quan trọng. Trẻ bị viêm màng não do siêu vi thường dễ khoẻ lại mà không cần có những điều trị đặc hiệu, trong khi viêm màng não do vi khuẩn có thể ảnh hưởng tới mạng sống. Đó cũng là lý do trẻ cần được thực hiện thủ thuật chọc tuỷ sống.

Thủ thuật này là một quy trình, trong đó một chiếc kim rỗng ruột được đặt vào ống tuỷ ở phía dưới lưng. Một lượng nhỏ dịch não tuỷ sẽ được rút ra sau đó. Thủ thuật rất an toàn, không có nguy cơ nào dẫn tới trẻ bị liệt bởi kim được đặt ở phía dưới cùng của tuỷ sống. Bằng xét nghiệm tuỷ sống, bác sĩ sẽ xác định được nguyên nhân viêm màng não do vi khuẩn hay siêu vi, từ đó đưa ra phương án điều trị. Viêm màng não hoàn toàn có thể điều trị thành công và không để lại di chứng nếu được phát hiện sớm.

Làm thế nào để phòng ngừa?

Cách tốt nhất là cho trẻ chủng ngừa đầy đủ. Tất nhiên không thể phòng ngừa 100% vì có rất nhiều loại vi khuẩn gây bệnh. Hiện có ba loại tiêm chủng được chứng minh có thể giảm nguy cơ mắc viêm màng não: vắcxin Haemophilus influenzae type b (Hib), vắcxin phế cầu PCV7, vắcxin não mô cầu.

Vi khuẩn gây viêm màng não có thể lây từ người này qua người khác. Thời gian lây ở trẻ kéo dài từ hai ngày tới hai tuần, phụ thuộc vào loại vi khuẩn. Bác sĩ sẽ cho biết khi nào trẻ không còn nguy cơ lây nhiễm và có thể tái hoà nhập hoạt động thường ngày. Trong thời gian lây nhiễm nên: rửa tay trẻ thường xuyên và đảm bảo bất cứ người nào tiếp xúc với trẻ cũng phải rửa tay sát khuẩn; không dùng chung các đồ dùng gia đình; tránh tiếp xúc với nước bọt như hôn trẻ; tham vấn bác sĩ về uống thuốc hoặc chích ngừa cho các thành viên trong gia đình để tránh lây lan…

Theo BS Nguyễn Trí Đoàn
SGTT
Chia sẻ