Trẻ trụy tim mạch, tử vong vì dị ứng sữa bột

,
Chia sẻ

Nhiều bà mẹ mất sữa và phải cho bé bú sữa bột. Điều không ngờ tới là sữa bột có thể trở thành tác nhân gây nguy hiểm cho trẻ.

Viêm loét hậu môn vì... sữa

Hệ tiêu hoá, miễn dịch phát triển chưa hoàn thiện của trẻ sơ sinh khiến dị ứng thức ăn trở thành bệnh lý phổ biến và có đến 80% các trường hợp xuất hiện bệnh lý ngay trong năm đầu đời.

Tiến sĩ Lê Minh Hương (khoa Hô hấp, Viện Nhi TƯ) cho biết, trẻ dưới 1 tuổi, đặc biệt là trẻ từ 0 - 6 tháng tuổi hay bị dị ứng với sữa bột (sữa bò) nhất, vì trong giai đoạn này sữa là loại Protein lạ duy nhất xâm nhập vào bé, cơ thể sẽ phản ứng lại nếu loại Protein đó không phù hợp.

Làm gì khi trẻ bị dị ứng sữa?

Triệu chứng ban đầu trẻ thường gặp khi bị dị ứng với sữa là rối loạn tiêu hoá, viêm loét, sổ mũi, mẩn đỏ. Sau khi có những triệu chứng trên thì phải ngừng ngay việc cho trẻ uống loại sữa đó.

Trường hợp trẻ bị nôn nhiều, đi ngoài lỏng, đau bụng thì hãy cho trẻ uống nước và đưa bé đi cấp cứu ngay.

Sau khi ăn khoảng 30 phút trở lên, bé sẽ xuất hiện những mảng da ửng đỏ kèm theo ngứa ở vùng đầu, mặt, đối xứng ở má, trán, sau tai, quanh mắt. Thậm chí, có trường hợp bị lan ra toàn thân khiến bé cào khắp người, mất ngủ. Tuy nhiên, trong những tháng đầu tiên, các biểu hiện phản ứng với thức ăn của bé sơ sinh chủ yếu chỉ xuất hiện trên bề mặt da gây viêm loét hoặc phổ biến hơn là gây nôn trớ, đau bụng.

Bé Nguyễn Thu Lan ở khu tập thể Nghĩa Tân, Cầu Giấy - Hà Nội mới được 1 tháng tuổi đã phải nhập viện vì bị viêm loét xung quanh miệng. Sau khi kiểm tra bệnh và hỏi về chế độ ăn uống của bé, TS Hương phát hiện, do mẹ không đủ sữa nên đã cho bé uống thêm 150 ml sữa bột một ngày, chia làm 3 lần, dẫn đến dị ứng gây loét ở miệng.

Trường hợp của bé Hùng 3 tháng tuổi (D4 khu tập thể 8/3 - Hai Bà Trưng - Hà Nội) cũng ăn thêm sữa ngoài nhưng lại bị phản ứng gây viêm loét ở hậu môn. Theo các bác sĩ, trẻ có phản ứng tiêu cực với sữa gây nên hiện tượng nôn, tiêu chảy chiếm tỉ lệ đáng kể trong các ca cấp cứu tại viện nhi.

Gia đình chị Nguyễn Thị Huyền (157 - Trần Khát Chân - Hà Nội) có con đang nằm cấp cứu tại Viện Nhi kể, con trai chị đang phải truyền nước vì bé bị tức bụng, tiêu chảy. Nguyên nhân được kết luận là bé dị ứng với loại sữa bột chị mới mua thay cho hộp sữa cũ bé mới ăn được vài ba lần nhưng phải ngừng vì bé đi ngoài phân hơi lỏng.

Các bác sĩ cho biết, từ tháng thứ 6 trở lên, dị ứng thức ăn ở trẻ bắt đầu xuất hiện ở đường hô hấp gây nên hiện tượng sổ mũi, chảy nước mũi, ho. Nhiều khi bé bị viêm da, viêm phế quản, đau mắt, viêm tai cũng có thể là biểu hiện của phản ứng với Protein lạ. Thậm chí, có những trẻ còn bị sưng răng, sưng mặt vì sữa.

Theo TS Hương, thực chất trẻ bị dị ứng là do chất gây dị ứng có trong thức ăn, khi vào cơ thể sẽ kết hợp với một loại kháng thể có sẵn trên bề mặt tế bào bạch cầu ái toan và làm vỡ tế bào bạch cầu ái toan, phóng thích các hoá chất trung gian Histamine gây ra dị ứng. Phản ứng dị ứng nặng nhất có thể gây sốc phản vệ dẫn đến trụy tim mạch, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể gây tử vong nhanh chóng.

Loại sữa nào ít gây dị ứng?

Thực chất, dị ứng là một trong những căn bệnh mãn tính phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Có tới ¼ số trẻ dị ứng nhiễm bệnh. Do đó, ngay trong những ngày đầu bé chào đời, nếu mẹ không đủ sữa, các bà mẹ cần có chế độ ăn hợp lý để đảm bảo an toàn cho hệ miễn dịch, tránh dẫn đến quá mẫn cảm với cả những tác nhân vô hại trong thực phẩm hoặc môi trường.

Theo TS Hương, với những trẻ bị dị ứng với sữa bò thì không nên thay thế bằng sữa dê vì sẽ gây phản ứng chéo với chất Casein trong sữa bò; hoặc nếu thay thế bằng sữa đậu nành thì lại không giảm được nguy cơ dị ứng là bao, vì có tới hơn 20% trẻ bị dị ứng với sữa bò cũng sẽ dị ứng với sữa đậu nành.

TS Hương cũng khuyên rằng, chỉ được cho trẻ uống sữa có công thức đã bị thuỷ phân hoàn toàn bằng nhiệt hoặc enzyme để làm giảm đi các chất gây dị ứng. Trẻ không được bú mẹ chỉ nên dùng sữa có công thức ít gây dị ứng (hypoallergenic) vì các protein (lạ với cơ thể bé) có khả năng gây dị ứng đã được chia nhỏ và vô hại với trẻ.

Theo các bác sĩ, trẻ nhũ nhi (dưới 1 tuổi) chỉ nên ăn sữa mẹ hoặc sữa công thức vì dù cơ thể bé không bị phản ứng với sữa bò thì hệ tiêu hoá non nớt của bé cũng chưa hấp thụ được các protein có trong sữa bò. Chưa kể, trong sữa bò còn có một số khoáng chất có thể gây ảnh hưởng không tốt đến đường ruột của bé.

Mẹ bị stress khi mang thai, con dễ bị dị ứng

Nhưng không chỉ có sữa, ngay từ khi trong bụng mẹ, trẻ đã phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ dị ứng khác đến từ người mẹ.

Trẻ ăn sữa ngoài từ bé (sữa bột, sữa bò) và những trẻ mà trong gia đình có yếu tố di truyền về dị ứng, bao giờ cũng dễ bị dị ứng hơn những trẻ khác. Trường hợp cả cha mẹ đều bị dị ứng thức ăn hoặc phấn hoa, thuốc thì tỉ lệ truyền sang con lên tới gần 70%. Nếu chỉ một trong hai người có tiền sử bệnh này thì tỉ lệ di truyền giảm xuống còn gần 40%.

Trẻ bị dị ứng với Protein trong sữa bò, phải kiêng gì?

Theo lời khuyên của các bác sĩ, nếu trẻ bị dị ứng với sữa bò thì phải kiêng các sản phẩm khác được sản xuất từ sữa như pho mát, bơ, sữa chua, bánh có thành phần làm từ sữa bò...

TS Lê Minh Hương cho hay, trong quá trình mang thai nếu người mẹ ăn uống không đủ dinh dưỡng hoặc bị căng thẳng thần kinh (stress) thì thai nhi trong bụng khi sinh ra dễ bị dị ứng hơn các bé khác.

Điển hình là trường hợp chị Nguyễn Thị Hồng là giáo viên mầm non ở phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, mang bầu đúng vào dịp mùa hè nắng nóng, chị bị ốm nghén không ăn được, người xanh xao, trong khi vẫn phải đi dạy và chăm sóc cho gần 10 cháu lớp mẫu giáo bé. Chồng chị lại thường xuyên đi công tác xa, một thân một mình trong căn phòng trọ lợp mái tôn oi bức... khiến chị lúc nào cũng có cảm giác căng thẳng, thường xuyên bực bội, cáu gắt.

Đến khi chào đời được 4 tháng, cô con gái của chị đã liên tục bị dị ứng với một số loại thức ăn dặm như khoai tây và thậm chí cả phấn hoa loa kèn. Chị kể, chỉ cần ngửi thấy mùi hoa loa kèn là ngay lập tức bé hắt hơi liên tục, mũi đỏ ửng cả lên và sau đó là bị chảy nước mũi. Nhưng chỉ cần bế bé ra khỏi phòng có cắm hoa loa kèn thì một lúc sau, bé lại hết ngay các triệu chứng sổ mũi.

Trong 3 tháng cuối thai kỳ, các bà mẹ cũng nên tránh các loại thức ăn thường gây dị ứng vì các Protein lạ này có thể xâm nhập vào thai nhi qua nhau thai vào cơ thể bé.

Thủ phạm là 1... miếng dứa

Tại Bệnh viện Phụ sản, có không ít các bà bầu phải đến khám và điều trị chứng dị ứng. Trường hợp chị Lê Thu Mai (Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội) đang mang thai tháng thứ 8, thì bị mẩn đỏ, ngứa khắp người.

Theo kinh nghiệm dân gian, mẹ chồng chị sang nhà hàng xóm xin nắm lá khế về rửa sạch và chà xát khắp các chỗ bị mẩn ngứa nhưng cũng chỉ đỡ được chừng nửa tiếng. Suốt ruột, lo em bé trong bụng sẽ bị ảnh hưởng, chị liền đến bệnh viện. Sau khi hỏi kỹ về chế độ ăn uống trong ngày và làm test thử, các bác sĩ phát hiện chị Mai bị dị ứng do ăn phải miếng dứa bị giập (do một số thành phần, trong đó có nấm trong miếng dứa giập thường hay bị phản ứng với cơ thể).

Chị Mai kể, trước đó chị cũng rất ít ăn dứa vì mỗi lần ăn, dù chỉ một miếng nhỏ, cũng bị rát lưỡi và hơi nổi mề đay ở cánh tay nhưng chưa lần nào chị bị nặng như lần dị ứng này. Sau lần đó, chị được các bác sĩ khuyên nên tránh ăn dứa và tất cả các sản phẩm có thành phần dứa để tránh gây ảnh hưởng đến thai nhi.

Trong chế độ ăn của em bé sau này, cũng nên chú ý đến phản ứng của bé với dứa, nhất là khi bé dưới 1 tuổi thì tuyệt đối không cho bé ăn bất kỳ sản phẩm nào có thành phần được chiết xuất từ dứa. “Bác sĩ bảo, tôi bị dị ứng cơ địa với dứa, nhất là trong quá trình mang thai có lần bị nặng như thế thì em bé có nguy cơ bị ảnh hưởng rất cao” - chị Mai tâm sự.

Theo Lã Xưa
Gia đình.net
Chia sẻ