Trẻ nói trống không - lỗi do người lớn
Những cách nói của người lớn có thể tạo thói quen xấu cho con trẻ khi chúng bắt chước theo.
Anh Lân (Trương Định – Hà Nội) gọi điện xuống nhà chị gái, gặp đứa cháu 4 tuổi liền bảo:
- Cậu Lân đây, cho cậu gặp bố nhé.
Cháu gái không nói gì, quay ra gọi:
- Hùng ơi, Lân gặp.
Chị Hà (Văn Quán – Hà Đông) suốt ngày than phiền với đồng nghiệp cơ quan về chuyện cậu con trai 5 tuổi ăn nói hỗn với mẹ. Chị đi làm suốt cả ngày, cậu con trai ở nhà với bà nội. Chị và mẹ chồng lại không hợp nhau nên mẹ chồng thường nói những điều không hay về chị trước mặt cậu bé. Chị có càu nhàu chồng một vài câu, bà bảo:
- Mẹ mày cứ be be suốt cả ngày.
Cơ quan có việc đột xuất hay ở lại làm thêm giờ, chị gọi điện báo về muộn, bà thường nói:
- Mẹ mày lại được dịp xổng chuồng ra ngoài đường rồi.
Nghe bà nói nhiều thành quen, con trai chị cũng hay bắt chước bà. Bố mẹ nói chuyện với nhau, cậu chạy lại rỉ tai bà:
- Mẹ cháu lại be be lên rồi.
Nhiều lần chị Hà đã quát con không được nói như thế, mẹ chồng bênh cháu chằm chặp:
- Nó biết gì mà mắng. Đi ra ngoài mà be be cho đỡ nhức đầu.
Được thể, con chị lại càng không sợ mẹ, luôn sao y lại những câu của bà để nói với mẹ.
Những câu chuyện trên chỉ là một số rất ít những tình huống khóc dở mếu dở khi bé bắt chước một cách máy móc lời nói của người lớn mà bé chưa hiểu được hết. Vì chưa đủ nhận thức, bé cũng không biết cách nói của mình thế là đúng hay sai. Nếu bé không được uốn nắn kịp thời, những hành động không tốt sẽ in sâu vào bé. Để bé không học theo cách nói trống không và có những lời lẽ hỗn với người trên, bố mẹ và người thân trong gia đình phải chú ý đến từng lời ăn tiếng nói của mình.
Khi con bạn bắt chước những lời nói của người lớn, đừng cổ vũ hoặc quát nạt, áp đặt bé. Hãy giải thích cho bé hiểu nói như thế có đúng không, có nên không, hay phải nói như thế nào. Nếu cần thiết, bố mẹ hay người thân trong gia đình nên nhận lỗi hành vi không hay của mình để bé học tập.