"Trẻ nhỏ - tổn thương lớn", 5 câu nói vô tư của cha mẹ khiến con tủi thân khi gia đình có thêm em bé
Những câu nói vô tình của người lớn nhưng có thể đi sâu vào ký ức tuổi thơ của trẻ, khiến các con bị tổn thương, ích kỷ và tự ti.
Sinh thêm con là một trong những quyết định quan trọng của mỗi bố mẹ. Bởi không chỉ thói quen của người mẹ bị thay đổi mà cuộc sống gia đình cũng bị ảnh hưởng rất nhiều, đặc biệt là bé lớn vẫn đang ở trong độ tuổi bám mẹ.
Đứa trẻ vẫn đang nhận được sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ 100%. Giờ đây chúng phải san sẻ với đối tượng được gọi là "em bé" mà chúng còn chưa gặp bao giờ. Lúc này tâm lý các con chắc chắn sẽ có nhiều suy nghĩ, lo lắng. Vậy mà người lớn còn "dội" thêm những câu đùa vô tâm dưới đây, chắc chắn sẽ khiến đứa trẻ càng bị tổn thương, buồn bã, trở nên ích kỷ và mối quan hệ giữa chúng với em bé chắc chắn sẽ không được tốt đẹp.
1, "Mẹ sắp đẻ em bé rồi, chuẩn bị ra rìa nhé"
Đây là câu nói đùa mà đến 9/10 đứa trẻ ở Việt Nam phải nghe. Sự vô tư đến vô tâm trong câu nói ấy ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của trẻ.
Khi nghe câu nói ấy, con sẽ hiểu rằng, cha mẹ không còn thương mình nữa. Tất cả những yêu thương, chăm sóc của mọi người dành cho mình thì giờ đây bị đứa gọi là "em bé" đấy lấy đi. Cộng thêm với việc khi có con nhỏ, bố mẹ dành nhiều thời gian chăm em hơn, đứa lớn sẽ càng này sinh tâm lý đố kỵ, ghét bỏ em mình, ghét cả sang bố mẹ.
Thay vì động viên, khuyến khích trẻ biết yêu thương, chào đón em bé nồng nhiệt thì với kiểu nói này, người lớn lại vô tình làm trẻ tổn thương, xấu tính vì sợ hãi rằng mình sẽ bị bố mẹ bỏ rơi.
2, "Con không ngoan, mẹ cho đi nhé, mẹ chỉ nuôi mình em thôi"
Người lớn luôn có thói quen hù dọa trẻ để chúng nghe lời. Những câu nói này dễ khiến trẻ nảy sinh tâm lý sợ hãi, hay nghi ngờ về tình thương của cha mẹ dành cho mình.
Đặc biệt, khi trong nhà có thêm thành viên mới, cha mẹ thường xuyên dọa dẫm con là cho đi/bán đi, chỉ nuôi "em bé" ngoan thôi, như thế đứa trẻ sẽ ghét bỏ em mình. Bé lớn sẽ chẳng bao giờ nhìn ra lỗi sai của bản thân để sửa đổi, mà chúng chỉ cảm nhận được vì đứa em kia mà cha mẹ muốn cho mình đi. Giống như câu nói đùa ở trên, điều này chỉ khiến bé lớn ngày 1 ích kỷ, đố kỵ, thậm chí chúng sẽ càng nổi loạn.
3, "Anh/chị hư nhỉ, mẹ đánh anh nhé"
Để dỗ dành con nhỏ đang khóc, nhiều cha mẹ có hành động đổ lỗi cho người khác. Một vài câu nói vô tình của cha mẹ nhưng sẽ khiến con lớn tổn thương, đó là: "Nín đi, mẹ đánh anh/chị... nhé. Anh/chị hư nhỉ, chỉ biết khóc thôi", "Anh/ chị... ngoan nhé, không mẹ phạt đấy", "Anh/chị... làm con khóc phải không, không biết trông em bé nhỉ",...Việc biến bé lớn thành "kẻ chịu trận" sẽ khiến trẻ cảm thấy oan ức, không phục. Con sẽ nghĩ mọi điều em làm sai, mình sẽ phải chịu bố mẹ mắng, phạt. Như vậy chúng sẽ cảm thấy bất công, cha mẹ không công bằng giữa em và mình.
Câu nói này của cha mẹ còn khiến em bé cũng sinh hư. Đứa nhỏ sẽ nghĩ mình hư thế nào cũng có người khác chịu tội thay mình. Đồng thời chúng sẽ trẻ nên đành hanh, mè nheo và không có tình yêu thương với người anh/chị của mình.
4, "Lớn phải nhường em chứ?"
Khi 2 bé chơi với nhau sẽ không tránh khỏi những lúc mâu thuẫn vì tranh giành đồ chơi, vì không cùng quan điểm... Cha mẹ sẽ trở thành trọng tài giữa 2 con. Nếu chúng ta mặc định anh/chị lớn hơn là phải nhường em thì vô tình sẽ làm cả 2 con đều hư.
Con lớn sẽ sợ mất tình thương của cha mẹ. Bởi chúng chưa hiểu tại sao mình phải nhường? Trước khi mẹ có em bé, đứa lớn vốn là trung tâm của gia đình. Nhưng giờ đây chúng phải sẻ chia sự quan tâm của bố mẹ. Không những thế cha mẹ lại có phần thiên vị em mình hơn. Tình trạng này kéo dài, chúng sẽ cảm thấy tủi thân, khó chịu với gia đình, với cả em của mình. Con sẽ cảm thấy khó hòa hợp với em, ghen tị với em, thậm chí là ghét bỏ em mình. Lớn lên chúng sẽ ghét hôn nhân, không muốn lập gia đình.
Còn đứa nhỏ sẽ ích kỷ và nghĩ mình là trung tâm. Muốn gì có được nấy, bé sẽ tự cho mình cái được quyền đòi hỏi, được quyền vô trách nhiệm. Còn mọi người phải có trách nhiệm chiều chuộng đáp ứng cho mình. Với cách nghĩ đó khi trẻ đi học sẽ khó thích nghi với môi trường mới. Lớn lên chúng sẽ không coi trọng cảm xúc của người khác...
5, "Sao con lại đánh em"
Khi hai đứa trẻ chơi với nhau, nếu có xảy ra xô xát, cãi vã thì đứa lớn luôn bị la mắng, nhắc nhở, thậm chí bị ăn đòn vì đánh em. Đây là chuyện thường xảy ra hàng ngày ở các gia đình có 2 con trở lên.
Thay vì tìm hiểu nguyên nhân tại sao 2 con lại có sự mâu thuẫn, cha mẹ chỉ cảm thấy "nóng mắt" vì anh/chị lại chọc em khóc. 2 đứa trẻ đánh cãi nhau, người lớn mặc nhiên cho rằng đứa lớn tuổi hơn là sai. Và chỉ trách phạt con lớn.
Hành xử này của cha mẹ sẽ khiến con lớn có 2 phản ứng. Một là chúng sẽ tủi thân và trở nên tiêu cực, ghét em, ghét bố mẹ vì nghĩ mình bị ra rìa, không còn nhận được sự yêu thương. Hai là chúng sẽ trẻ nên bao dung quá mức và cam chịu dù có bất công đến thế nào. Nhường nhịn và bao dung là đức tính tốt nhưng nếu đặt không đúng chỗ thì sẽ dễ dàng bị lợi dụng.
Vốn dĩ việc một gia đình có 2 con là hạnh phúc, nhưng nếu cha mẹ không biết cân nhắc lời nói và cư xử phù hợp thì sẽ khiến các con quay lưng lại với nhau và có thể vô tình làm hư cả hai đứa trẻ. Đó là điều đáng buồn!