Trẻ mắc ADHD: Khó tập trung, hay quên việc đang làm

Kim Dung,
Chia sẻ

ADHD là một rối loạn phát triển về tâm thần kinh ở trẻ em, đặc trưng bởi sự giảm tập trung chú ý kết hợp với tăng hoạt động quá mức, thiếu kiềm chế.

Trẻ mắc ADHD: Khó tập trung, hay quên việc đang làm - Ảnh 1.

Việc chẩn đoán và điều trị sớm ADHD ở trẻ giúp ngăn ngừa sự xuất hiện các rối loạn/vấn đề đi kèm. Ảnh minh họa: INT

Trẻ rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) thường không có khả năng tập trung ở bất kỳ hoạt động nào, hay quên, khó kết bạn, không thể đứng yên một chỗ quá vài giây, leo trèo quá mức… ảnh hưởng đến khả năng học tập và giao tiếp.

Biểu hiện mắc ADHD

TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức – Trưởng khoa Nội Thần kinh, Trung tâm Thần kinh (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh) cho biết, ADHD là một rối loạn phát triển về tâm thần kinh ở trẻ em, đặc trưng bởi sự giảm tập trung chú ý kết hợp với tăng hoạt động quá mức, thiếu kiềm chế. Tình trạng này thường gặp ở trẻ nhỏ từ 3 - 11 tuổi, bé trai nhiều hơn gái.

Theo bác sĩ Minh Đức, ADHD nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, hành vi và chất lượng cuộc sống của trẻ. Về lâu dài, trẻ sẽ bị lo âu, căng thẳng, dễ thất vọng, tự ti về bản thân.

Trẻ dần cô lập và rơi vào tình trạng trầm cảm, kết quả học tập sa sút, khó theo kịp chương trình học cùng các bạn, dễ bị bạn bè xa lánh, trêu chọc… Trẻ bị chậm phát triển trí tuệ, có hành xử hung hăng hay gây hấn, tấn công người khác, dễ bị nghiện ngập.

Để nhận diện trẻ mắc chứng tăng động, giảm chú ý, theo bác sĩ Minh Đức, cha mẹ cần theo dõi biểu hiện của con. Từ đó, kịp thời đưa trẻ đến các bác sĩ chuyên khoa tâm thần kinh thăm khám. Trong đó, trẻ mắc ADHD thường giảm chú ý, không thể ngồi yên một chỗ, không chú ý thầy cô hay cha mẹ hướng dẫn thực hiện công việc hoặc học tập.

Trẻ không thích tham gia trò chơi cần duy trì sự tập trung chú ý, dễ bị phân tâm bởi môi trường xung quanh, quên đi công việc đang làm. Trẻ cũng có thể làm thất lạc đồ chơi và đồ dùng học tập. Trẻ cũng có tính hấp tấp, bốc đồng, hành động vội vàng. Ví dụ, trẻ có thể đột ngột chạy qua đường mà không quan sát.

Ngoài ra, trẻ có những biểu hiện tăng động bao gồm các hoạt động vận động quá mức. Trẻ em, đặc biệt là những trẻ bé, có thể gặp khó khăn khi ngồi yên, như ở trường học, công viên… Biểu hiện của trẻ có thể bao gồm: Thường xuyên bồn chồn tay chân, bối rối; Thường bỏ vị trí trong lớp học hoặc ở những nơi khác;

Thường xuyên chạy hoặc leo trèo quá mức khi hoạt động, kể cả ở những nơi không cho phép; Gặp khó khăn khi phải chơi mà giữ yên lặng; Thường xuyên di chuyển, hoạt động; Nói nhiều, hay buột miệng trả lời mà không chờ hết câu hỏi; Khó khăn khi chờ đến lượt vui chơi hay mua hàng; Hay có thói quen làm gián đoạn hoặc xen ngang vào người khác.

Nếu trẻ tăng động giảm chú ý trong một thời gian dài mà không được phát hiện và chữa trị thì có thể gặp biểu hiện rối loạn ngôn ngữ, chậm nói, nói ngọng, khả năng hiểu và diễn đạt kém. Trẻ cũng có thể nhạy cảm quá mức với ánh sáng, âm thanh, tiếng động, dễ bị rối loạn giấc ngủ, mất ngủ, khó ngủ, mộng mị, tỉnh giấc giữa đêm.

Trẻ thường thiếu tự tin trong giao tiếp với người xung quanh, kể cả bạn bè, thầy cô. Trẻ không kém thông minh so với các bạn, nhưng gặp khó khăn để lắng nghe nên tỏ ra lơ mơ, không kịp nắm bắt lời giảng hoặc những yêu cầu của việc làm bài tập.

Trẻ mắc ADHD: Khó tập trung, hay quên việc đang làm - Ảnh 2.

Trẻ mắc ADHD thường giảm chú ý, không thể ngồi yên một chỗ. Ảnh minh họa: INT

Cần sự đồng hành

Theo chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện - Đơn vị Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM), nhiều phụ huynh có con mắc ADHD đã rất căng thẳng để chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ. Phụ huynh dễ nổi nóng và dùng đòn roi, bạo lực khi giáo dục con với mong muốn trẻ sẽ giảm bớt các biểu hiện quậy phá, lăng xăng.

Bạo lực có thể làm trẻ sợ hãi và giảm tức thời các hành vi tiêu cực, nhưng không có ý nghĩa lâu dài. Ngoài ra, việc dùng bạo lực còn có thể làm trẻ bị thương tích, ám ảnh. Trẻ sẽ học được từ người lớn cách giải quyết vấn đề bằng hình thức bạo lực và có thể “thực hành” bạo lực với bạn bè.

Chuyên gia dẫn chứng, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trẻ ADHD có thể có các hội chứng rối loạn khác đi kèm, như: Rối loạn chống đối, rối loạn cư xử, rối loạn học tập… Khó khăn trong tập trung có thể khiến trẻ không thể hoàn thành các bài tập ở trường, khó học theo cách “bình thường” ở các trường phổ thông.

Vì vậy, nếu không được giáo viên thông cảm, giúp đỡ, trẻ dễ chán nản dẫn đến lơ là học tập, thậm chí là bỏ học. Phụ huynh sau khi đưa trẻ đi khám và xác định vấn đề, nên trao đổi cùng giáo viên phụ trách để có một cái nhìn tích cực và cùng tìm ra phương pháp giáo dục đặc hiệu cho con.

“Đối với một trẻ mắc ADHD, ngoài việc điều trị bằng thuốc, vấn đề tâm lý, giáo dục cũng là yếu tố không thể thiếu. Một số biện pháp trị liệu tâm lý như can thiệp hành vi bằng thưởng - phạt, trị liệu nhận thức - hành vi, huấn luyện kỹ năng xã hội… được đánh giá có hiệu quả với các trẻ ADHD.

Cách thức chăm sóc của cha mẹ, sự chấp nhận và cái nhìn tích cực, yêu thương cũng là yếu tố cần thiết để phụ huynh đồng hành cùng con”, chuyên gia Vương Nguyễn Toàn Thiện chia sẻ.

ThS.BS Nguyễn Mai Hương - Phó Trưởng khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, việc chẩn đoán và điều trị sớm ADHD giúp ngăn ngừa sự xuất hiện các rối loạn/vấn đề đi kèm, làm giảm thiểu các ảnh hưởng chức năng sau này, tăng chất lượng các mối quan hệ, giảm xung đột gia đình và giảm chi phí điều trị.

“Nếu trẻ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, trẻ có thể tham gia các hoạt động vui chơi và học tập phù hợp, phát huy được năng lực bản thân, có cuộc sống độc lập và hòa nhập tốt với xã hội”, ThS.BS Hương cho biết.

Tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ mắc tăng động giảm chú ý dao động từ 3,2 - 9,3% và trẻ tăng động giảm chú ý có kèm những rối loạn đồng diễn là 67%. Con số này được đưa ra tại Hội thảo khoa học “Chiến lược toàn diện trong quản lý trẻ tăng động giảm chú ý” năm 2022.

Tại Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh cho biết, gần 11% trẻ em nước này từ 2 - 17 tuổi được chẩn đoán rối loạn tăng động giảm chú ý. Có khoảng 7,2% trẻ em trên toàn thế giới được chẩn đoán mắc phải rối loạn này. Trong đó, tỷ lệ các bé trai mắc ADHD cao gấp đôi so với bé gái.

Chia sẻ