Trẻ lên 4 quan niệm về tình yêu
Thường ngày, Hưng rất ngây thơ, nhưng một hôm cu cậu thủ thỉ "Mẹ ơi, mẹ hết tình yêu với bố rồi ạ?".
Lúc thưa khách, chị Huyền làm nghề cắt tóc (ở Từ Liêm, Hà Nội) thường trò chuyện với cậu ấm lên 4 tuổi. Thường ngày, Hưng rất ngây thơ, nhưng một hôm cu cậu thủ thỉ "Mẹ ơi, mẹ hết tình yêu với bố rồi ạ?".
Mẹ hết tình yêu rồi ạ?
Chị Huyền giật mình cười và ôm con vào lòng đáp "Sao con hỏi thế?", nhưng lòng đã hiểu lý do.
Rồi chị lái sang chuyện khác vì nghĩ Hưng đã cảm nhận được một phần những cuộc to tiếng giữa hai bố mẹ. Chị tâm sự, Hưng là con út. Trên Hưng là hai chị đã đi học. Dù đã nhận thức không có biểu hiện cực đoan trước các con nhưng cuộc sống cơm-áo-gạo-tiền đã khiến chị không kiềm chế được.
Chỉ vì chị quá "ngây thơ" khi nghĩ Hưng mới 4 tuổi chưa đủ để "tổn thương" trước những cuộc cãi vã to tiếng với ông xã thường hay xuất hiện trước mặt. "Có thể nó nghĩ bố mẹ hay to tiếng với nhau là hết tình yêu" - chị Huyền suy đoán.
Cũng ở độ tuổi Hưng, cu Lâm con chị Giang ở Thanh Xuân (Hà Nội) quan niệm "tình yêu là hai cái miệng của 1 người con trai và một người con gái chụm vào nhau, thơm nhau".
Vừa cười chị vừa kể, có lần bạn của vợ chồng mình tới nhà chơi, nó quan sát rồi phán "cô kia là tình yêu của chú...". Nghĩ mới 4 tuổi mà đã "nhiều chuyện", chị lân la hỏi "Tình yêu là gì hả con?". Lâm đáp "Tình yêu như ba với mẹ ấy. Nghĩa là ba là con trai và mẹ là con gái".
Nghĩ "cậu ấm" đã có một chút "định nghĩa" về tình yêu nêu chị "truy" tiếp, nhưng câu trả lời cho thấy Lâm rất hay quan sát để tìm hiểu....
Vừa vào phòng định ngả lưng nghỉ sau một ngày làm việc mệt nhọc, cô cháu nội lên 5 của chị Dung (Tây Hồ, Hà Nội) tíu tít trò chuyện. Từ chuyện chơi sang chuyện học rồi Nhím dừng lại, nét mặt dò xét: "Bà ơi, kẻ trộm là gì hả bà, vì cháu hay nghe nhắc đến kẻ trộm".
Chưa hiểu cháu gái muốn tìm hiểu "vấn đề" gì, chị Dung đáp "Kẻ trộm là người xấu con ạ. Người này thường vào nhà và lấy đồ đi nên mọi người không yêu kẻ trộm...".
Tưởng đến đó, cháu gái đã hiểu nhưng đối đáp tiếp khiến chị thấy giật mình. Giật mình với phát ngôn "già trước tuổi" khi Nhím hồn nhiên nói "Nhưng cháu biết có một người vẫn yêu kẻ trộm....". Không để bà phải suy nghĩ, Nhím tiếp lời "Đó là mẹ của kẻ trộm nội ơi".
Màu của con gái
Vẻ ngây thơ của Bờm khiến người đi đường để mắt. Còn chị Thu đã hiểu sự liên tưởng của bé. Ở nhà, mỗi lần đi ngủ chị thường lùa Bờm đi tè để không tè dầm ra giường. Bởi vậy, Bờm nghĩ "Trời mưa là do ông trời không đi tè trước khi đi ngủ".
Lần khác, gương mặt hồ hởi bố đón từ lớp học về - Bờm đố ra câu đố "Mẹ biết mà tím là mầu của con gì không?". Như để kiểm tra sự liên tưởng ngây thơ của Bờm, chị nhíu mày đáp "Mẹ chịu". Như thắng thế, Bờm nhẩy chồm chồm giải đố "Thế mà mẹ không đoán ra. Màu tím là màu của con gái".
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất, sự ngây thơ của trẻ em lúc nào và ở đâu cũng rất đáng yêu và luôn mang lại tiếng cười cho mọi người.
Tuy nhiên, người lớn cũng nên chú ý đến việc uốn nắn, dạy trẻ phát triển tư duy, ngôn ngữ đúng như lứa tuổi của mình. So với hơn mười năm trước đây thì trẻ em bây giờ có điều kiện phát triển từ rất sớm và toàn diện cả về thể chất và trí tuệ.
“Các bậc cha mẹ nên chú ý đến những cảm nhận của trẻ, nhất là khi trẻ còn đang ở lứa tuổi mẫu giáo, bé rất nhạy cảm, dễ học theo, bắt chước nhanh những điều mà nó cho là “mới mẻ”. Hãy giúp con phát triển đúng với lứa tuổi của mình, đó mới là sự phát triển cần thiết và bền vững”, ông Chất nói |
Theo VNN