Trẻ học kém vì phương pháp sai lầm

,
Chia sẻ

Trong rất nhiều gia đình hiện nay, các bậc cha mẹ lấy điểm số làm tiêu chuẩn đánh giá sự phát triển trí lực và khả năng học tập của con.





 
Chú trọng điểm số, coi nhẹ khả năng

Trong rất nhiều gia đình hiện nay, các bậc cha mẹ lấy điểm số làm tiêu chuẩn đánh giá sự phát triển trí lực và khả năng học tập của con.

Song, điểm số thực ra chỉ đánh giá được một phần trình độ trí lực của trẻ, bởi thế, nếu chỉ yêu cầu trẻ học để có điểm số cao mà coi nhẹ việc bồi dưỡng năng lực tư duy tức là bỏ gốc lấy ngọn. Chính vì vậy, rất nhiều trẻ em lúc nhỏ có thành tích học tập tốt, nhưng càng lớn thì thành tích càng kém.

Không chú trọng khả năng tự học của trẻ

Một số phụ huynh thường bao biện, làm thay bài tập cho con, không để trẻ tự tư duy độc lập. Cho nên, khi trẻ hơi gặp khó khăn một chút là nhờ cha mẹ giải quyết.

Để trẻ ỷ lại vào cha mẹ sẽ không có lợi cho việc bồi dưỡng năng lực và hình thành thói quen học tập tốt. Cha mẹ chỉ nên là người chỉ đạo, hướng dẫn chứ không nên làm thay, làm hộ, con cái bạn không thể cả đời dựa dẫm vào cha mẹ.

Hãy giúp trẻ nắm vững phương pháp học tập, bồi dưỡng cho trẻ tinh thần độc lập suy nghĩ và khả năng tự học, tự nghiên cứu sáng tạo.

Coi trọng sức khỏe thể chất, xem nhẹ sức khỏe tinh thần

Phần lớn các bậc cha mẹ ngày nay dường như không có kiến thức về sức khỏe tinh thần và không có cách nào hiểu được nhu cầu tâm lý của con trẻ theo từng độ tuổi, vì thế không có biện pháp phòng ngừa những rối loạn tâm lý của trẻ.

Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh: Học sinh từ cấp tiểu học đến THPT ở hầu hết các nước đã và đang phát triển đều có những vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Quan hệ giữa cha mẹ và con cái như thế nào đều có ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe tâm lý của trẻ. Nếu cha mẹ không thể giúp trẻ xử lý tốt những xung đột gặp phải hàng ngày thì con bạn sẽ dễ gặp những trở ngại và rối nhiễu tâm lý.
 

Kỳ vọng quá lớn

Cha mẹ nào cũng mong muốn con mình học giỏi, thành tài, đỗ đạt vào những trường đại học danh tiếng. Nhiều người kỳ vọng quá cao, đầu tư rất nhiều tiền bạc cho con học hành, nhưng chúng vẫn không đáp ứng được đòi hỏi của cha mẹ khiến phát sinh mâu thuẫn gia đình, không khí căng thẳng do bất đồng trong quan điểm và mục tiêu giáo dục.

Khi tâm lý cha mẹ không hòa thuận, mất cân bằng sẽ gây ra những ảnh hưởng bất lợi và tạo áp lực cho con trẻ.

Không tôn trọng quy luật phát triển tự nhiên của trẻ

Nhiều bậc cha mẹ do thiếu lý luận cơ bản đối với vấn đề giáo dục nên không hiểu được quy luật trưởng thành của trẻ, họ thường áp dụng phương pháp “nhổ mạ lên cho cây mau lớn”, tức là đặt ra những mục tiêu quá cao, yêu cầu quá sức đối với khả năng của trẻ.

Không để trẻ phát triển theo đúng quy luật tự nhiên, gây nên sự phát triển không đồng bộ về tâm sinh lý, khiến quá trình trưởng thành của trẻ gặp nhiều khó khăn.

Trừng phạt nhiều, biểu dương ít

Nhiều bậc cha mẹ thường bỏ qua ưu điểm của con, còn khuyết điểm thì lại trừng phạt nặng nề, họ cho rằng như vậy trẻ mới cố gắng và không dám phạm lỗi.

Thực ra sự trừng phạt quá nghiêm khắc là một biện pháp giáo dục tiêu cực. Nếu vì thành tích học tập không tốt mà bị trừng phạt thì trẻ sẽ chán học, mất hứng thú sáng tạo.

Không có đứa trẻ nào hoàn toàn không mắc khuyết điểm trong quá trình trưởng thành, cha mẹ và thầy cô nên đối xử rộng lượng khi trẻ phạm lỗi, nên hướng dẫn chính xác, giúp trẻ xây dựng lòng tự tin.

Nên cổ vũ, giúp đỡ trẻ nhiều hơn là trừng phạt. Giáo dục trẻ là một khoa học, cũng là một nghệ thuật, các bậc cha mẹ cần nỗ lực bồi dưỡng nâng cao hiểu biết, kiến thức để trở thành phụ huynh thông minh.
 
 
Theo TGPN
Chia sẻ