Trẻ em nông thôn có nhiều kỹ năng sống hơn ở thành thị?

,
Chia sẻ

Trẻ ở nông thôn có nhiều hoạt động vui chơi và lao động, chính sự tự trải nghiệm đã làm cho các em có khả năng hình thành các kỹ năng cần thiết”.

Khi tìm hiểu về các hình thức tổ chức và chi phí của lớp dạy kỹ năng sống cho trẻ em từ Nam đến Bắc, không ít người băn khoăn: “Không lẽ chỉ con cái những gia đình có thu nhập cao mới có điều kiện tiếp cận các kỹ năng sống?”.
 
Điều thắc mắc này xuất phát từ lý do mức học phí của các lớp quá cao. Chẳng hạn, các chương trình do Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam tổ chức cho các “quý tử” với mức học phí 4 triệu đồng mỗi học viên trên 10 ngày. Còn chương trình 6 ngày ở Nhà văn hóa Thanh niên thuộc Thành đoàn TP HCM, mức phí là 2,5 triệu đồng. Tuy nhiên, khi tìm hiểu những nội dung các em được học tập và rèn luyện, chúng tôi thấy rằng hình thức và nội dung hết sức bình thường đối với trẻ em con nhà nghèo hay trẻ ở nông thôn như: tự tắm rửa, giặt áo quần, ăn uống với tác phong nhanh gọn, tập gấp (xếp) áo quần, chăn màn…

Trẻ em ở nông thôn có nhiều cơ hội gàn gũi với môi trường thiên nhiên.

Các chuyên gia tâm lý, giáo dục học nghiên cứu và đưa ra một phép so sánh: phải chăng trẻ nông thôn có nhiều kỹ năng sống hơn trẻ thành thị? Và kết quả thật bất ngờ: “Trẻ nông thôn hầu hết đều biết giúp cha mẹ làm việc nhà” và “thói quen ứng xử có đạo đức và tinh thần tập thể đối với bạn bè đồng trang lứa” của trẻ nông thôn chiếm tỷ lệ cao hơn.

Lý giải điều này, tiến sĩ Giáo dục học Nguyễn Minh Thức (ĐH Sĩ quan lục quân 2), khẳng định: “Trẻ ở nông thôn có điều kiện để tự lập hơn vì hoàn cảnh gia đình thường gắn những công việc lao động chân tay. Chính sự tự trải nghiệm của trẻ nông thôn làm cho các em có khả năng hình thành các kỹ năng cần thiết”.

Tinh thần tập thể với bạn bè ở trẻ nông thôn cũng được hình thành từ rất sớm, bởi khi còn nhỏ, các em cùng chơi với nhau các trò dân gian đòi hỏi có sự tham gia của nhiều người. Các em sống trong cộng đồng tình làng, nghĩa xóm, khi “tối lửa tắt đèn có nhau”. Chính vì vậy, hầu hết trẻ ở nông thôn hay quan tâm nhiều đến bạn bè xung quanh, các em cũng hình thành thái độ, trách nhiệm với cộng đồng (phương châm 5 cùng: cùng đi, cùng học, cùng chơi, cùng làm việc, cùng chia sẻ khó khăn).

Giúp cha mẹ việc đồng áng, trẻ em nông thôn dễ hình thành kỹ năng sống. Ảnh: Lê Hưng.


Còn trẻ em thành thị thì sao? Tất nhiên, những ngõ hẻm, những cụm dân cư vẫn có mối quan hệ ấm áp trong cộng đồng. Nhưng, về “nguyên tắc” đô thị và đặc điểm gia đình không thể cho trẻ ở thành thị nhiều kỹ năng trong mối quan hệ này. Bên cạnh đó, cũng nhận ra rằng chính tư tưởng “đèn nhà ai, nhà nấy rạng” làm cho không ít trẻ ở thành thị thiếu hụt kỹ năng quan tâm, giúp đỡ mọi người.

Vấn đề này sẽ có nhiều ý kiến khác nhau, những phản ứng đa chiều của bạn đọc. Song có lẽ vấn đề trẻ em nông thôn có nhiều kỹ năng hơn trẻ em thành thị cũng là vấn đề mà các nhà xã hội học, tâm lý, giáo dục học cần quan tâm. Như vậy, vấn đề đặt ra đối với phụ huynh, nhà trường, các tổ chức xã hội ở thành thị trong việc giáo dục trẻ em để hình thành các kỹ năng trong cuộc sống.

Nguyễn Văn Công
(Hội Tâm lý, giáo dục Đồng Nai)
Theo Đất Việt
Chia sẻ