Trẻ em nên học ngoại ngữ từ mấy tuổi?

,
Chia sẻ

Chúng tôi đem câu hỏi này đến với tiến sĩ tâm lý, chuyên gia ngôn ngữ đến từ Mỹ Elaine Schneider và nhận được câu trả lời: 7 tuổi đã là trễ.

* Thời điểm tốt nhất để bắt đầu dạy ngoại ngữ cho trẻ là lúc nào, thưa bà?

- Tiến sĩ Elaine Schneider: Càng sớm càng tốt. Não bộ của trẻ nhỏ giống như miếng bọt biển hút các thông tin xung quanh. Nếu chúng ta giới thiệu ngoại ngữ càng sớm, khả năng “hút” của miếng bọt biển này càng mạnh hơn. Ngoài ra, cấu tạo của các cơ quan nghe và phát âm ở trẻ nhỏ cũng giúp dễ bắt chước các cách phát âm khác nhau hơn. Nên bắt đầu giới thiệu ngoại ngữ cho trẻ từ trước 6 tuổi, đợi đến 7 tuổi đã là trễ, nhưng nhìn chung: càng sớm càng tốt.


Nên giới thiệu ngoại ngữ cho trẻ thông qua các hoạt động hằng ngày - Ảnh: Đoan Nhật

* Có một mốc rõ ràng nào về độ tuổi thích hợp nhất không, thưa bà?

- Tiến sĩ Elaine Schneider: Tôi sẽ không thể đưa ra một mốc xác định nào. Tuy nhiên, cách giới thiệu ngoại ngữ là một điều cực kỳ quan trọng khác. Chúng ta không thể bắt một đứa trẻ 3, 4 tuổi ngồi vào bàn học và dạy apple là quả táo, mom là mẹ một cách khô cứng. Trẻ con cần được học bằng tất cả các giác quan, được nghe, được nhìn, được nếm, được ngửi, được vừa học vừa chơi, được kết nối giữa cái đang học với vật thật… thì mới dễ nhớ.

Cách giới thiệu ngoại ngữ hiệu quả nhất cho trẻ là cách tự nhiên nhất, ví dụ bà mẹ dạy từ “cơm” cho trẻ trong giờ ăn cơm. Dạy ngoại ngữ quanh những chủ đề trẻ yêu thích cũng là điều rất quan trọng giúp trẻ tiếp thu nhanh.

Thực tập liên tục là một yếu tố cần thiết khác. Thử hỏi ngày nào tới giờ ăn, bà mẹ cũng nói “Con ăn cơm đi” thì làm sao trẻ không nhớ từ “cơm”? Tận dụng bài hát là một cách tuyệt vời khác. 

Tiến sĩ Elaine Schneider đến Việt Nam trong chuyến hoạt động thiện nguyện (từ 30.10 đến 14.11) cùng với 31 thành viên khác, bao gồm 10 người gốc Việt,  thuộc phái đoàn của tổ chức phi lợi nhuận Project Vietnam Foundation (đặt trụ sở tại California, Mỹ). Trong thời gian này, bà Schneider đã cùng với các chuyên gia y tế Mỹ khác tích cực trao đổi với các bác sĩ Việt Nam các kiến thức chuyên môn trong việc chăm sóc sức khỏe bệnh nhân, trong đó chủ yếu là trẻ em. Đặc biệt, Project Vietnam Foundation đã bắt đầu dự án Cấp cứu ban đầu tại trường học nhằm huấn luyện cho giáo viên các kỹ năng cơ bản về cấp cứu.

* Nhưng không phải cha mẹ nào cũng giỏi ngoại ngữ để dạy cho con, vậy thì nên đưa trẻ đến các trung tâm ngoại ngữ ở độ tuổi nào?

- Tiến sĩ Elaine Schneider: Tôi nghĩ nếu chỉ xét về khả năng học ngôn ngữ, ngay cả trẻ con 2 tuổi đã có thể đến các lớp dạy ngoại ngữ. Vấn đề là nếu cha mẹ không biết ngoại ngữ, ai sẽ thường xuyên thực tập với trẻ? Ngoài ra, phải đảm bảo rằng lớp học hấp dẫn, vui nhộn để trẻ con thích học chứ không bị cưỡng ép.

* Nhiều cặp vợ chồng hai quốc tịch dùng cả hai loại ngôn ngữ với trẻ từ lúc trẻ mới chào đời. Điều này có thể dẫn đến rối loạn ngôn ngữ không, thưa tiến sĩ?

- Tiến sĩ Elaine Schneider: Não bộ chúng ta được cấu tạo theo cách tất cả những người bình thường, dù là ở nước nào, đều có khả năng học được nhiều ngoại ngữ, kể cả học cùng lúc. Trẻ sơ sinh đã có khả năng đó. Đừng tưởng rằng trẻ sơ sinh không học ngôn ngữ, các em chưa nói, nhưng vẫn nghe, quan sát, tiếp nhận và nhớ ngôn ngữ. Các bà mẹ hãy nhớ lại xem, khi họ nói chuyện với đứa con bé xíu của mình, họ có sợ bé không hiểu không? Họ vẫn cứ nói, nói và nói, còn trẻ thì nghe, nghe và nghe, cho tới một ngày tự động bật ra nói. Hãy dạy ngoại ngữ cho trẻ y như cách dạy tiếng mẹ đẻ. Đó là cách hiệu quả nhất. Chẳng hạn trong giờ tắm, khi lau mặt cho trẻ, chúng ta có thể giới thiệu từ “mặt” bằng cả tiếng mẹ đẻ và ngoại ngữ. Cứ ngày nào cũng như thế, lặp đi lặp lại, trẻ sẽ tiếp nhận ngôn ngữ một cách rất đơn giản.


 Tiến sĩ Elaine Schneider - Ảnh: Đoan Nhật

* Khi trẻ đã lớn lên một chút, làm sao để giúp trẻ phân biệt rạch ròi giữa hai ngôn ngữ?

- Tiến sĩ Elaine Schneider: Người mẹ luôn giao tiếp với trẻ bằng tiếng mẹ đẻ, người cha bằng ngoại ngữ hoặc ngược lại là một cách. Cũng có thể quy định một thời gian cụ thể nào đó, ví dụ giờ ăn, là lúc dùng ngoại ngữ.

* Việc học một lúc hai ngôn ngữ có thể dẫn đến những rối loạn nào, thưa tiến sĩ?

- Tiến sĩ Elaine Schneider: Cần phải phân biệt rạch ròi giữa rối loạn ngôn ngữ và sự nhầm lẫn trong sử dụng ngôn ngữ. Khi một đứa trẻ đang học hai ngôn ngữ, chúng có thể dùng lẫn lộn. Ví dụ khi đang nói tiếng Việt, trẻ có thể pha lẫn tiếng Anh. Đây là điều hoàn toàn bình thường, không có gì là rối loạn. Tất nhiên, cha mẹ cũng nên khuyến khích trẻ giảm dần sự pha trộn này, nhưng không có gì là báo động, cứ từ từ rồi mọi chuyện sẽ đâu lại vào đấy. Nhưng cha mẹ cũng phải theo dõi con kỹ, phải nhìn đến khả năng và tư chất của mỗi đứa trẻ. Có thể việc học ngoại ngữ làm trẻ thấy mình bị thúc ép quá, căng thẳng quá, từ đó có thể dẫn đến những rắc rối về cảm xúc. Nếu thấy trẻ thay đổi hành vi, trẻ căng thẳng chúng ta nên giảm bớt tốc độ hoặc ngưng hẳn cho đến khi trẻ cân bằng lại.


Trong giờ học tiếng Anh tại trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP.HCM) - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

* Hiện nay, nhiều phụ huynh cho con học tiếng Anh với người bản xứ với hy vọng trẻ sẽ có phát âm chuẩn. Theo bà, phụ huynh nên đợi cho đến lúc trẻ có thể đến lớp, hay tự họ giới thiệu ngoại ngữ từ lúc trẻ còn rất nhỏ?

- Tiến sĩ Elaine Schneider: Có hai điều kiện lý tưởng ở đây: Thứ nhất trẻ được giới thiệu ngoại ngữ càng sớm thì khả năng tiếp nhận càng cao. Thứ hai: được học với người bản xứ để có phát âm tốt. Theo tôi, trước khi trẻ có thể đến lớp, cha mẹ vẫn nên giới thiệu ngoại ngữ cho trẻ, cộng thêm với việc cho trẻ nghe/xem băng đĩa do người bản địa nói.

* Nhiều người nói rằng học ngoại ngữ sẽ giúp trẻ thông minh hơn, ý kiến tiến sĩ như thế nào?

- Tiến sĩ Elaine Schneider: Tôi được biết về những cuộc nghiên cứu cho thấy trẻ được học ngoại ngữ thường có khả năng tuy duy tốt hơn. Bản thân tôi cũng tin rằng ngoại ngữ hỗ trợ cho việc tư duy.

* Xin cảm ơn bà!
 
Theo Thanh niên
Chia sẻ