Trẻ em Do Thái là "chân sai vặt" triệt để của cha mẹ
Có một điều lạ đời trong cách dạy con của người Do Thái, đó là cha mẹ là người được nuông chiều chứ không phải trẻ em.
Dường như hiểu được những điều này nên văn hóa truyền thống của người Do Thái là trẻ em có quyền được tự do và độc lập. Trẻ thường xuyên đi bộ hoặc đi xe đạp đến trường một mình và người ta thường thấy trẻ nhỏ tại các cửa hàng tạp hóa địa phương. Chúng chạy việc vặt cho cha mẹ, hay đi chơi ở công viên mà không cần sự giám sát của người lớn.
Theo truyền thống văn hóa của Do Thái, cha mẹ là người được nuông chiều chứ không phải là trẻ em. Nên trẻ em Do Thái được xem là “chân sai vặt” của cha mẹ. Thay vì cho trẻ tập thể dục hay tham gia các khóa học ngoại khóa để phát triển thể chất thì cha mẹ Do Thái sẽ sai trẻ chạy việc vặt triệt để, thậm chí trẻ phải hoạt động liên tục cả tiếng đồng hồ không được nghỉ ngơi. Điều này giúp trẻ hiểu rằng cha mẹ chỉ chiều chuộng con trong một giới hạn nào đó, còn lại thì con phải tự thân vận động, để học cách sống có trách nhiệm và biết chăm sóc, giúp đỡ người khác.
Có rất nhiều lý do để giải thích tại sao trẻ em Do Thái được tự do đi lại ở nơi công cộng như thế, nhưng lý do phổ biến và dễ thấy nhất đó là bởi các khu phố ở đây được xây dựng theo cấu trúc khuyến khích người dân đi bộ. Do đó, trường học, công viên, và cửa hàng tạp hóa được sắp xếp ở gần nhau, và gần nhà. Trẻ dễ dàng di chuyển để đến nơi cần đến trong sự giám sát bí mật của cha mẹ và hàng xóm xung quanh.
Bên cạnh đó, người Do Thái còn giáo dục sự độc lập cho con mình bằng cách dạy trẻ học bơi. Tại sao bơi lội lại liên quan đến sự độc lập của trẻ? Cha mẹ Do Thái nghĩ rằng bơi là kỹ năng sinh tồn cần thiết của mỗi con người. Cho dù là ở bất cứ nơi đâu trên thế giới thì khi một người biết bơi đều có thể tự cứu mình, và cũng có thể cứu được người khác.
Đồng thời, trong quá trình học bơi, trẻ còn học được một kỹ năng nữa, đó là kỹ năng ứng phó tình huống. Sự bình tĩnh, nhìn nhận vấn đề, đưa ra quyết định nhanh là những điều rất cần thiết trong cuộc sống sau này của trẻ.
Trẻ em Do Thái dưới 10 tuổi còn phải học cách chăm sóc người khác, đặc biệt là các em của mình. Trẻ sẽ học cách thay tã, cho em ăn, trông em, chơi với em, dẫn em đi mua đồ, đưa em đi học. Đây là trách nhiệm mà cha mẹ đã giao cho trẻ. Trong trường hợp trẻ là con út thì cha mẹ sẽ để trẻ giúp đỡ các em bé nhỏ ở trong khu phố.
Trẻ em Do Thái còn thường xuyên cùng cha mẹ đi thăm người bệnh, tham gia đám tang, an ủi những người đưa tang, và nhảy múa tại các đám cưới. Đây là phương pháp để cha mẹ Do Thái gián tiếp giáo dục trẻ rằng cuộc sống thực tế sẽ có những lúc thăng trầm, có những lúc vui vẻ, hạnh phúc, và mọi người đều phải có trách nhiệm giúp đỡ lẫn nhau. Thông qua việc này, trẻ cũng được tiếp cận với cả cái tốt và cái xấu, trẻ sẽ học được những kỹ năng để đối phó với những gì mà cuộc sống “ném” về phía trẻ. Dần dần, trẻ sẽ hiểu được điều quan trọng nhất trong cuộc sống, đó là tin tưởng người khác và sẵn sàng chìa tay ra để giúp đỡ khi họ cần.
Bằng cách tạo ra không gian an toàn để trẻ được đi chơi tự do, cho trẻ cơ hội được làm việc, được thực hành, được tham gia các hoạt động xã hội, cha mẹ Do Thái đã đào tạo trẻ trở thành người sống tốt, có trách nhiệm với bản thân, với gia đình và xã hội. Mà bí quyết sâu xa chỉ đơn giản là cung cấp cho trẻ sự tự do, độc lập và tin tưởng.
Nguồn: Tổng hợp