Trẻ em cũng có thể mắc bệnh cao huyết áp
Nhiều người vẫn lầm tưởng rằng, cao huyết áp là bệnh dành cho người cao tuổi. Tuy nhiên, trẻ em cũng có thể bị chứng bệnh này và những hệ quả của căn bệnh “giết người thầm lặng” này với trẻ em là vô cùng lớn.
Dễ chẩn đoán nhầm
Với những biểu hiện bệnh ở trẻ, ngay cả giới chuyên môn nhiều khi cũng lầm tưởng cao huyết áp với những căn bệnh khác. Mới đây, cháu Nguyễn Nhật Trung, ở huyện Tam Nông, Đồng Tháp vào điều trị tại một bệnh viện ở TP HCM với triệu chứng thường xuyên lên cơn co giật, nôn mửa. Các bác sĩ chẩn đoán cháu bị dị dạng mạch máu não, kê thuốc và cho xuất viện. Tuy nhiên, ngày hôm sau cháu Trung lại lên cơn co giật, gia đình phải cho cháu nhập viện trở lại. Lúc này, các bác sĩ mới tiến hành đo huyết áp và phát hiện huyết áp của cháu lên tới 160/140 mmHg, có lúc là 200/150 mmHg.
Chị Mai Thị Hồng Thu, ở quận 1, TP HCM cho biết, con chị cũng từng gặp phải tình trạng tương tự do bác sĩ khi khám không chú ý đến tình trạng huyết áp mà chẩn đoán nhầm sang hướng khác. Chị Thu nói: “Thấy bệnh của con cứ tái diễn nhiều lần, tôi đành chuyển con sang khám và điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Các bác sĩ đo huyết áp và cho biết, huyết áp của con tôi thường ở mức cao hơn 140/90, nếu không có biện pháp điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những tai biến về tim, thận”.
Huyết áp từ lâu vốn được xem là bệnh của người già, là căn bệnh phổ biến nhất trong các bệnh lý liên quan đến tim mạch, hậu quả của nó vô cùng nguy hiểm. Theo Thạc sĩ Đỗ Nguyên Tín, Đại học Y dược TP HCM, huyết áp đang có dấu hiệu gia tăng do tình trạng trẻ béo phì gia tăng. Ở các thành phố lớn, các khảo sát gần đây cho thấy, có khoảng 5 - 10% số trẻ béo phì có kèm theo tăng huyết áp.
Bác sĩ Võ Thanh Nhân, Khoa Tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM cho biết, có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh cao huyết áp. Ở trẻ nhỏ, thường gặp cao huyết áp thứ phát, chủ yếu là hậu quả của bệnh thận. Cao huyết áp nguyên phát hay gặp ở trẻ vị thành niên, liên quan nhiều đến tình trạng béo phì, trong gia đình có người bị cao huyết áp, do u hoặc dùng thuốc, u tuỷ thượng thận...
Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, trẻ sơ sinh cũng có thể bị cao huyết áp. Nguyên nhân chủ yếu là do những biến chứng của sinh non như huyết khối trong động mạch thận hay loạn sản phế quản phổi. Ngoài ra, còn gặp ở những trẻ sơ sinh có khiếm khuyết bẩm sinh hẹp động mạch chủ.
Nên đưa trẻ đi đo huyết áp từ 3 tuổi
Theo các bác sĩ, trẻ bị cao huyết áp thường có các dấu hiệu như nhức đầu, đau gáy vào buổi sáng, chóng mặt, mệt mỏi, chảy máu cam, yếu liệt tay chân, co giật. Ngoài ra, trẻ em bị béo phì, chậm phát triển, da xanh xao, hay đổ mồ hôi, tiểu ra máu, tiền sử gia đình có người bệnh thận bẩm sinh thì phụ huynh cũng nên nghĩ đến chuyện trẻ có thể bị cao huyết áp.
Để biết được trẻ có bị cao huyết áp hay không, cách tốt nhất là đưa trẻ đi đo huyết áp định kỳ để kiểm tra. Việc chẩn đoán huyết áp ở trẻ khá phức tạp vì huyết áp thay đổi tuỳ theo giới tính, độ tuổi, chiều cao. Thường phải đo huyết áp ít nhất 3 lần mới có thể xác định chính xác.
Bác sĩ Trương Quang Bình, Trưởng Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM cho rằng, để phòng chống căn bệnh nguy hiểm này, việc tập luyện, chế độ ăn, giảm béo phì đóng vai trò rất quan trọng. Nếu duy trì được cân nặng bình thường, trẻ sẽ ít có nguy cơ cao huyết áp khi trưởng thành. Trong chế độ ăn, nên hạn chế trẻ ăn đồ ngọt, tăng cường ăn rau xanh, ăn các món ăn ít chất béo.
Một bầu không khí thoải mái trong gia đình cũng là yếu tố thuận lợi làm huyết áp của con giảm. Theo các bác sĩ, cha mẹ không nên cho con xem phim bạo lực trên tivi và nên ngủ sớm để có sức khỏe tốt.
Về biện pháp điều trị, theo bác sĩ Trương Quang Bình, quan trọng nhất là tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Nếu chưa tìm ra nguyên nhân thì chỉ bằng cách uống thuốc hạ huyết áp nhằm tránh gây biến chứng.
Với những trẻ cao huyết áp do hẹp động mạch thận, tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM, phương pháp nong động mạch đã cho tỷ lệ thành công là 95%. Bác sĩ Võ Thanh Nhân cho biết, thủ thuật được thực hiện đơn giản, nhanh chóng, ít tai biến, giúp trẻ tránh nguy cơ suy thận. Chi phí cho một lần khoảng 30 triệu đồng.
Trẻ từ 3 tuổi trở lên cần được kiểm tra huyết áp định kỳ. Theo các bác sĩ đây là biện pháp đơn giản và ít tốn kém nhất.
Béo phì đồng hành cùng huyết áp
Hiệp hội American Heart Association (Mỹ) đã công bố cuộc điều tra mới đây, theo đó thì khi vòng eo của trẻ tăng thì huyết áp cũng tăng, các vấn đề về tim mạch sẽ xuất hiện. Các nhà khoa học đã khảo sát dữ liệu của 7 cuộc thăm dò do chính phủ Mỹ tiến hành từ năm 1963 đến năm 2007, đối với các em tuổi từ 8 đến 17. Họ khám phá cứ mỗi khi vòng bụng các em gia tăng thêm 0,4 inch thì huyết áp sẽ gia tăng thêm khoảng 10% và “tiền huyết áp cao” sẽ gia tăng khoảng 5%.
(Theo Time)
|
Theo Gia đình