Trẻ em có thể phát triển cảm xúc từ lúc nào?

Phạm Ngọc Thanh ,
Chia sẻ

Con của bạn đang phát triển tốt về chiều cao, cân nặng. Tuy nhiên có khi nào mẹ tự hỏi trẻ có thể phát triển cảm xúc từ lúc nào không?

1. Những tháng đầu đời

Những cảm xúc cơ thể lấn át thế giới của bé. Khi bị đói, ướt hoặc lạnh, bé cảm thấy khó chịu và khóc. Khi bạn đến để thay tã cho bé và cho bé bú, bạn đã làm tan biến đi cảm giác khó chịu đó của bé. Dần dần, bé đã biết cách liên kết giọng nói và mùi của bạn, và sau đó là gương mặt của bạn, với sự dễ chịu và thoải mái.

2. Từ 6 đến 9 tháng tuổi

Trẻ bắt đầu biết phân biệt - phân biệt bạn với cái giường, giữa bạn và ông bà, và sau đó là giữa bạn và người xa lạ. Lúc này bé bắt đầu đề phòng những người lạ xung quanh.

Con của bạn đang phát triển khái niệm về tính tồn tại của vật thể. Bé biết rằng một đồ vật tồn tại ngay cả khi bé không nhìn thấy nó. Bé rất nhạy cảm với môi trường xung quanh. Bạn là một phần của môi trường xung quanh này, nên tâm trạng, hành động của bạn sẽ ảnh hưởng đến bé.
 
Khi thói quen hằng ngày thay đổi, hoặc bạn vội vàng, bé có thể trở nên bực bội, cáu kỉnh, ngủ ít, hoặc cần bú nhiều hơn. Thông thường bé sẽ phục hồi nhanh khi hết căng thẳng. Bé hiểu được ngôn ngữ cơ thể, nét mặt và ngay cả giọng nói của bạn nữa.
 

3. Tuổi tập đi

Từ 2 tuổi, con của bạn đã biết đi và dùng ngôn ngữ để giao tiếp. Cả hai kỹ năng này đem lại sự kiểm soát và độc lập mới cho bé. An toàn vẫn luôn là vấn đề quan trọng, vì lúc này phạm vi hoạt động của bé đang mở rộng. Lúc này bé nghĩ bạn vẫn còn tồn tại cho dù ở ngoài tầm mắt của bé, nhưng bạn không nên vắng mặt quá lâu, vì bé cần được giám sát thường xuyên, để bé chắc chắn là bạn vẫn còn ở đó. Bé cũng đang phát triển tính tự quản - có thể làm việc một mình.

Thế giới đang rộng mở hàng ngày trước mắt bé, nhưng bé mới tập đi vẫn đang xem mình là trung tâm của thế giới. Đừng trông đợi việc bé chia sẻ đồ chơi-hoặc chia sẻ sự quan tâm của bạn với một bé khác.

Bạn cần bắt đầu định ra giới hạn cho những hành vi của bé mới tập đi, trong khi vẫn khích lệ sự khám phá và tính tự lập của bé. Điều quan trọng ở giai đoạn này là bạn tiếp tục biểu lộ cho bé tình yêu vô điều kiện. Điều này duy trì lòng tin của bé trong khi bạn dạy cho bé hiểu những hành vi nào là có thể chấp nhận được. Bạn cũng thấy bé thường nói từ “không”và không chịu làm những việc mà bạn yêu cầu. Đây là một giai đoạn phát triển bình thường của bé mới tập đi.

4. Trước tuổi đi học

Con của bạn sẽ phát triển tính sáng tạo và hiếu kỳ. Bé sẽ bắt chước những gì bé nhìn thấy và nghe nên sẽ thử những hành vi mới để xem cảm giác như thế nào và người khác phản ứng ra sao. Bé bắt đầu nhận thấy rằng bé là một phần của mối quan hệ tay ba - với mẹ, bố và bé hoặc với cha mẹ, anh chị và bé, trong khi lúc nhỏ bé chỉ có quan hệ tay đôi - giữa mẹ và bé mà thôi.

Bé bắt đầu chơi bên cạnh những đứa trẻ khác, chia sẻ đồ chơi và sự quan tâm của cha mẹ. Thời gian đã có ý nghĩa đối với bé, vì vậy bé đã bắt đầu biết chờ cho đến khi những nhu cầu được đáp ứng.

Bé sẽ bắt đầu đặt ra nhiều câu hỏi, đôi khi đây là cách để thu hút sự chú ý hơn là được trả lời. Bạn hãy cho bé lời giải đáp lẫn sự quan tâm mà bạn có thể dành cho bé. Bé có vẻ rất độc lập trong thời gian này, nhưng bạn vẫn rất quan trọng đối với bé. Bạn đem lại sự an toàn về cảm xúc mà bé cần để mạo hiểm trong sáng tạo và hiếu kỳ. Trong ba năm đầu đời, bé đã học “đi” về mặt cảm xúc - và sau đó bắt đầu đi về mặt vận động.

Theo BS Phạm Ngọc Thanh (BV NĐ1, TP. HCM)
 Eva
Chia sẻ