Trẻ dùng máy tính: Thà vẽ đường cho hươu chạy đúng
Cho trẻ sớm tiếp xúc với máy tính giúp khả năng nhận thức phát triển tốt hơn dù "sử dụng" máy tính dưới hình thức nào, có thể là đánh máy, chơi trò chơi, hay thậm chí chỉ di chuột.
“Bây giờ nó gõ còn nhanh hơn cả mình. Thỉnh thoảng soạn giáo án gặp chỗ khó, hỏi cu anh là chỉ được cho mẹ rồi”, chị Thảo nói.
Anh chị không cấm các cháu chơi game. Cứ hoàn thành xong bài tập thì chiếc PC là thế giới để anh em tự chơi với nhau. Thỉnh thoảng bố mẹ kiểm tra xem vào các website gì, chơi như thế nào thôi.
Hai ba tháng gần đây, hóa đơn điện thoại di động của chị tăng lên mấy trăm nghìn so với bình thường mà không hiểu tại sao. Cho đến khi em trai của chị Thảo báo cho chị biết ông con trai lấy hết cả điện thoại của ông ngoại, cậu, mợ, … để nhắn tin “nuôi” thú ảo trên mạng thì chị mới vỡ lẽ.
Hóa ra cậu trai lớn chơi game online. Để có được tiền mua đồ đạc, vũ khí, cậu phải nạp tiền để “nuôi”. Thế là cứ thấy điện thoại của ai, cậu cũng mượn để xem, nghịch game rồi tranh thủ “nhắn” luôn 1-2 cái tin SMS nạp tiền. Vì số tiền ít nên không ai để ý.
Em trai chị Thảo cũng vô tình phát hiện ra tin nhắn này khi xem lại những tin đã gửi. Vốn là dân tin học lại cũng từng ham mê game nên đọc nội dung là anh biết ngay loại tin gì. Căn cứ vào thời gian gửi và người có thể gửi trong nhà thì chỉ có cậu cháu trai láu lỉnh. Xem điện thoại của những người khác trong nhà thì đều có một vài cái tin nạp tiền kiểu như vậy cho cùng 1 tài khoản.
“Biết là con thạo máy tính, thạo Internet thì tốt, mai mốt đi xin việc kiểu gì chả phải có cái món này. Nhưng cứ thấy chúng nó lên mạng tán chuyện linh tinh, rồi rủ rê, chơi game quên làm bài,… lại thấy lo. Mình đi làm cả ngày, chúng nó ở nhà lấy ai quản lý được?”, chị Hoàng Thị Nguyệt (Hà Nội), chia sẻ.
Phần đông đồng ý cho “chơi” máy tính sớm thì tốt, nhưng lại băn khoăn không biết quản lý như thế nào. Nhiều khi cả nhà có được chiếc máy tính dùng chung, nếu chặn kỹ quá thì lại gây phiền toái cho người khác.
“Em vẫn muốn bọn trẻ vào internet, nhưng chỉ được vào 1 số trang do em chọn trước thôi. Đồng thời phải thuận tiện cho ông bà (của bọn trẻ con) đọc nhiều trang khác (nhập password). Trong nhà có phải ai cũng thạo máy tính đâu, bày cho các cụ mệt lắm”, thành viên có nick tnt2tnt trên diễn đàn Voz Forums, chia sẻ.
Máy tính đã rất phổ biến, nhưng ít người có đủ kiến thức hoặc chú tâm để có thể xây dựng được “chiến lược phòng thủ” hoàn chỉnh cho con cái sử dụng.
“Nhiều người băn khoăn việc quản lý con cái dùng máy tính không quản lý được, muốn tìm kiếm công cụ bổ trợ. Những công cụ đó đã được nhà sản xuất phần mềm tính toán và tích hợp sẵn trong hệ điều hành”, anh Nguyễn Trung Hiếu, một kỹ thuật viên máy tính nói. “Quan trọng là khi nào thì các bậc phụ huynh muốn tìm hiểu và học cách sử dụng công cụ đó thôi”.
Anh Hiếu cho biết anh cũng có cô con gái học lớp 3 và rất khoái máy tính. Chiếc máy ở nhà được lập 3 tài khoản sẵn: 1 tài khoản cho bố và mẹ, 1 tài khoản riêng cho Cún Bông – con anh, và 1 tài khoản Guest. Đương nhiên tài khoản cho bố mẹ là có quyền quản trị. Anh Hiếu thiết lập quản lý (Parental Controls) giờ giấc hoạt động, phần mềm và website để con có thể tự bật máy tính. Cuối mỗi ngày, anh bật máy tính và có thể xem được báo cáo con gái đã làm gì, học gì trên máy trong ngày.
Từ góc độ giáo dục, cô Trương Thúy Mai, giáo viên tin học trường Tiểu học Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội), lại cho rằng việc tìm kiếm các nội dung phù hợp sẽ làm cho trẻ hứng thú với máy tính hơn.
“Khác với người lớn, dạy máy tính cho trẻ con thì cái gì cũng phải làm mẫu vài lần rồi để các con tự làm. Chỉ cần cho các con ghi nhớ 1 điều: khi nào thấy biển hiệu có chữ X trong vòng tròn đỏ thì không được làm gì tiếp mà gọi cô ngay”, cô Mai nói. “Có những con rất nhanh, chỉ cần làm mẫu 1 lần, thậm chí nhìn cô hướng dẫn bạn bên cạnh là cũng có thể tự làm được”.
Trên thực tế, việc cho trẻ sớm tiếp xúc với máy tính giúp khả năng nhận thức phát triển tốt hơn dù "sử dụng" máy tính dưới hình thức nào, có thể là đánh máy, chơi trò chơi, hay thậm chí chỉ di chuột.
Tại Mỹ, chuyên gia nhi học Xiaoming Li (Đại học Wayne) và nhà tâm lý Melissa Atkins (Đại học Ohio State) đã tìm hiểu thời gian tiếp xúc với máy tính của hơn 100 trẻ từ 3 đến 5 tuổi qua cha mẹ, đồng thời đánh giá sự phát triển nhận thức và mức độ sẵn sàng học hỏi của các em bằng các bài test đặc biệt.