Trẻ có thể tử vong do viêm màng não mủ

,
Chia sẻ

Bệnh viện Nhi TƯ gần đây tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân bị viêm màng não mủ, hầu hết trong tình trạng nặng, có thể dẫn đến các biến chứng như: động kinh, chậm phát triển trí tuệ, tử vong…

Thạc sĩ Nguyễn Văn Lâm, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Nhi TƯ cho biết, trung bình một năm khoa tiếp nhận khoảng 200 ca viêm màng não mủ (VMNM). Thời tiết đang chuyển mùa, thay đổi thất thường là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển.

Biến chứng nặng do nhập viện muộn

Bé A Cử (Mộc Châu, Sơn La) mới được 8 tháng tuổi. Cách đây một tuần, chị Hoa thấy con bị sốt cao nên cho bé uống thuốc hạ sốt. Một ngày sau, nhiệt độ vẫn không hạ và Cử còn bị các cơn co giật, ho khan, khó thở. Cấp cứu tại BV Nhi TƯ, các bác sĩ (BS) cho biết Cử bị VMNM. Sau 1 tuần điều trị, bệnh tình của bé Cử đã có nhiều biến chuyển khả quan.

Một trường hợp khác là cháu Hà Huy Hoàn, 5 tháng tuổi (Thuận Thành, Bắc Ninh). Chị Vinh, mẹ cháu Hoàn kể, cách đây nửa tháng con chị có biểu hiện sốt cao kèm tiêu chảy. Đi khám tại cơ sở y tế huyện, bác sĩ chẩn đoán cháu chỉ bị sốt thông thường. Sau hai tuần, Hoàn vẫn sốt và được chuyển lên BV Nhi TƯ trong tình trạng sốt cao, nôn, tăng trương lực cơ. Theo các BS, do nhập viện muộn nên Hoàn bị biến chứng nặng về tâm thần vận động và giãn não thất.
 

 
Theo Tiến sĩ Phạm Nhật An, Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Nhi TƯ, trẻ dưới một tuổi là đối tượng dễ mắc VMNM nhất, thậm chí có trường hợp phát hiện bệnh khi mới hai tháng tuổi. Đáng lo ngại là bệnh thường được phát hiện và điều trị muộn do cha mẹ chủ quan, nên trẻ có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm như: não úng thủy, động kinh, tràn dịch dưới màng cứng, áp xe não, chậm phát triển trí tuệ, điếc…, thậm chí nhiều trường hợp tử vong.

Thạc sĩ Lâm cho biết, qua nghiên cứu của khoa, trẻ bị VMNM nếu được phát hiện và điều trị sớm, tỷ lệ thành công chiếm 94%, số trường hợp có di chứng chỉ chiếm 6%. Ngược lại, nếu bệnh nhân đến muộn (sau ba ngày khởi phát bệnh), tỷ lệ khỏi bệnh giảm xuống còn 72% và tỷ lệ di chứng, tử vong lên tới 28%.
Cần tiêm phòng đầy đủ cho trẻ

Thạc sĩ An cho biết, biểu hiện lâm sàng ở trẻ VMNM rất đa dạng và thay đổi tùy theo lứa tuổi. Bệnh thường khởi phát với các triệu chứng nhiễm khuẩn đường hô hấp như: Sốt cao, trên 39 độ C (cũng có trường hợp không sốt cao), chảy nước mũi, ho, tiêu chảy... Điều này khiến các bậc cha mẹ rất dễ nhầm lẫn với những triệu chứng cảm cúm thông thường.

Tuy nhiên, nếu trẻ có kèm theo các biểu hiện như nôn, quấy khóc, khó chịu khi nằm, li bì, xuất hiện các dấu hiện rối loạn tri giác, thị giác thì cần nghĩ ngay đến bệnh VMNM và nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa.

Thạc sĩ Lâm khuyên, cách phòng tránh bệnh VMNM ở trẻ hiệu quả nhất là tiêm vắc-xin, đặc biệt là bệnh VMNM do Hib. Nên cho trẻ tiêm phòng đầy đủ vào các thời điểm: trẻ hai tháng tuổi, ba tháng tuổi và bốn tháng tuổi. Sau đó nhắc lại mũi thứ tư vào lúc trẻ từ 18-24 tháng tuổi.

Ngoài ra, cha mẹ cần chú ý chế độ dinh dưỡng cho trẻ nhằm tăng sức đề kháng, giữ gìn vệ sinh, môi trường trong lành. Các BS cảnh báo, việc tự ý mua thuốc cho trẻ uống là một sai lầm có thể khiến bệnh càng nặng, có thể nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
 
Ba tác nhân thường gặp gây bệnh VMNM ở trẻ là: Haemophilus influenzae type b (Hib), Streptococcus pneumonia, Neisseria meningitides. Ở Việt Nam, phần lớn trẻ bị VMNM là do Hib. Bệnh có thể lây truyền qua nước bọt khi trẻ ho hoặc hắt hơi, qua đồ vật dùng chung mà trẻ thường cho vào miệng. Nguy cơ lây lan bệnh càng cao ở nhóm trẻ tại nhà hoặc trường mẫu giáo.
 
Theo Đất Việt
Chia sẻ