Trẻ chậm nói do xem tivi nhiều

,
Chia sẻ

Đây chỉ là một trong những yếu tố tác động khiến cho quá trình phát triển ngôn ngữ của trẻ bị chậm lại.

Hiện nay có nhiều bố mẹ rất lo lắng về vấn đề chậm nói của con mình, các bé cùng độ tuổi đã nói được rất nhiều, còn con mình  thì chưa nói được từ nào cả. Chậm nói có phải là bệnh ? Nguyên nhân nào mà trẻ chậm nói ? Làm thế nào khi trẻ chậm nói ?

 

Chậm nói có phải là bệnh

 

TS Trần Thị Thu Hà, phó trưởng Khoa phục hồi chức năng Bệnh viện Nhi trung ương cho biết : “Ở Việt Nam, nhiều thứ không gọi là bệnh như bại não chẳng hạn, tự kỷ cũng vậy. Chậm nói đơn thuần càng không gọi là bệnh. Chính xác khoa học gọi chậm nói là tình trạng rối loạn phát triển ngôn ngữ”.

 

Chậm nói được chia thành hai loại, chậm nói đơn thuần và chậm nói tự kỷ. Hiện tượng chậm nói đơn thuần ở trẻ em là do bị rối loạn trong việc phát triển ngôn ngữ. Còn trẻ tự kỷ thường bị chậm nói, không hiểu ngôn ngữ, sống với một thế giới riêng, tách biệt với thế giới xung quanh.

 

Những nguyên nhân chậm nói ở trẻ

 

- Mất thính lực được coi là nguyên nhân đầu tiên.

- Nguyên nhân có thể do di truyền, chấn thương sọ não, viêm não, động kinh, động kinh, dị tật cơ quan phát âm, viêm thanh quản, viêm tai giữa.

- Những trẻ chậm phát triển tâm thần đều chậm nói.

- Bên cạnh đó, trong quá trình thụ thai, người cha uống rượu nhiều cũng có thể làm tinh trùng suy yếu, và ảnh hưởng lên phần não điều khiển ngôn ngữ khi bào thai phát triển.

 

Các yếu tố tác động đến trẻ khiến cho quá trình phát triển ngôn ngữ của trẻ chậm lại :

 

- Trẻ ngồi xem ti vi quá nhiều, bố mẹ ít nói chuyện với con, khiến cho trẻ chỉ nhận thông tin một chiều, không có sự phản hồi lại những thông tin nhận được từ ti vi, như vậy trong một thời gian dài sẽ làm trẻ chậm nói.

- Trẻ suy dinh dưỡng, thiếu tình thương của bố mẹ, trẻ bị ngược đãi.

- Bố mẹ phó mặc con cho người giúp việc, vì lo làm công việc trong nhà nên không có thời gian trò chuyện với trẻ, trẻ không có cơ hội được nói.

- Trẻ bị tách ra khỏi môi trường xung quanh tạo cơ hội bắt chước.

 

Các mức độ chậm nói :

 

Nhẹ : ít nói, nói từng từ, thích chơi đồ chơi.

Nặng : Không nói được, không thích chơi đồ chơi.

 

Các mức độ can thiệp :

 

Theo một thống kê thì : Trung bình trẻ 1 tuổi có thể sử dụng được khoảng 10 từ ngữ; lên 1 tuổi rưỡi có khoảng 30-40 từ. Từ 1 tuổi rưỡi tới 2 tuổi, vốn từ của trẻ tăng lên rất nhanh: khoảng 300 từ; từ 2 tuổi đến 2 tuổi rưỡi: trên 500 từ. Cuối năm thứ 3, vốn từ có thể đạt tới 1.200-1.500 và trẻ có thể trao đổi được bằng lời nói những điều thông thường trong sinh hoạt.

 

Theo TS Trần Thị Thu hà : “Đã nói đến can thiệp thì phải nghĩ ngay đến việc phải cho con đến bệnh viện. Can thiệp được hiểu rất rộng và tuỳ theo mức độ chậm nói và độ tuổi của từng trẻ. Ở Khoa Phục hồi chức năng của bệnh viện Nhi TƯ hiện nay tiến hành can thiệp theo 4 hình thức sau: Thứ nhất là can thiệp tại gia đình. Bác sĩ mời phụ huynh và trẻ vào viện. Tại bệnh viện, người kỹ thuật viên sẽ hướng dẫn cho phụ huynh cách can thiệp. Có thể thông qua đồ chơi, có thể thông qua giao tiếp giữa những người trong gia đình... để huấn luyện về mặt ngôn ngữ. Sau đó trẻ có thể 1 tháng, hoặc 3 tháng quay lại khám lại, tuỳ vào mức độ. Can thiệp ở mức độ thứ 2 là cho con đi học mẫu giáo bình thường. Tuy nhiên, bố mẹ phải quan tâm hơn, nỗ lực hơn trong việc thúc đẩy ngôn ngữ của trẻ phát triển. Can thiệp mức độ thứ 3 là nếu thấy trẻ nói rất chậm so với tuổi (ví dụ 4 tuổi mà chẳng nói gì) thì trẻ lại cần phải có một cô một trò - gọi là can thiệp tích cực. Can thiệp mức độ thứ 4 là kết hợp cả một cô giáo về ngôn ngữ, một nhà tâm lý và bác sĩ”.

 

Như vậy, đối với các trường hợp trẻ bị chậm nói có liên quan đến mức độ 1,2,3 thì có thể kết hợp các biện pháp tâm lý như cho trẻ đi học mẫu gíáo, tạo cơ hội cho trẻ được tiếp xúc với xung quanh có bạn bè, cô giáo nhằm kích thích trẻ có sự phản hồi lại những gì mà trẻ nghe thấy, nhận thức được.

 

Với trẻ ở mức độ 4 cần đưa đến bệnh viện để các bác sỹ về tâm lý, ngôn ngữ có những phương pháp tư vấn, chữa trị.

 

Với các trường hợp trẻ chậm nói đơn thuần, khi đã phát hiện ra bố mẹ cần tập trung quan tâm tới trẻ, dành nhiều thời gian trò chuyện với con, đọc truyện thiếu nhi, cổ tích cho trẻ nghe. Dần dần trong khi đọc có lồng vào những câu hỏi kích thích trẻ tập nói nhiều câu.

 

Cần giảm thời gian trẻ ngồi xem ti vi một mình trong thời gian dài, nếu cho trẻ xem thì bố mẹ nên xem cùng và trò chuyện cùng con về chủ đề ti vi đang phát. Việc này giúp trẻ có phản xạ phản hồi lại những gì mà xem được, nghe được từ ti vi và bố mẹ.

 

Để khắc phục ngay từ đầu hiện tượng chậm nói ở trẻ, không phải đợi bé biết nói rồi bố mẹ mới nói chuyện cùng bé, mà ngày từ khi bé ở tuổi sơ sinh, bố mẹ đã có thể trò chuyện cùng con. Thường thì trẻ học ngôn ngữ bằng cách lắng nghe và tương tác với người khác, và sự hoà nhập với thế giới giáo tiếp bắt đầu từ lúc trẻ mới sinh ra. Do đó các chuyên gia tâm lý khuyên rằng, cha mẹ hãy nói chuyện với trẻ khi thay tã, tắm cho trẻ, thậm chí cả những lúc trẻ đang bú….

 

TS Nguyễn Công Khanh chuyên gia tâm lý nói : “ Trẻ muốn nói được phải có một thời gian dài sống trong môi trường ngôn ngữ, nghĩa là phải nghe được tiếng nói, mà là tiếng nói đầy xúc cảm, nói chuyện với chính bé”.

 

Chính vì vậy, để phát triển vốn ngôn ngữ cho trẻ bố mẹ cần quan tâm và dành thời gian cho trẻ, tạo ra môi trường sống vui vẻ, trò chuyện thường xuyên với bé. Khích lệ trẻ tự nói dù chỉ là một vài tiếng bập bè với trẻ tập nói. Khi phát hiện ra trẻ chậm nói cần xác định nặng nhẹ để có những biện pháp thích hợp luyện tập và chữa trị cho trẻ sớm nhất khi có thể, tránh để tình trạng kéo dài làm ảnh hưởng đến tâm lý, sức khoẻ và sự phát triển của trẻ sau này.

Lê Gia Phong

Chia sẻ