Trẻ chậm hiểu, mặc cảm khi đến lớp

,
Chia sẻ

Phải làm sao khi con bạn không có năng khiếu, chán học, hay quá chậm hiểu, khó tiếp thu bài trên lớp…

 
Trẻ không có khả năng học, tiếp thu chậm, hay mắc những vấn đề như: viết sai chính tả, khó khăn trong đọc và viết, phát âm, tính toán, trí nhớ kém…là do hoạt động của não trong việc tiếp nhận và xử lí thông tin kém hiệu quả, khiến trẻ bị phân tán, hay quên dẫn tới chậm tiếp thu. Thường thì đây là yếu tố di truyền từ những người thân trong gia đình, có thể là từ cha mẹ hoặc ông bà. Thực tế, với việc khoa học ngày càng phát triển, các chuyên gia đã tìm ra phương thức hoạt động của việc “học” (chính xác hơn là khả năng tiếp nhận và xử lí thông tin của não), từ đó tìm ra các biện pháp khắc phục, điều chỉnh cho các bé gặp vấn đề trong học tập.

1. Phát hiện vấn đề của trẻ

Con bạn gặp khó khăn khi đọc và viết, không thể tính toán một cách lô gic, hay mắc chứng rối loạn ngôn ngữ (không hiểu được ý diễn đạt của người khác)…? Thực tế trong thời gian đầu, hầu hết trẻ đều gặp khó khăn trong việc đọc, viết và tính toán. Tuy nhiên nếu kết thúc giai đoạn đầu mà bé vẫn mắc phải các vấn đề này, rất có thể bé đã mắc một vấn đề nghiêm trọng nào đó. Điều trước tiên bạn cần làm là phát hiện vấn đề mà trẻ đang mắc phải. Hãy tham khảo ý kiến của thầy cô giáo, cũng như của chính con bạn, đặt ra những câu hỏi như:

- Bé có thường xuyên gặp vấn đề trong học tập trên lớp không?

- Khi đọc hoặc viết, bé có cảm thấy khó khăn không?

- Bé có hay nghĩ trong đầu về một thứ nhưng tay lại viết một thứ khác không?

- Bé viết chậm, hay sai lỗi chính tả?

- Trong lớp, các bạn tiếp thu bài rất nhanh và nắm bắt được cô giáo đang giảng về vấn đề gì, nhưng con bạn thì không?

- Bé mở sách để làm bài tập nhưng không biết bắt đầu từ đâu?

- Bé vừa đọc một câu truyện nhưng khi bạn hỏi lại thì bé không nhớ bất kì một chi tiết nào?

2. Giải quyết vấn đề

Khi đã tìm ra vấn đề của trẻ, bạn không nên mắng nhiếc con mà hãy nhẹ nhàng giúp bé sửa. Trẻ thường hay ngượng, tự ti khi nói đến vấn đề này, tuy nhiên nếu khéo léo, bạn sẽ khiến bé hết lo lắng và tự tin mỗi khi tới lớp. Dạy cho bé những cách học mới, hiệu quả hơn, cách rèn luyện trí nhớ như: viết những điều cần nhớ lên giấy rồi dán ở những nơi bé hay nhìn thấy, rèn luyện óc quan sát thông qua các trò đố vui, game…Hoặc bạn cũng có thể thuê gia sư hướng dẫn bé, hay cho bé học thêm các lớp học đặc biệt nhằm phát triển khả năng tư duy. Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động văn nghệ thể thao ở trường, lớp, khu phố. Quan trọng nhất là cho bé thực hành những kĩ năng mới hàng ngày, thường xuyên, động viên bé cố gắng, theo dõi tiến bộ của bé từng tuần.

 Mạnh Tú
Theo Kidshealth
Chia sẻ