Trẻ bị bỏ rơi ngay trong tổ ấm của mình
Phan thở dài: "Nhiều khi thấy các bạn có bố mẹ đón đưa đi học, em tủi thân lắm. Em chỉ mong sao mình cũng được một lần bố mẹ đón đưa như thế”.
Dù sức học rất khá, nhưng Như Phan - lớp 10 trường Quốc tế Việt Úc, TP HCM - vẫn khăng khăng xin thầy cho học lớp phụ đạo dành cho học sinh yếu, với lý do: “Em chỉ muốn ở lại trường để được nói chuyện với bạn bè”.
Phan có bố - một doanh nhân xuất nhập khẩu, mẹ làm kinh doanh bất động sản. Mỗi ngày em chỉ thấy mặt bố mẹ 30 phút vào buổi sáng, trước giờ đến trường. Gần như cả ngày em không gặp bố mẹ bởi họ bận rộn công việc cùng với những buổi tiệc chiêu đãi khách hàng và nghìn lẻ lý do khác nhau để không có mặt ở nhà. Đêm người lớn về đến nhà khi Phan đã đi ngủ.
Tâm sự với thầy Phúc, giáo viên chủ nhiệm, Phan thở dài: "Nhiều khi thấy các bạn có bố mẹ đón đưa đi học, em tủi thân lắm. Em chỉ mong sao mình cũng được một lần bố mẹ đón đưa như thế”.
Về lý do xin học phụ đạo dành cho học sinh yếu trong lớp, cậu bảo: “Em chỉ muốn ở lại trường để có người nói chuyện, sợ nhất là về nhà mình. Căn nhà rộng rãi, tiện nghi nhưng lạnh lẽo vì vắng tình thương, chỉ có em và người giúp việc",
Câu chuyện của cậu trò nhỏ làm thầy giáo chạnh lòng. Sau khi đắn đo, thầy Phúc quyết định tìm đến tận nhà Phan để nói cho bố mẹ em biết về tình trạng này, hy vọng họ sẽ thay đổi để quan tâm xây dựng hạnh phúc gia đình hơn.
Mẹ Phan than thở: "Tính chất công việc không thể làm khác được". Còn ông bố gằn giọng: “Để tôi dần cho thằng này một trận, ở nhà sung sướng như vậy còn bày đặt đòi tổ ấm này tổ ấm nọ. Tôi đi làm cũng là vì hy sinh đời bố để củng cố đời con, lo cho tương lai của nó chứ của ai”.
Ngậm ngùi vì biết mình không thể làm gì giúp Phan tìm lại sự đầm ấm trong gia đình, thầy Phúc chỉ biết chia sẻ, động viên và hứa sẵn sàng tiếp điện thoại mỗi khi Phan có việc gì buồn muốn tâm sự.
|
Trẻ cần sự quan tâm từ những người thân yêu trong gia đình. |
Nói chuyện với PV, người thầy trăn trở: “Sao các bậc làm cha mẹ bây giờ lại quá lơ là với việc giáo dục con cái. Tôi thực sự đau lòng khi chứng kiến tình cảnh học trò của mình mà không giúp được gì. Lúc nào bên tai tôi cũng văng vẳng tiếng Như Phan nói ‘thầy ơi, con cần ở gia đình mình một mái ấm chứ không phải là một khách sạn 5 sao’, đầy xót xa".
Thầy nói thêm: "Nhiều khi vừa làm giáo viên, tôi còn phải đóng vai trò là một phụ huynh gần gũi lắng nghe tâm sự của các em. Tuy nhiên như thế vẫn không thể bù đắp được sự thiếu thốn tình cảm gia đình nơi các em”.
Còn Cẩm Tuyết, học lớp 10 tại một trường Quốc tế tại TP HCM tìm đến trung tâm tư vấn tâm lý. Em kể: “Nhiều bạn trong lớp con cứ nghĩ là con sướng vì cứ đòi gì được nấy, thực sự hiện giờ con không thiếu thứ gì cả. Nhưng các bạn đâu hiểu con đang chán đến mức nào khi cái con cần là tình cảm gia đình chứ không phải là những tiện nghi vật chất đó. Nhiều khi con định bỏ nhà đi bụi để cha mẹ phải nhớ đến con, phải hối hận vì đã không quan tâm đến con. Bây giờ, con đang ở trong nhà mình mà cứ xa lạ như ở nhà thuê vậy”.
Tuyết cho biết, em học bán trú tại trường nên thời gian gặp bố mẹ rất ít. Cứ sáng thức dậy, cô trò nhỏ ăn sáng với người giúp việc rồi xách cặp đi học, đến chiều về lại ngồi vào bàn ăn một mình, rồi sau đó vào phòng riêng xem tivi, lên mạng tán gẫu, chơi audition, rồi ngủ ...
Tìm đến Trung tâm tư vấn tâm lý Nhịp cầu hạnh phúc, Tuyết tâm sự giọng trĩu nặng: “Bố con bận đi làm, rồi tiếp khách và đi vũ trường, nhiều khi bố về đến nhà thì đã qua ngày mới rồi cô ạ. Mẹ con cũng thế, bận đi bơi, spa, tập thể dục thẩm mỹ. Những ngày không bận tiếp khách thì bố mẹ lại cùng nhau đi vũ trường nhảy đầm. Con có nói thì mẹ con trả lời phải làm như thế để giữ được bố”.
Tuyết kể, có khi cả tuần em không được gặp mặt bố mẹ bởi cứ đến khi em ngủ say thì họ mới về nhà, và khi họ còn đang ngủ thì em đã đi học. Tất cả việc ăn uống, ngủ nghỉ, đưa đón Tuyết đi học đều có người giúp việc đảm đương. Riêng khoản tiền học phí hay tiền mua những thứ lặt vặt, thì mỗi sáng mẹ Tuyết để sẵn trên bàn và dặn khi nào tiêu hết thì gọi điện cho mẹ.
“Có những lúc con ước gì nhà con nghèo như lúc trước có khi sướng hơn. Nhiều lúc thấy các bạn trong lớp nghèo nhưng họ hạnh phúc hơn con vì cha mẹ đạp xe đến trường đưa đón hàng ngày. Còn con, cha mẹ đâu có thương con”, cô nữ sinh rưng rưng nước mắt nghẹn ngào thổ lộ.
Đối với gia đình Thủy Tú, học sinh trường Trung học phổ thông Nguyễn Công Trứ, quận Gò Vấp, thì có phần khác. Bố của em là tài xế taxi, mẹ buôn bán nhỏ ở chợ Gò Vấp, song cũng rất ít khi bố mẹ, con cái gặp mặt nhau đầy đủ.
Tú kể, bố em suốt ngày chạy xe ngoài đường, tối về lại tụ tập nhậu hoặc chơi cờ cá ngựa với mấy ông bạn cùng xóm cho đến khuya. Trong khi đó mẹ bận đi lấy hàng, kiểm tiền, chuẩn bị hàng hóa, tám chuyện với mấy bà hàng xóm, cơm nấu xong, ai đói thì tự đi lấy ăn. "Bữa nào bận quá thì mẹ lại dúi cho em mấy chục ngàn để ra đầu hẻm muốn ăn gì thì ăn”, cô nữ sinh cho biết.
Hễ đi học về không có ai ở nhà, Tú lại ra ngồi đốt thời gian chat trên mạng hoặc chơi game online ở một tiệm net gần nhà. “Có những buổi em đi ăn chơi rồi ngủ lại nhà bạn mà chẳng nghe ba mẹ rầy la gì, có khi họ không biết cũng nên. Gần đây, những bữa cơm gia đình cũng thưa dần vì mẹ bận việc kinh doanh, cái bếp ga nhà em gần như chỉ sử dụng cho việc nấu nước tắm. Bố mẹ em lại còn cho đó là lối sống công nghiệp và hiện đại. Còn với em, gia đình phải khác cơ”, Tú băn khoăn.
Thường xuyên tư vấn cho những trường hợp như trên, Thạc sỹ giáo dục Phạm Phúc Thịnh, trung tâm Nhịp cầu hạnh phúc cho biết, theo một số thống kê điều tra xã hội học gần đây ghi nhận, cuộc sống gia đình Việt Nam hiện nay có nhiều biến đổi lớn dưới tác động của nền kinh tế thị trường. Đặc biệt, ở các thành phố lớn có tới hơn 40% số gia đình thường xuyên dùng “cơm hàng cháo chợ”. Vì thế có những gia đình hầu như chỉ liên lạc với nhau bằng điện thoại di động, mặc dù vẫn chung sống dưới một mái nhà.
Đánh giá tác động của vấn đề này, ông Thịnh cho rằng, sự thiếu quan tâm của bố mẹ đến con cái chính là nguyên nhân đầu tiên khiến trẻ hư hỏng và dễ sa vào các tệ nạn xã hội.
Ông nói: “Khi thiếu vắng tình thương yêu từ gia đình, các em sẽ phải đi tìm kiếm điều đó ở thế giới bên ngoài nên dễ bị tác động bởi những yếu tố tiêu cực đang lan tràn trong xã hội hiện nay như: bạo lực học đường, mại dâm tuổi thiếu niên, ma túy, thuốc lắc. Hơn thế nữa, không có được một mái ấm gia đình đúng nghĩa thì việc phát triển một nhân cách hoàn thiện nơi trẻ là rất khó".
Trong vài lần đi công tác khuya, ông Thịnh cũng bắt gặp nhiều cô chiêu, cậu ấm tuổi từ 15 đến 17, có cha mẹ là các đại gia trong nhiều lĩnh vực, đang lang lang ngoài đường. Các em quy tụ thành nhóm đi bụi, ban đêm đua xe, phá phách vì cha mẹ thường xuyên không có mặt ở nhà để quản lý.
Vì thế theo ông Thịnh, trong giáo dục trẻ, đặc biệt các em tuổi teen thì cha mẹ cần có sự quan tâm, thấu hiểu bằng thái độ gần gũi, cởi mở. Bởi "đây là giai đoạn các em có nhiều biến đổi quan trọng về tâm sinh lý cần được hướng dẫn, chia sẻ, nhất là lúc gặp khó khăn trong học tập cũng như trong cuộc sống, để tránh những suy nghĩ và hành động tiêu cực nơi trẻ".
Theo Vnexpress