Trẻ bị biến dạng xương do dùng xe tập đi

,
Chia sẻ

Theo một khảo sát nhanh với hơn 300 người tham gia, cứ 10 phụ huynh thì có đến 7 người từng mua xe tập đi cho con mình mà không biết rằng vật dụng này gây nhiều tai nạn và để lại những hậu quả đáng tiếc.

Những tai nạn đáng tiếc

Mỗi năm Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM tiếp nhận 12-15 trường hợp trẻ bị tai nạn từ xe tập đi, chủ yếu ở trẻ từ 6 - 12 tháng tuổi. Chấn thương thường gặp là chấn thương tay, sọ não, bỏng hoặc đa chấn thương.

Vừa trông con, vừa làm việc nhà nên hàng ngày chị Minh (Đăk Lăk) vẫn cho con vào xe đẩy. Chị nghĩ rằng bỏ bé trong xe thì bé không bị té ngã nên không cần nhờ ai trông chừng, mình lại có thể tranh thủ làm việc nhà ngay cả khi bé còn thức. Như thường lệ, khoảng gần trưa, chị từ ngoài rẫy về nhà xem con mình thế nào thì thấy con đang nằm dưới bếp không biết từ bao giờ, mặt úp vào lò lửa đang cháy. Khi bế bé lên, khuôn mặt bé đã cháy đen, hai mắt dính lại và không thể cất được tiếng khóc.

Tại bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận rất nhiều ca tai nạn do xe tập đi, phần lớn các cháu bị ngã do xe lao rất nhanh, lăn xuống bậc thềm hoặc cầu thang. Những trẻ này thường bị chấn thương đầu, mặt hoặc gãy xương chân tay... Bệnh viện Nhi Đồng TP HCM cũng từng cấp cứu, điều trị nhiều ca chấn thương sọ não, gãy xương, bỏng... do dùng xe tập đi.
 

Hại cả trước mắt và lâu dài

Tại một số nước trên thế giới như Canada và Hoa Kỳ đã nghiêm cấm việc quảng cáo và buôn bán loại xe tập đi cho trẻ. Hội Các Bác Sĩ Nhi Khoa Hoa Kỳ (The American Academy of Pediatrics) và Hiệp Hội Cho Các Trẻ Em Hoa Kỳ - The National Association for Children's Hospitals and Related Institutions (NACHRI), vẫn đang vận động để cấm hoàn toàn việc sử dụng các xe tập đi này.

Theo tổ chức nói trên, ở Hoa Kỳ, trong năm 1999, những xe tập đi đã là nguyên nhân của 8,800 trẻ em nhỏ hơn 18 tháng tuổi phải nhập viện. Tỉ lệ tử vong do các tai nạn xảy ra trong lúc các em đang dùng xe tập đi rất cao.

Ngay cả khi không gây tai nạn cấp cứu, xe tập đi cũng có tác hại nghiêm trọng cho cơ thể trẻ về lâu dài. Hệ xương của trẻ dưới 1 tuổi rất mềm yếu, dễ thay đổi theo tác động bên ngoài. Tư thế của bé khi đứng trong xe lâu ngày sẽ dẫn đến biến dạng xương, gây dị tật chân vòng kiềng chữ O, chữ X.

Một nghiên cứu tại Anh cũng cho thấy những trẻ dùng xe tập đi sẽ chậm biết đứng, biết đi hơn bạn bè đồng lứa không dùng thiết bị này. Nguyên nhân là trẻ đã quen di chuyển mà không cần nâng toàn bộ trọng lượng cơ thể, lâu ngày khiến cơ - xương không lớn mạnh được như bình thường. Hệ thần kinh cũng bị tước mất những thông tin cảm giác cần có để trẻ học đi hiệu quả.

Nhiều bà mẹ vẫn nghĩ trẻ 3 tháng phải biết lẫy, 7 tháng biết bò, 9 tháng biết đi (thành ngữ) nên thường lo lắng tìm mọi cách thúc đẩy sự phát triển của bé. Nhưng mỗi đứa trẻ có một lịch trình sinh trưởng khác nhau, có thể sớm hoặc muộn, nhưng thông thường trẻ biết đi khi 12 tháng tuổi, vì vậy khi trẻ thực sự đã đứng vững bố mẹ mới nên cho trẻ tập đi. Một số người tưởng rằng xe tập đi giúp các bé biết đi sớm hơn. Thực sự, các xe này không giúp trẻ em biết đi nhanh hơn. Trái lại, theo Hội Các Bác Sĩ Nhi Khoa Hoa Kỳ (The American Academy of Pediatrics), dựa trên nhiều nghiên cứu, chúng có thể làm cho việc điều khiển các bắp thịt và phát triển tinh thần của các bé bị chậm lại.

Trên thị trường hiện nay có loại xe bằng gỗ có thể tiện hơn xe bằng nhựa. Nhưng nếu đi loại xe này, trẻ vẫn có thể trật tay, làm ngã xa và chính trẻ bị ngã vập vào xe...  

Vậy xét cho cùng, khi trẻ tập đi vẫn cần có sự giám sát, dìu dắt của người lớn.

H.A tổng hợp

Chia sẻ