Trào lưu săn đồ hiệu second-hand trên sóng livestream của giới trẻ Trung Quốc: Trời lạnh rồi, mau chốt đơn thôi!
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng mạng xã hội, thú vui săn đồ hiệu second-hand trên sóng livestream đang dần trở thành trào lưu mới của giới trẻ Trung Quốc.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng mạng xã hội, thú vui săn đồ hiệu second-hand trên sóng livestream đang dần trở thành trào lưu mới của giới trẻ Trung Quốc.
Giới trẻ xứ Trung ngày càng có nhiều người mê mẩn đồ xa xỉ, nhưng lại theo xu hướng săn đồ second-hand trên sóng livestream. Không ít người nhanh chóng "chốt đơn" túi hiệu hoặc đồng hồ cao cấp đã qua sử dụng khi xem livestream bởi những lời quảng cáo hoa mỹ của người bán. Tuy nhiên trên thực tế, mua đồ second-hand trên sóng livestream lại lời ít lỗ nhiều.
Do bị ràng buộc bởi nhiều yếu tố khác nhau như chia hoa hồng cho nền tảng, kênh cung cấp và sự khan hiếm hàng hiệu second-hand… nên người bán thường phải tăng giá sản phẩm hơn nhiều so với giá trị thực tế.
Sản phẩm đã qua sử dụng càng nhiều lần thì giá trị sẽ theo đó mà bị giảm đi. Lúc này, vai trò của con buôn giống như 1 người trung gian. Chẳng hạn như nhập về chiếc túi Louis Vuitton second-hand chỉ bằng 1 nửa giá trên quầy, sau đó bán lại cho người khác với giá giảm 60-70%. Tuy nhiên đó chỉ là trên lý thuyết, thực tế tăng hoặc giảm còn phụ thuộc vào độ chịu chi của người mua và mức khan hiếm của món hàng đó.
Hoàng Nham chuyển hướng sang kinh doanh đồ second-hand từ năm 2016. Tuy nhiên, để đặt chân vào thị trường đồ hiệu second-hand không phải là 1 việc dễ dàng.
"Riêng khoản đầu tư đã là 1 con số không tưởng, đấy còn chưa nói đến chuyện nguồn khách không ổn định. Làm nghề này chỉ dựa vào mối hàng cá nhân không đủ, mà phải đến các cuộc triển lãm hàng xa xỉ đã qua sử dụng được tổ chức tại khách sạn 5 sao của địa phương hàng tuần." - Cô gái chia sẻ.
Các mặt hàng xa xỉ second-hand trong triển lãm chủ yếu tiêu thụ được thông qua 3 cách sau: Cách thứ nhất là bán trực tiếp cho những người cùng ngành; thứ 2 là hợp tác với các "con buôn" để livestream bán hàng; thứ 3 là trao đổi hàng hóa giá trị tương đương, chẳng hạn như đổi túi xách lấy đồng hồ.
"Cho đến nay, ngành công nghiệp đồ hiệu second-hand vẫn chưa có quy trình và tiêu chuẩn nhất định." - Hoàng Nham nói.
Hoàng Nham cho biết, dù có nhiều kinh nghiệm nhưng chỉ cần gặp những thương nhân lão làng thì cô chắc chắn bị thiệt, dẫn đến mất ít nhất 5-10% lợi nhuận hàng năm. Thêm vào những rủi ro khác chẳng hạn như trong trường hợp không may mua phải đồ ăn trộm, hậu quả ít nghiêm trọng nhất là bị cảnh sát tịch thu, còn tổn thất chỉ có thể tự mình gánh chịu. Mặc dù có ký kết thỏa thuận khi mua bán, nhưng tại Trung Quốc hiện chưa có chính sách tương ứng để bảo vệ quyền lợi cho những người bán hàng second-hand.
Thị trường đồ hiệu second-hand đã tồn tại ở Trung Quốc khoảng 10 năm, nhưng phải từ năm 2016 mới thực sự lọt vào "mắt xanh" và nhanh chóng trở thành xu hướng mới của giới trẻ. Theo 1 báo cáo của ThredUp (1 trang rao bán đồ cũ nổi tiếng tại Mỹ) vào năm 2019, mô hình kinh doanh bán đồ cũ đang tăng nhanh gấp 21 lần bán đồ mới.
Thông tin công khai cho thấy 1 số streamer có lượt theo dõi cao, khi livestream kênh liên kết sẽ trích 2% hoa hồng trả cho họ hàng tháng với mức từ 30-70 nghìn tệ (tương đương 105-246 triệu đồng).
Trên sóng livestream, sự khan hiếm và giá trị sưu tập của các mặt hàng xa xỉ đã qua sử dụng sẽ được người bán nâng cao lên so với thực tế. Để kiếm được khoản chênh lệch giá trung gian, nhiều người phải tăng giá đồ hiệu second-hand trước sao cho đủ lợi nhuận.
"Mỗi lần livestream, phía sau máy quay, con buôn sẽ bí mật ra giá cho người bán và thường giá sẽ được đội lên gấp nhiều lần." - Hoàng Nham nói.
Do sự gia tăng chi phí liên quan đến việc hợp tác với nền tảng, giá của các mặt hàng xa xỉ đã qua sử dụng cũng buộc phải tăng thêm. Song vẫn có rất nhiều khách mua vì tin tưởng vào "uy tín" của người bán. Ngược lại với những khách hàng mua bất chấp, nhiều tín đồ thời trang hiện nay cũng đã khôn ngoan hơn, nhiều người trong số họ cất giữ các hoá đơn như 1 bằng chứng mua hàng để sau này có căn cứ khi cần xác thực. Nhiều người nhận ra rằng hàng hóa cho dù là second-hand cũng có thể có đời thứ 2 hoặc hơn nên đã giữ gìn bao bì và biên lai ban đầu để có được giá bán lại cao hơn.
Nhìn chung tại Trung Quốc, xu hướng săn đồ hiệu second-hand đã trở thành từ khoá trong chiến lược tiết kiệm mà vẫn sang chảnh của tín đồ yêu thích các sản phẩm xa xỉ. Đồng thời, nó cũng rất phù hợp với nhu cầu phát triển xã hội của đất nước tỷ dân.
Nguồn: Tri Thức Trẻ