Tránh gây áp lực khi dạy con hiểu chuyện
Việc nuôi dạy trẻ trở thành đứa bé hiểu chuyện mang lại lợi ích to lớn cho bản thân con, cho gia đình và cho xã hội.
Nuôi dạy con cái là hành trình gian nan nhưng cũng vô cùng ý nghĩa mà mỗi bậc cha mẹ đều phải trải qua. Trong hành trình ấy, việc nuôi dạy trẻ trở thành đứa bé hiểu chuyện mang lại lợi ích to lớn cho bản thân con, cho gia đình và cho xã hội.
Một số ý kiến cho rằng, đằng sau những đứa trẻ hiểu chuyện là những tổn thương về tâm lý mà chúng phải chịu đựng. Trẻ cảm thấy áp lực và sợ hãi khi không đáp ứng được kỳ vọng của cha mẹ. Trẻ cũng thường tự đặt áp lực lên bản thân để đạt được sự hoàn hảo.
"Đề bài" nan giải
Hiểu chuyện không chỉ đơn thuần là ngoan ngoãn, vâng lời cha mẹ mà còn là sự trưởng thành trong suy nghĩ, hành động và cách ứng xử của trẻ. Đứa bé hiểu chuyện biết cách cư xử đúng mực, phù hợp với hoàn cảnh, biết yêu thương, chia sẻ, biết tôn trọng người lớn và bạn bè.
Nuôi dạy con trở thành đứa bé hiểu chuyện là hành trình đòi hỏi sự kiên nhẫn, yêu thương và sự thấu hiểu của cha mẹ. Do đó, phụ huynh cần dành thời gian quan tâm, giáo dục con mỗi ngày. Từ đó, giúp con hình thành những thói quen tốt và trở thành đứa trẻ ngoan ngoãn, hiểu chuyện.
Theo các chuyên gia, cha mẹ biết yêu thương, tôn trọng, biết cách giáo dục con bằng lời nói nhẹ nhàng, bằng tình yêu thương sẽ giúp trẻ hình thành những thói quen tốt và trở thành đứa bé hiểu chuyện. Ngược lại, cha mẹ thường xuyên quát mắng, đánh đập con sẽ khiến trẻ sợ hãi, tự ti và dễ hình thành những hành vi sai trái.
Tuy nhiên, có nên để trẻ con trưởng thành và hiểu chuyện quá sớm hay không luôn là một đề bài nan giải. Làm cha mẹ không phải một chuyện dễ dàng, cũng không phải chuyện ngày một ngày hai là xong.Có những lúc khi vừa phải chịu đựng áp lực từ xã hội vừa chịu áp lực từ gia đình, nhiều cha mẹ đã dùng các cách tiêu cực lên con mình.
Có những phụ huynh hy vọng rằng, con mình sẽ biết suy nghĩ, thương cha mẹ mà ngoan ngoãn nghe lời. Tuy nhiên, không ít người đặt ra câu hỏi: Liệu điều này có đúng không đối với độ tuổi vô lo vô nghĩ của con trẻ?
Một đứa trẻ khi phải hiểu chuyện quá sớm sẽ nảy sinh nhiều vấn đề. Một số ý kiến cho rằng, khi đã biết quá nhiều, đứa trẻ đó sẽ có xu hướng xem thường những bạn cùng tuổi và chỉ biết nghĩ cho bản thân. Trẻ cũng sẽ muốn làm gì thì làm, chứ không thèm suy nghĩ đến người khác vì cho rằng bản thân đã "sõi". Hoặc, có thể vì hiểu cách đọc vị xã hội này quá sớm mà các bé trở nên ích kỷ và tính toán chi li. Điều gì có lợi cho bản thân các bé mới chịu làm.
Trước đó, một nữ phụ huynh họ Su, sống cùng con trai ở khu tự trị Ninh Hạ, Tây Bắc Trung Quốc, đã chia sẻ câu chuyện về con trai mình. Do chồng vừa qua đời nên cô Su phải trở thành trụ cột gia đình. Nữ phụ huynh cho biết thường xuyên phải ở lại tăng ca và về nhà vào lúc tối muộn. Khi cô về, con trai thường đã ngủ.
Tuy nhiên, một ngày, Su bất ngờ vì phát hiện con trai vẫn còn thức khi cô đi làm về. Su cho biết, ban đầu cô cảm thấy tức giận khi phát hiện con thức khuya như vậy. Song, khi biết được lý do đằng sau, người mẹ đã oà khóc vì xúc động. Cậu bé chạy tới và ôm cô thủ thỉ rằng: "Mẹ ơi, con đã ngủ rồi, nhưng chợt nhận ra chưa giặt giày. Con biết mẹ mệt nên chỉ muốn tự giặt giày của mình".
Câu chuyện bé trai 5 tuổi tự mình giặt giày vì lo mẹ mệt khiến cộng đồng mạng xúc động. Su kể, cô đã rất xúc động và không kìm được nước mắt. "Con trai tôi đang nói với tôi qua hành động rằng, thằng bé rất yêu tôi", nữ phụ huynh chia sẻ.
Video mà Su quay lại cảnh con trai 5 tuổi giặt giày đã thu hút hơn 110 triệu lượt xem trên Weibo và hơn 4 triệu lượt xem trên TikTok. Nhiều người dùng mạng cho biết họ thấy video thật sự xúc động vì cậu bé vô cùng hiểu chuyện.
Thông thường, cách mà phụ huynh mong muốn con của mình trở nên hoàn hảo đều theo một mô hình giống nhau. Điều này được miêu tả qua việc mô tả các đặc điểm mà cha mẹ mong muốn, như: Con ngoan ngoãn, biết lắng nghe và tuân thủ lời phụ huynh, luôn luôn tươi cười và dễ thương.
Trong cuốn sách "Đứa trẻ hiểu chuyện thường không có kẹo ăn", tác giả Nguyên Anh nhấn mạnh rằng, đằng sau những đứa trẻ hiểu chuyện ngoan ngoãn là sự tổn thương và buộc phải nhường nhịn người khác. "Chúng chẳng khác gì một con búp bê phó mặc hoàn toàn cho người khác sắp xếp. Chúng làm tất cả những điều đó chỉ vì yêu thương cha mẹ mình mà thôi", tác giả viết.
Tác giả cho rằng, đằng sau những đứa trẻ "hoàn hảo" này là những tổn thương về tâm lý mà chúng phải chịu đựng. Chúng cảm thấy áp lực và nỗi sợ hãi khi không đáp ứng được kỳ vọng của cha mẹ và thường tự đặt áp lực lên bản thân để đạt được sự hoàn hảo đó.
Mục đích chính của những đứa trẻ như thế là vì yêu thương cha mẹ của chúng, muốn làm hài lòng và giúp đỡ phụ huynh trong những lúc khó khăn. Trẻ thường chịu đựng những tổn thương của bản thân một cách sâu sắc và đơn độc.
Ghi nhận sự hiểu chuyện của trẻ
Có thể nói, khi muốn con trẻ "hiểu chuyện" và muốn con trở thành một công dân tốt, vẫn cần rất nhiều công sức giáo dục và nuôi dưỡng của các bậc sinh thành. Không phải cứ để đó con trẻ "tự hiểu" được mọi chuyện nghĩa là đã bớt được gánh nặng.
Chị Phạm Trần Kim Chi - Nhà thực hành Tâm lý học tích cực, người sáng lập kênh Postcast "5 phút làm cha mẹ" chia sẻ, hãy cứ để con "hiểu chuyện", nhưng cần lưu ý một số điều. Trước hết, trẻ cần được chuẩn bị những kỹ năng cho việc mà mình sẽ làm. Phụ huynh không thể hôm trước còn bao bọc con, đưa đi đón về, kiểm tra từng lỗi chính tả, từng phép Toán... rồi hôm sau nói với trẻ: Tự lập đi, ý thức đi, con đã lớn rồi.
Phụ huynh cũng nên tận dụng mọi cơ hội để con hiểu vì sao trẻ cần chuẩn bị những kỹ năng đó và vì sao nên trưởng thành như vậy. Con tự đi học là vì có thể chủ động ở lại trường theo cách mình thích để chơi, trò chuyện với bạn. Con tự làm bài tập vì trẻ sẽ chủ động biết cần học cái nào, ôn tập điều gì. Trẻ tự mua bút, khẩu trang là vì con có thể chủ động chọn cái nào mà bản thân thích và vừa vặn nhất.
Tâm thế của con khi làm những việc này là vì con chủ động có nhu cầu trưởng thành. Và qua sự trưởng thành đó, con tự chọn cái gì phù hợp với bản thân. Tâm thế này khác hoàn toàn với việc bị động, bị ép trưởng thành. Vì vậy, theo chuyên gia này, việc dạy kỹ năng không thôi chưa đủ mà chuẩn bị tâm thế của mình còn quan trọng hơn.
Phụ huynh cũng cần trả lời câu hỏi: Tâm thế của cha mẹ khi muốn con trưởng thành là gì? Theo chị Chi, tâm thế của con xuất phát từ tâm thế của cha mẹ. Vì sao cha mẹ muốn con trưởng thành? Vì phụ huynh rất mệt mỏi hay muốn có thời gian cho bản thân? Cha mẹ muốn con tự đi học về bởi vì để phụ huynh có thể ở ngoài và về nhà trễ hơn? Cha mẹ muốn con tự học bài vì phụ huynh cần thời gian để làm việc khác? Cha mẹ muốn con tự mua đồ dùng học tập vì phụ huynh không có thời gian để nhớ?
Song, chuyên gia này cho biết, nếu phụ huynh đang ở trong một tâm thế như thế này, thì khi trẻ trưởng thành, con sẽ ở trong một tâm thế bị bỏ rơi. Bởi, trẻ bị ép phải trưởng thành. Khi trẻ tự mua đồ dùng học tập, cha mẹ không hay biết gì và cảm thấy như mình được bớt việc. Nếu như vậy thì sự hiểu chuyện lúc này của trẻ là một gánh nặng. Còn, nếu cha mẹ biết về sự thay đổi, hỏi về đồ dùng đó, vài lần đề nghị trẻ cùng đi mua đồ với phụ huynh... thì mọi chuyện sẽ khác.
"Khi con nói là mình có thể làm được và bạn không quan tâm gì thêm hết thì sự hiểu chuyện này là gánh nặng. Nhưng nếu bạn chú ý những việc con làm, chân thành đề nghị giúp đỡ như là trao đi một lòng tốt của bạn thì sự hiểu chuyện của con lúc này lại là lời khen cho sự trưởng thành", chị Kim Chi cho biết.
Nữ chuyên gia chia sẻ, lời khen hay gánh nặng khác nhau ở tâm thế khi mình làm việc đó chủ động hay bị động. Là việc mình muốn thế hay bắt buộc phải thế. Là mình tự tin để làm hay thấy cô đơn bắt buộc phải làm. Cuộc sống luôn cần nhìn lại và tìm lấy một sự cân bằng.