Trầm cảm sau sinh, mẹ định tự sát và gây hại cho cả con
Cả hai lần sinh con, chị Lanh đều xuất hiện dấu hiệu trầm cảm, người nhà phải đưa đến bệnh viện điều trị.
Sau khi sinh con thứ 2 được vài tuần, chị Nguyễn Lanh (35 tuổi) được gia đình đưa đến Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội) trong tình trạng tâm lý không ổn định, xuất hiện các dấu hiệu trầm cảm tương tự lần sinh con đầu lòng.
Hai năm trước, một bé gái xinh đẹp chào đời. Những tưởng có con, hạnh phúc của vợ chồng chị sẽ thêm vẹn tròn, nhưng chỉ vài ngày sau sinh, chị Lanh dần dần trải qua loạt các cảm xúc tiêu cực, không thể kiểm soát được.
Chị thường xuyên cảm thấy bất an, lo lắng, thiếu tự tin. Chị còn tự thấy mình không xứng đáng làm mẹ, đôi khi ngồi một mình, mắt nhìn xa xăm vô hồn, không muốn giao tiếp với ai.
Thời gian đó chị dễ khóc và khóc rất nhiều, không thể giải thích lý do tại sao. Lâu dần, chị bắt đầu cảm thấy mệt mỏi với cuộc sống, không thể tìm thấy niềm vui, kể cả với những thứ mà trước đây chị từng rất yêu thích.
Tồi tệ nhất là chị có ý định tự sát, chị thường nghĩ về việc tự làm hại mình và thậm chí đã thử thực hiện những hành động tự sát. Bản thân chị không thể hiểu tại sao lại trải qua những cảm xúc tiêu cực như vậy và không thể vượt qua được.
Trong một cơn trầm cảm cực đoan, chị còn làm hại đến cả con. Chị cũng toan tự sát nhiều lần nhưng không thành công. Người nhà lúc nào cũng phải giám sát, chăm sóc chị rất kỹ. Chị vẫn liên tục đương đầu với những cơn trầm uất cực độ, chán ghét tất cả mọi thứ, vô tình với tất thảy mọi người.
Mãi về sau, mọi chuyện dần đi vào quên lãng. Sức khỏe của chị cũng từ từ hồi phục, trở lại gần như bình thường, có thể đi làm việc ở công sở hàng ngày.
Hai năm sau, chị có bầu lần thứ 2, ngay sau khi sinh con, chị lại thấy xuất hiện những biểu hiện y hệt như lần sinh thứ nhất. Linh tính báo cho chị chuyện gì đó không lành. Lần này, chị nhờ em gái thu xếp đưa chị đi khám tại bệnh viện.
TS.BS Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương cho biết, trường hợp của bệnh nhân Lanh cần được hỗ trợ chuyên sâu. Người thân của bệnh nhân cũng được bác sĩ hướng dẫn để đối diện với các tình huống.
Tất cả mọi người trong gia đình được trang bị kiến thức, tham gia tích cực, tuân thủ hướng dẫn chuyên khoa để đảm bảo sự hỗ trợ tốt nhất cho Lanh trong suốt quá trình phục hồi.
“Trường hợp này đặc biệt phức tạp. Trầm cảm sau sinh là tình trạng đáng báo động, không nên bỏ qua hoặc tự xử lý một mình. Nếu ai đó đang trải qua tình huống tương tự, hãy tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên nghiệp ngay lập tức”, bác sĩ Thu nhấn mạnh.
Mỗi khi nhắc đến bệnh viện tâm thần, người ta thường nghĩ nơi đây là những người mất trí, kỳ quặc hoặc vô dụng. Vậy nhưng ai cũng có lúc mệt mỏi, stress, mất ngủ, mắc nghiện cần điều trị như nhiều bệnh khác, và có thể hồi phục.
Mỗi bệnh nhân có thể ẩn giấu một hoặc nhiều câu chuyện đau lòng, mà nguyên nhân do quá sợ bị gắn mác bệnh tâm thần, sợ bị bỏ rơi, không dám thừa nhận bệnh. Chỉ những người gắn bó với bệnh viện mới thấm thía được nỗi đau của những người bệnh tâm thần và gia đình bệnh nhân, có khi là những nỗi đau kéo dài qua nhiều thế hệ.