Trả tiền cho trẻ làm việc nhà: Đừng làm hư con!
Thay vì thuê người giúp việc, cũng có một số phụ huynh giao kèo với con làm việc nhà thì bố mẹ sẽ cho tiền. Tuy nhiên, việc giao kèo này lại vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.
Trả tiền để con chăm làm?
Tại các thành phố lớn như Hà Nội, có không ít các gia đình bận rộn với công việc công sở, các mối quan hệ xã hội mà không có thời gian làm việc nhà. Thay vì thuê người giúp việc, họ chọn giải pháp là giao kèo với chính con cái mình làm việc nhà và trả công bằng tiền.
Chia sẻ với PV, chị Nguyễn Thị H. (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết mấy năm nay chị là người chi tiền để con làm việc nhà lúc chị bận rộn.
Chị H. nói: "Con trai tôi năm nay học lớp 12, thế nhưng cháu rất lười làm việc nhà. Từ việc gấp quần áo cho đến quét dọn nhà cửa đều do mẹ làm. Trong một lần đến nhà người bạn chơi, thấy bạn tôi áp dụng cách trả tiền cho con làm việc nhà, thấy cách này cũng hay nên tôi đã trao đổi với con, từ ngày đó tôi thấy con chăm chỉ, tích cực hơn hẳn".
Một số phụ huynh nghĩ ra cách để con chăm làm việc nhà đó là trả tiền (Ảnh minh họa).
Bà mẹ này cũng chia sẻ từ ngày nghĩ ra việc cho tiền con làm việc nhà, chị không còn phải "khản giọng" mỗi khi muốn con làm việc này, việc kia. Số tiền mà chị dành cho con làm việc nhà đó là 20.000 đồng/ngày làm việc.
"Ngoài thời gian học tập thì khi nào con rảnh tôi đều cho con làm việc nhà, số tiền trên tôi giao cho con để con muốn mua gì thì mua chứ cũng không quản lý khắt khe vì tiền đó là sức lao động con bỏ ra", chị H. cho biết thêm.
Tương tự như chị H. chị Phạm Thu L. (Hà Nội) có hai người con đang học THCS, hàng ngày đi làm bận rộn nên chị thường giao việc nhà, dọn dẹp, gấp quần áo cho các con. Đổi lại, hai người con sẽ được chị "trả lương" theo đúng công sức mình bỏ ra.
"Tôi muốn để các con làm thành thạo việc nhà nên đã bàn bạc với chồng trả tiền cho con khi các con làm xong một việc nào đó mà tôi thấy vừa ý. Khi nhận được những đồng tiền dù nhỏ thôi nhưng các con rất vui. Đó là cách tôi nghĩ là nhiều phụ huynh nên áp dụng để thu hút con làm việc nhà", chị L. nói thêm.
Tuy nhiên, việc trả tiền cho con làm việc nhà cũng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều (Ảnh minh họa)
Trái ngược với chị H, chị L. người mẹ trẻ Hà M. thì lại thấy hối hận với quyết định giao kèo con làm việc nhà sẽ cho tiền.
Chị Hà M. tâm sự: "Tôi không biết những ông bố bà mẹ khác thế nào, nhưng tôi đã thất bại khi đưa tiền để con làm việc nhà. Những năm trước con tôi cũng khá tự giác trong quá trình làm việc nhà. Thế nhưng, hơn một năm trở lại đây, khi tôi đề ra ý tưởng sẽ cho tiền con thì con thay đổi thái độ một cách bất ngờ. Cụ thể, nếu ngày nào tôi cho con tiền thì con vui vẻ, còn có hôm con làm xong tôi quên không đưa thì con khóc, thậm chí không làm hoặc đòi nằng nặc mẹ phải trả công cho mình.
Nhận thấy sự thay đổi trong nhận thức làm việc nhà của con, tôi quyết định không cho con tiền nữa, nhưng bây giờ thì con bướng vô cùng và không chịu làm gì nếu mẹ phân việc".
Nhầm lẫn trong cách dạy con
Trước phương pháp tưởng chừng hiệu quả của phụ huynh là cho tiền để khuyến khích con làm việc nhà, PV báo Người Đưa Tin đã liên hệ với nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất.
Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất cho hay: "Trong quá trình tư vấn cho các gia đình, tôi cũng từng gặp không ít trường hợp bố mẹ mang con đến chỗ tôi để xin tư vấn về việc con khóc lóc đòi tiền bố mẹ khi làm việc nhà".
Nói đến đây, ông Nguyễn An Chất kể lại: "Có trường hợp mà tôi nhớ mãi, gia đình đó ở Hà Nội, cũng có điều kiện, nhưng đã phải tìm đến tôi xin tư vấn với lý do con trai học lớp 5 của họ bây giờ bảo làm việc gì cũng đòi tiền bố mẹ. Tiền mà bé trai này kiếm được từ làm việc nhà được bé sử dụng không đúng mục đích, bé tiêu lung tung, tùy tiện mua đồ chơi rồi lại vứt đi. Tôi hỏi cụ thể mới biết, bố mẹ này hầu như việc gì cũng coi như thuê con làm. Đó là cách dạy con nhầm lẫn".
Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất cho rằng, phụ huynh nên dạy con làm việc nhà là trách nhiệm của con chứ không phải cho tiền là xong.
Theo ông Nguyễn An Chất, việc giáo dục con cái làm việc nhà là vô cùng cần thiết, bởi hiện nay các gia đình thường sinh ít con và có điều kiện kinh tế nên không bắt con làm gì ngoài việc học. Như vậy, khi lớn lên con sẽ thiếu kỹ năng sống trầm trọng.
"Bố mẹ không bắt các con phải làm việc nặng, nhưng các con phải phục vụ được bản thân của mình, làm những việc vừa sức như rửa bát, quét nhà, giặt giũ... để làm được điều này, bố mẹ cần giáo dục con làm việc nhà là phục vụ chính gia đình mình. Tuy nhiên, khuyến khích con bằng cách cho tiền lại là một sự nhầm lẫn", ông Nguyễn An Chất cho biết.
Lý giải về cách giáo dục nhầm lẫn này, ông Chất nói: "Việc cho tiền con để làm việc nhà vô tình bố mẹ đã làm hư các con là làm bất kỳ việc gì cho bản thân, cho gia đình đều phải có tiền mới làm, không có tiền thì sẽ không làm. Từ đó, trẻ sinh ra tính xấu không chịu phục vụ bản thân, gia đình những công việc vừa sức".
Bên cạnh đó, ông Nguyễn An Chất cho rằng có thể cho tiền trẻ, nhưng phải tùy trường hợp và hoàn cảnh.
"Nếu như hôm đó bố mẹ bận đi làm không kịp cho con ăn sáng thì cho 10.000 đồnng hay 20.000 đồng ăn sáng, mua sách vở, mua bút. Phải cho định mức một tuần là bằng này, một tháng là bằng này chứ không thể cho tùy tiện, hứng lên là cho hoặc con làm được một việc là lại cho như thế tạo thói quen không tốt cho con", ông Chất cho biết.
Ông Chất cũng nhấn mạnh: "Bố mẹ phải dạy con cách chi tiêu, phải có ghi chép cụ thể việc cho tiền để kịp thời uốn nắn, giáo dục con trong việc lao động gia đình. Phải luôn nhấn mạnh làm việc nhà là nhiệm vụ, trách nhiệm của con chứ không phải bảo con "cứ làm đi rồi bố mẹ sẽ cho tiền"...".