Tôn trọng không gian riêng của con - "Chìa khóa" xây dựng mối quan hệ gắn kết

Vân Huyền,
Chia sẻ

Trong quá trình nuôi dạy con, việc tôn trọng không gian riêng đóng vai trò quan trọng để tạo ra một môi trường phát triển toàn diện cho trẻ.

Tôn trọng không gian riêng của con - "Chìa khóa" xây dựng mối quan hệ gắn kết - Ảnh 1.

Tôn trọng không gian riêng của trẻ là yếu tố quan trọng để nuôi dạy con thành công. Ảnh minh họa: INT.

Các bậc phụ huynh cần xem trẻ là những cá nhân độc lập và không can thiệp quá mức vào không gian riêng của chúng. Đồng thời, việc lắng nghe chân thành ý kiến và cảm xúc của con là một cách quan trọng để thể hiện sự tôn trọng này.

Không gian riêng đúng nghĩa

Bằng cách tôn trọng và tạo điều kiện cho trẻ tự do biểu đạt, phụ huynh không chỉ đồng hành cùng sự phát triển của con, mà còn xây dựng mối quan hệ tôn trọng và gắn kết. Thực tế, giới trẻ có đòi hỏi cao về quyền riêng tư. Ngoài điện thoại, máy tính, nhiều gia đình có điều kiện còn sắp xếp cho con phòng riêng. Song, nhiều phụ huynh thực thi... nửa vời, để trẻ có phòng riêng, nhưng không cho con có không gian riêng.

Không dưới 2 lần, em Lê Vy, 13 tuổi (Ba Đình, Hà Nội) phải hét lên “con cũng cần được riêng tư” với cha mẹ mình. Khi lời “thỉnh cầu” ấy không thành, Vy chỉ còn biết tìm đến các diễn đàn dành cho tuổi teen để than thở về sự ngột ngạt, bức bối với chính những người thân nhất, trong căn phòng riêng của mình.

Dù để con có phòng riêng, nhưng cha mẹ Vy lại lắp camera để theo dõi nhất cử, nhất động của con. Chia sẻ trên một diễn đàn, Vy cho biết, mẹ còn thường xuyên bất chợt vào phòng em. Điều đó khiến Vy cảm thấy mình như thể một kẻ gian, một tên trộm trong nhà. Lê Vy chia sẻ, em cảm giác rằng bản thân tồi tệ nên mới khiến cha mẹ không tin tưởng. Đây cũng là nỗi niềm của không ít trẻ hiện nay, khi phụ huynh thường can thiệp quá sâu vào không gian riêng.

Chia sẻ về vấn đề này, anh Phạm Anh Tú (Hoàng Mai, Hà Nội) kể, ngày anh bắt gặp cậu con trai 12 tuổi đọc truyện trong phòng riêng thay vì học bài, anh đã lẳng lặng không nói gì và không xâm phạm không gian riêng của con.

“Nếu tôi xông vào phòng riêng hoặc hỏi tội con ngay lúc đó, thì với tính cách của con trai tôi, nó sẽ phản ứng. Trong thời gian ngồi suy ngẫm, tôi đặt ra nhiều tình huống và đưa mình vào vị trí của con để cảm nhận. Cuối cùng, tôi chọn cách im lặng vài ngày. Sau đó, chờ ngày rảnh rỗi, tôi rủ con đi câu cá rồi trò chuyện nhẹ nhàng, rằng tôi cũng từng như con nhưng khi trưởng thành hơn, tôi nhận ra đó là sự lãng phí thời gian, sai lầm. Do đó, bây giờ, tôi không muốn con trai mình đi vào vết xe đổ của cha nó. Từ đó, hầu như mọi chuyện, con trai đều tâm sự với tôi như người bạn”, anh Tú cho biết.

Trước đây, mạng xã hội xôn xao về câu chuyện cha mẹ xâm phạm không gian riêng của con. Cụ thể, một phụ nữ tại Trung Quốc cho biết, chồng và con gái mình đang cãi nhau trong phòng. Thậm chí, cô bé còn cầm một chiếc kéo cố thủ. Ngay lập tức, cảnh sát địa phương đã có mặt để giải quyết tình huống trên mà không xảy ra bất cứ nguy hiểm nào về người. Lúc này, toàn bộ sự việc mới bắt đầu được phía người trong cuộc chia sẻ.

Ông bố cho biết, trong khoảng thời gian dịch bệnh, cô con gái sinh viên năm nhất của mình thường xuyên có lớp học trực tuyến tại nhà lúc 15 giờ. Tuy nhiên, khoảng 14 giờ hôm đó, ông vẫn thấy con gái nằm trên giường và chơi điện thoại. Người cha cảm thấy con mình lơ là việc học nên đã nhắc con chuẩn bị ngồi vào bàn học. Song, con gái ông vẫn không nghe lời. Vì vậy, ông đã dùng điện thoại của mình để quay cảnh con gái nằm trên giường, đồng thời nói rằng con chỉ biết ngủ và chơi, không chịu học. Sau đó ông gửi video cho vợ.

Người mẹ quá tức giận nên đã mắng nhiếc con ngay khi trở về nhà. Sau đó, cô con gái nhốt mình trong phòng không chịu ra ngoài ăn cơm vì nghĩ rằng mẹ không hiểu mình, chỉ tin lời nói của cha.

Cha mẹ sau đó đã xông vào phòng mắng con, dẫn đến việc khiến cô gái không thể kiềm chế cảm xúc. Thời điểm đó, những cảnh sát có mặt để giảng hòa cho biết: “Dù là cha mẹ nhưng cũng cần phải có sự tôn trọng tối thiểu dành cho đứa trẻ. Đừng lấy quyền chăm sóc con, cha mẹ mà tước đi sự riêng tư, làm tổn thương lòng tự trọng của con”.

Khi câu chuyện được chia sẻ lại trên các trang mạng xã hội, rất nhiều phụ huynh thừa nhận, bản thân đã đôi lần có những hành động sai lầm tương tự với con của mình.

Tôn trọng không gian riêng của con - "Chìa khóa" xây dựng mối quan hệ gắn kết - Ảnh 2.

Phụ huynh cần dạy trẻ tôn trọng không gian riêng của người khác. Ảnh minh họa: INT.

Tạo môi trường an toàn và tin tưởng

Theo cô Trịnh Mai Chi - Trường Mầm non Bông Mai 2 (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), để tôn trọng sự riêng tư của trẻ, cha mẹ không nên can thiệp quá mức vào không gian cá nhân, sự tự do diễn đạt suy nghĩ và cảm xúc của con mình. Thực tế, nếu cha mẹ thực hiện nghiêm túc sự tôn trọng với con sẽ mang lại nhiều lợi ích.

Trước hết, điều đó giúp trẻ phát triển sự tự tin và yêu bản thân. Khi cảm thấy ý kiến và cảm xúc của mình được quan tâm và tôn trọng, chúng sẽ tự tin hơn trong việc thể hiện bản thân và ra quyết định. Ngoài ra, việc tôn trọng không gian riêng giúp xây dựng mối quan hệ đầy tin tưởng giữa cha mẹ và con. Trẻ sẽ cảm thấy an toàn và tự tin khi biết rằng, người lớn sẽ luôn tôn trọng quyền riêng tư của mình.

Để thể hiện sự tôn trọng với con, cha mẹ cần tạo môi trường an toàn và có sự tin tưởng. Ở đó, trẻ sẽ cảm thấy an toàn và tự do để biểu đạt ý kiến cũng như cảm xúc cá nhân. Ngoài ra, phụ huynh cũng nên hỏi ý kiến và lắng nghe trẻ một cách chân thành. Đáp ứng nhu cầu và quyền lựa chọn của chúng. Cụ thể, hãy cho phép trẻ tham gia vào quyết định và lựa chọn trong phạm vi phù hợp để phát triển khả năng độc lập cũng như quản lý cuộc sống.

“Tôn trọng không gian riêng của trẻ là yếu tố quan trọng để nuôi dạy con thành công. Bằng cách tạo môi trường an toàn và tin tưởng, lắng nghe ý kiến và cảm xúc của con, đáp ứng nhu cầu và quyền lựa chọn của trẻ, cha mẹ không chỉ giúp trẻ phát triển tự tin và độc lập, mà còn xây dựng mối quan hệ gắn kết. Hãy truyền cảm hứng cho trẻ trở thành những cá nhân tự tin và thành công trong tương lai bằng cách tôn trọng không gian riêng của con”, cô Trịnh Mai Chi cho biết.

Tôn trọng không gian riêng của con - "Chìa khóa" xây dựng mối quan hệ gắn kết - Ảnh 3.

Cha mẹ không nên can thiệp quá mức vào không gian cá nhân của trẻ. Ảnh minh họa: INT.

Bên cạnh đó, nữ giáo viên Trường Mầm non Bông Mai 2 cho rằng, cha mẹ cần dạy trẻ tôn trọng không gian riêng của người khác, tầm quan trọng của việc tôn trọng sự riêng tư của mỗi người và khuyến khích con áp dụng điều này với những người khác. Đặc biệt, trẻ không nên tự tiện vào phòng phụ huynh hoặc lục lọi, nghịch đồ của cha mẹ. Thay vào đó, trước khi vào phòng cha mẹ cũng như thành viên khác trong gia đình, trẻ cần gõ cửa. Nếu muốn sử dụng món đồ của thành viên khác trong nhà, trẻ cần hỏi ý kiến và được sự đồng ý của người sở hữu.

Trong trường hợp đến chơi nhà người khác, trẻ cần biết không tự ý chạm vào đồ vật trong nhà. Cha mẹ cần nói cho con hiểu rằng, việc tự ý chạm vào đồ của người khác là một hành động không tôn trọng và có thể khiến chủ nhà cảm thấy khó chịu. Hơn nữa, việc này cũng ẩn chứa những nguy hiểm bất ngờ nếu đó là các dụng cụ làm bếp, đồ điện…

“Trong ngôi nhà của người khác thì phòng ngủ chính là nơi quan trọng nhất cất chứa sự riêng tư, đồ đạc. Do đó, cha mẹ cần dạy con không được tự ý mở cửa vào phòng riêng của người khác và kể cả phòng khác, trừ khi được mời. Khi vào phòng, trẻ không nên tự ý nằm trên giường, giẫm lên chăn chiếu”, cô Mai Chi lưu ý.

Cũng theo cô Chi, một lưu ý khác là trẻ cần chú ý và nhận biết những đồ vật nguy hiểm trong nhà. Đầu tiên, cha mẹ cần cho con biết rằng, khi đến nhà người khác, trẻ cần phải chú ý xung quanh và không động chạm vào bất cứ đồ vật nào mà không được sự cho phép của chủ nhà. Cha mẹ hãy trang bị cho trẻ kỹ năng sống không chơi ở nơi nguy hiểm, đặc biệt là những đồ vật như dao, kéo, bật lửa, thuốc…

Ngoài ra, khi đến nhà người khác, trẻ cần chủ động nói ra đề nghị hay yêu cầu trợ giúp nếu có nhu cầu riêng. Đây được xem là một kỹ năng quan trọng để giúp trẻ tự tin và an toàn khi ở một nơi không phải nhà mình. Trẻ có thể có những nhu cầu riêng như cần đi vệ sinh, nước uống, hay trợ giúp trong việc di chuyển. Vì vậy, cha mẹ cần hướng dẫn con cách chủ động nói ra lời yêu cầu lịch sự, thân thiện, như: “Xin lỗi, con cần đi vệ sinh. Làm ơn chỉ cho con phòng vệ sinh được không?”.

Theo cô Mai Chi, việc cha mẹ tôn trọng không gian riêng của con đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của trẻ. Song song đó, phụ huynh cũng cần giúp con có những kỹ năng tôn trọng không gian riêng của người khác.
Chia sẻ