Tôi đi xin học mầm non cho con
Cứ tưởng đối với bậc mầm non thì việc cho bé đi học sẽ đơn giản và dễ dàng. Nhưng thật không ngờ...
Con trai được 19 tháng tuổi. Vì hoàn cảnh gia đình, tôi tính chuyện cho cháu đi học để bố mẹ yên tâm công tác.
Khác với tâm lý của nhiều phụ huynh phải cho con học trường điểm, trường nổi tiếng..., tôi nghĩ ngôi trường tốt nhất đối với bé là trường ở gần nhà mình. Vì thế tôi chọn một trường công lập nằm ngay trong địa bàn phường.
Thất vọng với trường công
Nhưng... “Trường không có lớp dành cho bé từ 18-24 tháng tuổi em ơi. Lớp nhỏ nhất ở đây từ 25 tháng trở lên, khi bé đã biết ăn cơm hột rồi” - câu trả lời của cô hiệu trưởng khiến tôi thất vọng. Vậy là niềm mơ ước cho con đi học gần nhà đã không thành hiện thực.
Chấp nhận cho bé đi học xa hơn một chút nhưng tất cả các trường công lập trên địa bàn các phường Bình Trưng Đông, Bình Trưng Tây, An Khánh, Bình Khánh... (Q.2, TP.HCM) đều “không nhận trẻ dưới 2 tuổi”.
Giờ ăn sáng của học sinh độ tuổi từ 12-18 tháng tại Trường mầm non 27, Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Việc con được học ở trường công lập là mơ ước của nhiều phụ huynh - Ảnh: Hoàng Hương
Về nhà, tôi cứ băn khoăn mãi. Gọi điện hỏi thăm chị bạn thân hiện đang làm việc trong ngành giáo dục mầm non thành phố, chị thành thật: “Trường mầm non quá tải là tình hình chung của cả thành phố từ mấy năm nay rồi. Tuy nhiên, nhiều trường không quá tải vẫn ngại mở lớp nhà trẻ. Từ hiệu trưởng đến giáo viên ai cũng ngại cả. Vì giữ học sinh nhóm nhỏ rất vất vả, nguy cơ xảy ra tai nạn cao trong khi học phí như nhau”.
Chị cho biết thêm: “Hiện nay bậc mầm non chỉ phân biệt hai nhóm học phí: học phí dành cho học sinh mẫu giáo từ 3-5 tuổi và học phí dành cho học sinh nhà trẻ từ 3-36 tháng tuổi. Hai nhóm trẻ này lại đóng học phí bằng nhau. Chưa kể lớp nhà trẻ lớn (từ 25-36 tháng tuổi) mỗi giáo viên sẽ phụ trách 12 học sinh (theo quy định của Bộ GD-ĐT) nhưng lớp nhỏ (12-18 tháng tuổi) thì một giáo viên chỉ nhận tối đa sáu học sinh. Học phí như nhau, số học sinh/lớp ít đi đương nhiên nguồn thu sẽ giảm, kéo theo thu nhập của giáo viên cũng giảm (chưa tính đến sự vất vả, rủi ro ở lớp nhà trẻ luôn cao hơn lớp mẫu giáo). Ngay cả chị đây cũng... ngại lắm”.
Tôi... “chạy” trường
Thế là tôi đành phải chạy sang quận kế cận - Q.1. Đổ dốc cầu Thủ Thiêm, quẹo vào đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, gặp ngay một trường mầm non công lập. Rất lịch sự, cô hiệu trưởng kéo ghế mời tôi ngồi. Nhưng tôi chưa nói dứt câu “Nhà em ở Q.2...” cô đã lắc đầu.
Lại cầu cứu chị bạn một lần nữa, chị khuyên: “Đã chạy trường thì chạy vào trường lớn cho bõ công chứ”. Và ngay trong ngày hôm đó, chị báo tin: “Trường X có một học sinh vừa mới nghỉ học, làm hồ sơ cho bé ngay đi - nộp vào để thế chỗ”. Tôi nghe như mở cờ trong bụng, trường X là một trường nổi tiếng của TP.HCM.
Nhờ chị bạn giúp đỡ, tôi nhanh chóng nộp hồ sơ cho bé. Sau ngày đầu tiên đến trường chơi, khi về nhà con trai tôi nằm sóng soài ra giường và than mệt mỏi. Thấy thương quá! Bé ngồi xe máy vừa đi vừa về gần 23km còn gì (trường X nằm trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.1).
Không đủ “lực” vào trường tư
Tôi đành xin rút hồ sơ ở trường X và bắt đầu hành trình tìm hiểu về các trường tư trên địa bàn quận nhà. Đi tới đi lui cuối cùng cũng chấm được hai trường có thể gửi con. Nhưng hỡi ôi, học phí được tính bằng USD thì lương công chức của vợ chồng tôi không kham nổi.
Còn những trường có mức học phí nằm trong khả năng của tôi (mặc dù so sánh vẫn cao gấp 2-3 lần học phí trường công lập) lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho trẻ. Đặc điểm dễ nhận thấy nhất ở các trường tư thục (có mức học phí “tầm tầm” từ 600.000-1.600.000 đồng/tháng/học sinh) là số học sinh rất đông so với giáo viên.
Ông xã tôi an ủi: “Tiền nào của nấy thôi, học phí thấp thì làm sao chủ trường đầu tư cơ sở vật chất đúng chuẩn được. Nếu thuê nhiều giáo viên thì tiền đâu chủ trường trả lương cho họ”. Chẳng biết có phải lý do này mà thời gian gần đây xảy ra hàng loạt vụ tai nạn làm tử vong trẻ mầm non tại các trường tư thục?
Thế là đến bây giờ, con tôi vẫn... ở nhà.
Tuổi Trẻ