Toát mồ hôi vì bài tập của con

,
Chia sẻ

Để hoàn thành bức tranh có đề tài "Cảnh vui chơi của bé trong công viên" cho cô con gái học lớp 3, vợ chồng anh Phong phải vật lộn với giấy bút, màu vẽ hàng tiếng đồng hồ.

Anh hì hục vẽ vẽ, xóa xóa trên trang giấy trắng trong khi chị nhà một tay pha nước mát, một tay thấm mồ hôi cho chồng. Đứng bên cạnh là cô con gái rượu liên tục chỉ tay, hướng dẫn bố phải thêm bông hoa hay tô màu cho ông mặt trời để bức tranh hoàn chỉnh.

Giống như nhiều cặp vợ chồng khác, anh chị cũng bận bịu công việc cơ quan. Để tiện cho việc học hành của con, anh bàn với vợ thuê một cô gia sư để kèm cặp việc học của bé hàng ngày. Cô gia sư lại chỉ giỏi chuyên môn tiếng Việt, toán hay tiếng Anh, còn những bài vẽ thì cô cũng chịu.

Vì vậy, mỗi lần cô con gái phụng phịu vì không thể hoàn thành bức vẽ sáng sớm mai nộp cho cô giáo, vợ chồng anh lại dồn sức giúp con. Anh bảo: “Để con tự vẽ có khi hết buổi tối chưa xong. Thế thì còn đâu thời gian mà học tiếng Anh, học toán nữa. Chắc con mình cũng chẳng làm họa sĩ đâu, thôi bé cứ học tốt mấy môn kia là cả nhà yên tâm”.

Cùng quan điểm với anh Phong, anh Tuấn (30 tuổi, nhân viên PR) cũng hướng con đến những môn học chính, còn môn phụ, vợ chồng anh sẽ nhờ người làm giúp. Bên họ nhà anh Tuấn có cô cháu gái là sinh viên trường Mỹ Thuật. Thế là, mỗi lần bé trai học lớp 4 nhà anh có bài tập vẽ về nhà, anh lại phóng xe sang nhờ cô cháu (cách đó khoảng 15km).

Một lần, anh Tuấn từ nhà cô cháu về thì trời đổ mưa bất chợt, bài tập vẽ của con bị ướt hết. Không còn cách nào khác, anh đành chở con sang nhà cô cháu ngủ nhờ, chờ bài vẽ, để sáng sớm mai, bé còn có bài tập kịp nộp cho cô giáo.

Môn học chính cũng khiến bố mẹ choáng

Chị Linh (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) luôn phải mang bài tập toán của cô con gái học lớp 3 đến công ty nhờ đồng nghiệp giải hộ. Nếu không, chị cũng đành tốn tiền gọi điện cho cậu em trai đang du học bên Singapore để nhờ giúp đỡ.

Có lần, bé Quỳnh – con gái chị khóc lóc trách mẹ giải toán sai. Bé còn bắt đền mẹ vì bị cô giáo mắng ở lớp. Xem xét một hồi, chị mới tìm ra nguyên nhân xuất phát từ cách giải của anh bạn đồng nghiệp được cho là thông minh nhất phòng. Anh này bê nguyên ẩn số x, y để giải toán trong khi bé mới chỉ làm quen với số học. Chủ quan, chị Linh cũng không xem lại, kết quả mới thành ra thế.

Chị Đào (Quận Thanh Xuân) luôn phải vác vở tập làm văn của cậu con trai học lớp 5 sang hàng xóm, họ hàng để “xin mỗi người một ý tưởng”. Kết quả bài văn của bé thường có cái mở bài của bác họ, thân bài của cô ruột còn kết luận của anh trai. Chị than thở: “Bài làm văn của con khó kinh khủng. Mình ngồi nghĩ mãi không ra ý tưởng nào để tả mùa xuân hay loại trái cây mà em yêu thích”.

Một lần cả nhà lớn tiếng với nhau vì không tìm ra loại quả nào để tả trong bài tập làm văn của con. Bố thì thích tả quả na trong khi ông bà gợi ý nên viết về quả bưởi, còn bé cứ nhất quyết buộc mẹ phải tả quả nho (vì bé thích ăn loại quả này).

Không nên 'hại' bé như vậy

Tình trạng giúp bé làm hộ bài tập về nhà khá phổ biến ở các bậc cha mẹ. Nhiều cha mẹ thường giành thời gian giúp con hoàn thành những bài tập thủ công vì cho rằng những môn học này không quan trọng. Làm như vậy, bé cũng sẽ hình thành thói quen coi thường những môn phụ hoặc ỷ lại vào cha mẹ nên không tự mình suy nghĩ, tư duy.

Việc hướng dẫn con học đòi hỏi có nghiệp vụ chuyên môn, sư phạm rõ ràng. Nếu cha mẹ có kỹ năng dạy bé, chỉ nên dừng lại ở mức độ giảng giải để bé hiểu và tự làm. Nên bố trí, sắp xếp thời gian biểu hợp lý để bé có thể hoàn thành khối lượng bài tập cô giáo giao về nhà đúng thời hạn. Trường hợp, gia đình thuê gia sư kèm cặp bé, cha mẹ cũng nên thường xuyên kiểm tra, động viên việc học hành của con.
Theo Mẹ&bé
Chia sẻ