Tìm hiểu giác quan của trẻ sơ sinh

,
Chia sẻ

Thật khó để chúng ta biết được chính xác cảm giác của một đứa trẻ mới sinh là gì nhưng nếu bạn chú ý hơn về chúng thì chắc chắn bạn sẽ biết được nhiều điều thú vị.

Trong những tuần đầu mới sinh, bạn chỉ thấy trẻ nhỏ chỉ biết ăn, ngủ, khóc… Thực tế tất cả những giác quan của chúng vẫn hoạt động bình thường. Vậy chúng ta cùng khám phá những giác quan của trẻ sơ sinh xem chúng thế nào.

Thị giác

Lúc mới sinh bé chỉ có thể nhìn khoảng cách xa nhất từ 8 đến 14 inch (khoảng 20,32cm đến 35,56cm) và tập trung khi nhìn chằm chằm vào cánh tay của bố hoặc mẹ. Trẻ có thể nhìn xa hơn nhưng khó tập trung vào những đối tượng ở khoảng cách quá xa. Tuy nhiên, ánh sáng từ cửa sổ đằng xa vẫn có thể lọt vào mắt bé.

Mặt người, ánh sáng và sự chuyển động của đồ vật là những điều một đứa trẻ sơ sinh thích nhìn nhất. Những đường nét thậm chí thô ráp trên khuôn mặt, trên mắt, mũi và miệng của người đối diện khiến trẻ chú ý nếu khoảng cách vừa đủ nhìn.

Trong vài tháng tiếp theo, cơ mắt trẻ sẽ khoẻ mạnh hơn và trẻ có thể nhìn được khoảng cách xa hơn. Những thiên thần nhỏ mới sinh thường thích nhìn những màu sắc trái ngược hơn là nhìn nhiều màu sắc cùng một lúc. Ví dụ, những bức tranh đen trắng hoặc đồ chơi với hai màu đối nhau sẽ làm bé thích thú hơn những bức tranh nhiều màu đa dạng.

Với độ tuổi này, bạn có thể cho con mình học cách quan sát những điều xung quanh, nhưng đừng cố gắng bắt ép trẻ nếu chúng tỏ ra không thích. Và bạn phải biết ước lượng thời gian để trẻ không bị mỏi mắt. Đừng quên di chuyển vị trí con hàng ngày để cung cấp nhiều sự thay đổi về cảnh cho bé.

Thính giác

Hầu hết trẻ sơ sinh đều có khả năng nghe trước khi sinh ra và trước khi ra viện. Nếu con bạn không có khả năng này thì bạn phải hết sức chú ý đến trẻ trong những tháng đầu đời. Những đứa trẻ sinh ra bị khiếm thính có thể được chuẩn đoán ngay từ lúc mới sinh qua việc lắng nghe cảnh vật xung quanh.

Ở một vài trường hợp, khiếm thính là nguyên nhân của những điều như nhiễm trùng, tổn thương về tinh thần hoặc bị hỏng thính giác vì những mức độ âm thanh quá ồn. 

Nhưng đại đa số các bé yêu có khả năng nghe và cảm nhận âm thanh ngay từ trong bụng mẹ. Chúng nghe nhịp tim của mẹ, nghe tiếng òng ọc của hệ tiêu hoá và thậm chí nghe được những âm thanh bên ngoài của mẹ và những người trong gia đình. Chính vì vậy, trong quá trình mang thai, bạn vẫn có thể trò chuyện với trẻ.
 

Khi đứa trẻ sinh ra, những âm thanh của thế giới bên ngoài trở nên to và rõ ràng hơn. Trẻ có thể bị giật mình vì những tiếng động lớn ví dụ như tiếng chó sủa, tiếng máy hút bụi, tiếng đóng cửa mạnh…

Tuy còn nhỏ nhưng trẻ dường như cũng cố gắng hiểu được âm thanh của bố mẹ. Âm thanh con người, đặc biệt là của bố và mẹ là loại “âm nhạc” ưa thích nhất của trẻ. Nếu quan sát cách bé lắng nghe bạn sẽ thấy điệu bộ của bé rất chăm chú và đáng yêu. Lúc này con bạn đã biết nghe và xác định được nơi bạn đặt thức ăn. Nếu thấy bé khóc trong xe đẩy, bạn phải nhanh chóng xem bé có chuyện gì, có thể vì bé không chịu được sự yên lặng hoặc cũng có thể bé bị tiếng ồn ảnh hưởng.

Vị giác và khứu giác

Chúng ta phải thừa nhận việc trẻ sơ sinh có thể ngửi vì chúng ta biết chúng biết nếm mùi vị thức ăn, đây là hai giác quan có liên quan mật thiết với nhau. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng những đứa trẻ mới sinh thích nếm vị ngọt và chúng thường chọn bú loại sữa có vị ngòn ngọt hoặc bật khóc vì ăn phải cái gì đó có vị đắng hoặc chua.

Trong 6 tháng đầu đời, trẻ nhỏ cần nhiều dinh dưỡng từ sữa mẹ hoặc sữa bột. Đây là những loại thức ăn “lỏng” tốt nhất cho trẻ và trẻ cũng thích ăn vì chúng có vị ngọt. Và cũng chính lý do thích đồ ngọt nên bạn dễ dàng cho trẻ tiếp cận với thức ăn ngoài sữa như rau quả ngọt ví dụ cà rốt hoặc khoai tây ngọt. Khi con bạn đủ cứng cáp, bạn hãy cho bé thử các vị khác nhau để trẻ phát triiển hết được các chức năng cũng như hoàn thiện sở thích của mình về các mùi vị trong các loại đồ ăn khác nhau.

Xúc giác

Đối với loài người, đặc biệt là với trẻ sơ sinh, xúc giác đóng vai trò khá quan trọng. Thông qua xúc giác, bé học được nhiều điều xung quanh. Trước tiên, bé biết xác định chỗ nào mềm mại, êm ái với mình. Trước khi sinh, bé được “ẩn náu” trong bụng mẹ nên luôn có cảm giác ấm áp và dễ chịu, chính vì vậy khi ra ngoài bụng mẹ, lúc đầu các bé thường có cảm giác bị lạnh và cảm giác khó chịu khi phải mặc quần áo.

Cơ quan xúc giác của trẻ như muốn mách bảo bố mẹ hãy cho trẻ nằm ở chỗ mềm mại, hãy ôm bé nhẹ nhàng và hãy chăm sóc bé khéo léo. Với mỗi sự tiếp xúc một đứa trẻ mới trào đời sẽ học thêm những điều khác nhau về cuộc sống xung quanh. Bạn biết không, những cái hôn ngọt ngào bạn dành cho trẻ chính là một cách tiếp xúc nhẹ nhàng và tạo cho bé có cảm giác thế giới tuyệt vời thế nào.

Mối quan tâm của bố mẹ?

Nếu bạn chỉ muốn yên tâm rằng các giác quan của con mình vẫn hoạt động tốt thì bạn có thể làm một vài kiểm tra đơn giản như sau. Bạn cầm một ánh đèn giơ trước mặt bé rồi đưa qua đưa lại. Trong khoảng từ 4 đến 8 tuần, mắt trẻ sẽ bắt đầu theo dõi ánh sáng di chuyển qua lại. Nếu thị giác của bé hoạt động bình thường, bé sẽ chú ý ngay vào vật bạn cầm đung đưa trước mặt. Bạn đừng lo lắng nếu trẻ chỉ tập trung quan sát được một lúc vì cơ mắt trẻ chưa hoàn thiện nên chúng không thể nhìn quá lâu.

Tuy nhiên, bạn phải ngay lập tức đưa trẻ đến bác sỹ nếu bạn có cảm giác không tin tường vào thị giác của con mình. Ví dụ, bạn hãy nói ngay với bác sỹ nếu mắt trẻ xuất hiện vẩn đục hoặc có màng mờ mờ.

Nếu bạn muốn kiểm tra thính giác của trẻ, hãy tạo một tiếng ồn nào đó trong khi bạn đứng đằng sau quan sát trẻ. Trong trường hợp, bạn không thấy con mình phản ứng thì cũng đừng lo lắng quá vì có thể lúc đó bé đang tập trung quan sát một điều gì đó khác mà không để ý đến những điều bạn làm. Với tình huống đó, bạn hãy  kiên nhẫn làm lại.

Một cách khác để kiểm tra thính giác của bé yêu là xem bé có ngừng khóc khi nghe thấy tiếng vỗ về hoặc nghe thấy âm thanh quen thuộc của bố mẹ hay không. Vì đối với trẻ, âm thanh quen thuộc dễ làm chúng chú ý nhất là giọng nói của bố mẹ.

Hoàng Ngân
Theo Kids
Chia sẻ