Tiến sĩ Diêu Lan Phương: Để trẻ thích đọc sách cũng phải có bí quyết

Diêu Lan Phương (Tiến sĩ Văn học, Giảng viên Đại học KHXH,
Chia sẻ

Trong rất nhiều "bí kíp" giúp trẻ thích đọc sách thì phần chọn sách cũng vô cùng quan trọng.

Trong hành trình của một đời người, ai ai cũng cần phải thích nghi với sự thay đổi, sự phát triển của xã hội, và đa số ai ai cũng có khát vọng tìm hiểu thế giới… Với những người muốn làm chủ cuộc đời mình, việc học không thể chỉ dừng lại trên ghế nhà trường. Tự học và học tập suốt đời chính là điều kiện để một cá nhân và cả xã hội thành công. Và thói quen đọc sách chính là điều quan trọng nhất để có được khả năng đó.

Đọc sách là cách giải trí tích cực; đồng thời đó cũng là công cụ tri nhận tri thức hữu hiệu, là biện pháp bồi dưỡng năng lực cảm thụ văn chương, giúp trẻ phát triển tư duy ngôn ngữ và làm giàu vốn sống. Đọc quan trọng như vậy, nhưng trong thời đại 4.0 ngày nay trẻ em (và cả chúng ta) có dành nhiều thời gian để đọc không? Có phải việc luyện chữ, tập chép, làm toán, học thuộc lòng 8-10 tiếng ở trường… đã chiếm hết thời gian của con chúng ta hay không? Và cuối cùng, khi đứa trẻ đến khoảng 9-10 tuổi, khi thói quen đã trở thành cố định, việc uốn nắn trở nên khó khăn vạn lần. Cho nên, ngay từ lúc 1-2 tuổi, bố mẹ hãy dành thời gian đọc sách cùng con trước khi đi ngủ. Thực tế, không phải bé nào cũng hào hứng với việc này ngay từ đầu, nhưng dần dần sẽ trở thành thói quen…

Tiến sĩ Diêu Lan Phương: Để trẻ thích đọc sách cũng phải có bí quyết - Ảnh 1.

Một số tác phẩm văn học nhi đồng của các tác giả đương đại nổi tiếng trên thế giới được xuất bản gần đây.

Trong rất nhiều "bí kíp" giúp trẻ thích đọc sách thì phần chọn sách cũng vô cùng quan trọng. Chọn sách cần chú ý đến những yếu tố sau:

Chọn sách phù hợp với mức độ nhận thức của trẻ, cả về nội dung và dung lượng. Hệ thống sách ở Việt Nam thường chia theo lứa tuổi – đó là một kênh tham chiếu phổ biến, tuy nhiên, mỗi đứa trẻ đều có những đặc trưng riêng về tư duy, vì vậy, sự phân định theo trình độ/ level là rất cần thiết. Ở độ tuổi nhi đồng, các cuốn sách có tranh, ít chữ, dung lượng vừa phải thường trẻ sẽ thích thú hơn. Thông thường, trẻ 1-2 tuổi dung lượng sách là vài chữ đến 2 dòng/ trang; ở độ tuổi 2-4 khoảng 2-4 dòng/ trang; ở độ tuổi 5-6 trung bình khoảng 5-6 dòng (khoảng 100 chữ)/ trang; từ 6-10 tuổi rất nhiều trẻ đã đạt được "tự do" trong việc đọc, lúc này trẻ đã có thể "ngốn" những cuốn sách có số chữ chiếm ½ trang, thậm chí sách hoàn toàn là chữ. Khi trẻ đã có thói quen đọc, thì khoảng 10 tuổi trở lên, các bạn ấy đã đọc rất thuần thục và đủ khả năng để chinh phục được tất cả các cuốn sách phù hợp với đam mê và mục tiêu của mình.

Việc đọc đương nhiên tùy thuộc vào mỗi đứa trẻ, bố mẹ nên xem xét mức độ nhận thức của con để chọn sách có dung lượng và nội dung phù hợp. Ngoài ra, việc chọn sách cũng nên để ý thêm những điều sau:

Thứ nhất: Chú ý đến sở thích của trẻ. Mỗi đứa trẻ có thể sẽ có những sở thích riêng, vì vậy, lúc mới bắt đầu, nên quan sát trẻ để chọn được dòng sách/ chủ đề sách mà trẻ thích thú. Ngoài ra, đặc trưng tư duy của trẻ cũng là yếu tố tham chiếu cho bố mẹ; đó là: tư duy của trẻ em mầm non là trực quan – hình ảnh; tư duy của trẻ cấp 1 là trực quan – cụ thể. Vậy, nghĩa là đa số trẻ em ở độ tuổi nhi đồng đều thích những cuốn sách sinh động, nhiều màu sắc và hình ảnh, câu chuyện gần gũi, sống động, dễ hiểu.

Tiến sĩ Diêu Lan Phương: Để trẻ thích đọc sách cũng phải có bí quyết - Ảnh 2.

Ngay từ lúc 1-2 tuổi, bố mẹ hãy dành thời gian đọc sách cùng con trước khi đi ngủ (Ảnh minh họa).

Thứ hai: Ngày nay, có rất nhiều thể loại sách và rất nhiều lĩnh vực, tuy nhiên chúng ta đừng bao giờ bỏ qua sách văn học. Bởi vì ngoài phương diện cung cấp tri thức, sách văn học còn có tác dụng to lớn trong việc kích thích trí tưởng tượng, liên tưởng, khơi gợi lòng đồng cảm và trắc ẩn. Với tư cách là "nghệ thuật ngôn từ", ngôn từ trong sách văn học cũng thường là ngôn từ trau chuốt và sáng tạo; thế nên không ở đâu người đọc lại được tiếp xúc với lượng ngôn từ phong phú và sáng tạo như trong các tác phẩm văn học. Hơn nữa, bản chất của văn học là luôn hướng con người đến Chân, Thiện, Mỹ, đến cái Đẹp; vì thế, quá trình đọc, cũng là quá trình hình thành nhân cách, quá trình trẻ được bồi đắp tâm hồn và xúc cảm, giống như trong tác phẩm Cuốn sách và giỏ đựng than viết "Có thể cháu không hiểu hoặc không nhớ được mọi thứ, nhưng khi cháu đọc, sách sẽ thay đổi cháu từ bên trong tâm hồn, như nước đã làm sạch giỏ than kia vậy".

Tiến sĩ Diêu Lan Phương: Để trẻ thích đọc sách cũng phải có bí quyết - Ảnh 3.

Ngày nay, có rất nhiều thể loại sách và rất nhiều lĩnh vực, tuy nhiên chúng ta đừng bao giờ bỏ qua sách văn học (Ảnh minh họa).

Thứ ba, với các cuốn sách kinh điển, có thể đã được sáng tác từ các thế kỷ trước, hãy cho trẻ đọc càng sớm càng tốt. Bởi vì ở lứa tuổi nhi đồng đa số trẻ em các thời đại đều có nhiều điểm chung và chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi xã hội đương đại – khi các giá trị cổ điển đã bị mai một hoặc trở nên lỗi thời – hoặc chúng ta cho là lỗi thời, nên chúng dễ hứng thú hơn với các tác phẩm của Hector Mallot, Jack London, L Tonxtoi, V. Huygo… ; điều này, khi càng lớn, có những trải nghiệm khác, khoảng cách với lịch sử càng xa thì người đọc lại càng khó đồng cảm và kết nối với thế giới đã được phản ánh trong các tác phẩm văn học kinh điển. Ngày nay, để rút ngắn những "khoảng cách lịch sử", sách văn học của các nhà xuất bản cũng thường có tranh minh họa rất sinh động, cụ thể, hấp dẫn, giúp cho lứa tuổi nhi đồng tiếp cận dễ hơn.

Nhà văn Voltaire từng viết "Những gì sách dạy chúng ta cũng giống như lửa. Chúng ta lấy nó từ nhà hàng xóm, thắp nó trong nhà ta, đem nó truyền cho người khác và nó trở thành tài sản của tất cả mọi người". Đọc – không chỉ làm cho chúng ta giàu có về trí tuệ mà còn giúp chúng ta giàu có về tâm hồn và cả tiền bạc nữa.

Hơn thế, đọc làm cho chúng ta thoát khỏi cô đơn. Bởi vì chúng ta luôn tìm được người bạn đồng hành ở những cuốn sách!

Chia sẻ