Thuốc kích trẻ ăn: ảo tưởng!
Đã có rất nhiều ý kiến về việc sử dụng thuốc kích thích ăn cho trẻ. Thực chất có thuốc kích thích ăn hay không?
Thức ăn cần hợp khẩu vị của trẻ, chứ không phải khẩu vị của mẹ. Ảnh: Phan Quang
|
Trong lĩnh vực dinh dưỡng và y học thì không có tên thuốc cụ thể nào dùng trị chứng biếng ăn của trẻ, vì có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn. Do vậy, phải tìm đúng nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn thì cho thuốc mới đúng bệnh. Có thể kể đến những nguyên nhân sau:
Biếng ăn do khẩu vị không hợp: trường hợp này hay gặp ở trẻ ăn giặm. Trẻ thường thích ăn lạt nhưng các bà mẹ hay nêm mắm muối theo khẩu vị của mình, do đó trẻ từ chối thức ăn. “Thuốc” lúc này là hãy tìm ra sở thích của trẻ, trẻ thích ăn gì thì nêm thứ đó.
Biếng ăn do thiếu chất dinh dưỡng: như thiếu máu, thiếu kẽm, thiếu vitamin… “Thuốc” lúc này là những loại thuốc bổ. Tuy nhiên, phải biết chính xác trẻ thiếu chất gì, nếu ta “bổ” cái trẻ không thiếu thì trẻ sẽ biếng ăn hơn. Khi uống đúng loại thuốc, trẻ sẽ ăn ngon miệng, nhưng những loại thuốc này cũng không gọi là “thuốc kích thích ăn” mà chỉ gọi là thuốc bổ (bổ sung vitamin và muối khoáng) mà thôi.
Biếng ăn do tâm lý: trẻ biếng ăn do bữa ăn không vui vẻ (phải ăn một mình, luôn bị doạ nạt, la mắng thậm chí đánh đòn), làm trẻ ức chế cứ tới bữa là muốn ói, không nuốt được…; hoặc trẻ có cảm giác bị bỏ rơi (mẹ đi làm sớm, hoặc không có thời gian tiếp xúc với con); hoặc trẻ có cảm giác được cưng chiều (bữa ăn là công cụ trẻ trừng phạt hay khen thưởng người khác…) “Thuốc” lúc này là hãy quan tâm đúng mức tới trẻ, tạo một bữa ăn vui vẻ có không khí gia đình…
Biếng ăn bệnh lý: tức trẻ bị bệnh biếng ăn thật sự, thường được cho là cơ chế thần kinh. Bệnh nhân bị suy dinh dưỡng và không có biện pháp nào trong các biện pháp kể trên có thể cải thiện tình trạng của trẻ. Những trẻ này cần được theo dõi và điều trị trong bệnh viện.
Qua những nguyên nhân trên, ta thấy “thuốc” trị biếng ăn rất khác nhau. Không có một thuốc nào kích thích trẻ ăn được cho mọi trường hợp. Tuy nhiên, có một số thuốc dùng điều trị những bệnh khác như dị ứng (Peritol), nội tiết (corticoides) có tác dụng phụ làm cho thèm ăn. Nhưng, những tác dụng này sẽ không còn khi ngưng thuốc và nếu dùng lâu dài không đúng chỉ định của bệnh chính thì sẽ không tốt cho sức khoẻ của trẻ (chậm lớn, loãng xương, phù…)
Vì vậy, khi trẻ biếng ăn, ta nên đưa trẻ đi khám chuyên khoa dinh dưỡng để tìm ra giải pháp tốt nhất. Không nên tự động mua thuốc kích ăn, có thể tiền mất, tật mang.
Trưởng khoa dinh dưỡng,
bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM