Thuê vệ sĩ để cản con yêu sớm

,
Chia sẻ

Vì "tội" có người yêu, Ngọc Anh không được phép tự đạp xe đi học nữa. Hằng ngày, vệ sĩ "áp tải" cô bé đến trường, rồi ngồi uống nước chè ở cổng để canh chừng và chờ đón về.

Sợ con yêu sớm chẳng may "lỡ dại", hoặc chí ít cũng ảnh hưởng học hành là nỗi lo của hầu hết phụ huynh. Để đối phó, nhiều ông bố bà mẹ có những giải pháp rất "mạnh tay".

Thuê người "canh" con

Anh Tâm, một thương gia ngành xuất khẩu hải sản ở quận Hải Châu, Hải Phòng, chỉ có một cô con gái đang học lớp 11. Vợ chồng anh mong ước con học hành đến nơi đến chốn để tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình. Cô bé Ngọc Anh cũng luôn đứng nhất nhì lớp về thành tích học tập, nhưng bước vào năm học lớp 11, vợ chồng Tâm nhận thấy ở con gái có sự thay đổi khá lớn. Cô bé khó bảo hơn, kết bạn nhiều hơn và có vẻ sao nhãng việc học. Tâm càng lo khi một lần bắt gặp con gái ngồi sau xe của một bạn trai khoá trên một cách khá thân mật. Lo con gái hẹn hò yêu đương sớm, anh chị áp dụng ngay “biện pháp mạnh” và tốn kém: thuê vệ sĩ kèm con suốt ngày để hạn chế tiếp xúc với cậu bạn kia.

Từ đó, Ngọc Anh không được tự đạp xe đến trường như trước mà có “vệ sĩ” đưa đón hằng ngày. Sau khi cô bé  vào lớp, anh chàng này có nhiệm vụ ngồi… uống trà đá ngay cổng trường để canh gác, đảm bảo là cô bé không trốn ra ngoài đi chơi giữa giờ học. Giờ tan trường, Ngọc Anh vừa ra đến cổng là chàng vệ sĩ đã chờ sẵn chở thẳng về nhà.

Không nên cấm đoán khi biết con yêu. Ảnh minh họa: Zing.

Không có tiền thuê hẳn vệ sĩ như anh Tâm, chị Yến (Cầu Giấy, Hà Nội) lại “nắm tình hình” của Thu, cô con gái học lớp 12, bằng cách “moi tin” từ bạn bè cô bé. Nỗi lo xuất hiện khi chị thấy cô con gái có “hiện tượng lạ” là hay nói chuyện điện thoại khuya với một cậu bạn học. Mẹ hỏi thì Thu bảo là trao đổi bài vở, nhưng chị Yến không yên tâm được khi thấy con ôm điện thoại thủ thỉ cả tiếng đồng hồ lúc nửa đêm. Thế là ngoài việc đốc thúc, hai vợ chồng còn thay nhau đưa đón con đi học, dù lịch học thêm dày đặc. Chị Yến còn nói chuyện với cô bạn thân của Thu, nhờ cô bé ấy cung cấp tin về mọi hoạt động ở trường của con gái, đổi lại là một vài món quà nho nhỏ mà cô bé thích.

Thế là mọi diễn biến trong ngày của Thu đều được cô bạn kia thông tin cho chị Yến qua tin nhắn vào cuối ngày. Từ thông tin đó, ngày nào chị cũng tra hỏi, căn vặn con: Sao con lại ngồi một mình cùng thằng A trong lớp khi các bạn khác ra sân chơi?”, "Tại sao dám trốn tiết đi chơi?”, “Tại sao lớp được nghỉ tiết mà muộn con mới về nhà?”…

“Đánh chặn” từ xa

Cách làm của chị Thùy An (đường Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) ngay lập tức có hiệu quả “chặn đứng” tình cảm mới chớm của cậu con trai nhưng cũng làm đông cứng luôn tình cảm mà con dành cho mình.

Thấy trong cặp con trai, đang học lớp 9, có lá "thư tình" của một cô bạn gái, Thùy An “sôi lên sùng sục", lôi ngay con vào "xạc" cho một trận, tra hỏi cho “ra ngô ra khoai” xem đầu đuôi câu chuyện ra sao. Chị mắng nhiếc con “mới có tí tuổi đầu mà đã yêu mới chả đương thì còn học hành nỗi gì". Cậu bé cúi đầu chịu trận và hứa sẽ không liên lạc với cô bạn kia nữa. 

Vẫn chưa yên tâm, hôm sau chị An dò hỏi địa chỉ nhà cô bé kia rồi ngay tối đó, chị đến tận nhà gặp bố mẹ cô bé nói chuyện với “tang chứng vật chứng” là lá thư tình. Cô bé đã phải ngồi nghe chị giáo huấn ngay trước mặt cha mẹ. Thậm chí bố mẹ cô bé cũng được Thùy An cho “vài lời dặn dò” là phải nghiêm khắc và quan tâm đến con hơn.

Kết quả, con trai chị An vì quá sợ mẹ đã không dám liên lạc gì với cô bạn nữa. Còn cô bé kia cũng quá xấu hổ mà xin chuyển trường dù năm học sắp kết thúc. Dù đã diệt được "họa yêu đương", năm đó kết quả học tập của con trai An tụt thê thảm. Cậu trở nên lầm lì, không chịu nói chuyện gì với mẹ nữa.

Dọa "xử" bạn trai của con

Xem trộm tin nhắn điện thoại và nội dung "chat chit" trên mạng của cô con gái học lớp 10, chị Mai (Tây Hồ, Hà Nội)
phát hiện ra cô bé có người yêu, một sinh viên năm thứ ba. Chuyện này làm Mai lo lắng đến phát sốt, bởi hằng ngày vẫn đọc bao nhiêu bài báo về các cô gái lỡ dại phải đi phá thai, hay bị lạm dụng tình dục, thậm chí còn bị chính người yêu cùng lũ bạn cưỡng hiếp tập thể. Trong khi đó, con gái chị lại sớm phổng phao, mặt đã xinh mà lúc nào cũng tươi cười hớn hở. Mai cảm thấy nếu mình không "ra tay" thì con sẽ nguy mất.

Lấy được số điện thoại bạn trai của con, Mai gọi điện ngay cho anh chàng. Sau khi giới thiệu, chị dằn mặt luôn: "Cháu có biết em Diễm chưa đầy 16 tuổi không? Cháu có biết nếu có chuyện gì giữa hai đứa thì cháu sẽ phải ra tòa với tội hiếp dâm trẻ vị thành niên không?". Cậu sinh viên ú ớ mãi mới thốt ra được: "Nhưng bọn cháu đâu có làm gì ạ?". "Chuyện đó cháu không thể đảm bảo được, cô cũng không tin được. Cô yêu cầu cháu không được gặp em Diễm nữa. Nếu không, cô sẽ buộc phải ra tay trước, sẽ buộc phải có biện pháp mạnh để ngăn ngừa hậu quả".

Sau đó, thấy con gái bỏ ăn bỏ ngủ vì thất tình, chị Mai hài lòng biết sự can thiệp của mình đã có kết quả.

Tìm cách "chống" bố mẹ

Hầu hết các teen đều cho rằng sự can thiệp thô bạo của bố mẹ vào chuyện tình cảm của con là biểu hiện thiếu tôn trọng, thậm chí là xúc phạm. Vì thế, các em tìm cách chống lại. Cô bé Ngọc Anh từ khi bị vệ sĩ kèm sát đã thay đổi tính nết. Từ chỗ biết vâng lời, cô bé trở nên ương bướng, hay cãi bố mẹ, càng được bố mẹ quan tâm hỏi han thì Ngọc Anh càng tỏ ra xa lánh. Cuối cùng cô bé vẫn tìm được cách “vượt ngục”, bỏ học trốn đi chơi. Có lần cô bé còn đi nhà nghỉ qua đêm với cậu bạn trước khi bị bố mẹ “áp tải” về nhà.

Còn Thu, con gái chị Yến, tâm sự: "Mẹ hôm nào cũng như công an hỏi cung hết mọi hoạt động trong ngày của cháu nên nhiều khi tan học, cháu không muốn về nhà nữa. Vì chỉ cần hình dung mẹ đang đứng chờ ở cửa với hàng loạt câu hỏi 'tại sao' là cháu đã căng thẳng". Có những lúc Thu buông xuôi, cố tình đi chơi với bạn trai thật muộn mới về, vì "đằng nào chả bị hoạnh họe kia chứ".

Các chuyên gia tâm lý đều cho rằng, việc trẻ vị thành niên có tình cảm với bạn khác giới là bình thường. Điều quan trọng mà phụ huynh cần làm là dạy cho con biết cách ứng xử đúng nhất với những tình cảm đó để không gây ảnh hưởng xấu, chứ không phải cấm đoán hay "ra tay" ngăn chặn. Ở độ tuổi này, nếu càng cấm đoán, càng làm căng thì các em càng tìm mọi cách để làm ngược lại.

Cách xử lý tình huống của chị Nhung, mẹ cô bé Ngân Khánh (nhà ở ngõ 192 Lê Trọng Tấn, Hà Nội) có thể là một gợi ý. Ngân Khánh xinh xắn, học giỏi và hay tham gia các hoạt động tập thể nên được rất nhiều bạn trai để ý. Năm Khánh học lớp 11, biết con có cảm tình đặc biệt và hay đi chơi cùng cậu lớp trưởng, chị Nhung nhẹ nhàng thăm dò, hỏi han con. Chị hay hàn huyên với con vào buổi tối, từ chuyện học hành đến bạn bè, lại "vui miệng" kể những chuyện thời đi học của mình, kỷ niệm với các cậu bạn trai ngày xưa... và “cài” vào đó những đánh giá, định hướng. Khi được con gái tin cậy tâm sự chuyện tình cảm với cậu bạn lớp trưởng, Nhung bảo con mời bạn về nhà chơi. Qua tiếp xúc, chị khéo léo khuyên bảo, giảng giải cho cậu bạn kia để cả hai đứa biết cách giữ tình cảm trong sáng tuổi học trò, biến nó thành động lực để cùng học hành tiến bộ.

Chính nhờ sự tâm lý của mẹ mà Ngân Khánh gặp tình huống khó xử nào cũng về nhờ mẹ tư vấn. Cô bé và bạn trai vẫn giữ được tình cảm bạn bè trong sáng cho đến khi cả hai vào đại học. Và hiện tại, cậu bạn đó đã là chàng rể quý của chị Nhung. 
 
Theo Đất Việt
Chia sẻ