Thuế quan lên xuống như chơi yoyo, hơn 50.000 áo xuất sang Mỹ phải nằm ‘đắp chiếu’ trong kho, doanh nghiệp than trời

Y Vân,
Chia sẻ

Hãng may mặc nổi tiếng của Pháp gia nhập danh sách 'nạn nhân' của chính sách thuế quan bất định từ chính quyền ông Trump.

Thuế quan lên xuống như chơi yoyo, hơn 50.000 áo xuất sang Mỹ phải nằm ‘đắp chiếu’ trong kho, doanh nghiệp than trời - Ảnh 1.

Tại nhà máy dệt quy mô lớn ở vùng Normandy, Pháp, nơi hãng Saint James sản xuất các mẫu áo thủy thủ sọc xanh-trắng trứ danh, Giám đốc điều hành Luc Lesénécal đang đau đầu vì chính sách thuế quan bất định của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Saint James là thương hiệu biểu tượng của nước Pháp, với lịch sử hơn 130 năm. Sản phẩm của họ từng là đồng phục cho hải quân và quân đội Pháp, đồng thời trở thành biểu tượng thời trang sau khi được loạt ngôi sao như Brigitte Bardot, Pablo Picasso, Brad Pitt và George Clooney mặc.

Hơn 50.000 sản phẩm may sẵn, dự kiến xuất sang các chuỗi bán lẻ Mỹ như Nordstrom và J. Crew, hiện đang nằm “đắp chiếu” trong kho do lo ngại thuế nhập khẩu có thể tăng lên 50% nếu châu Âu không đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ trước hạn chót.

“Đây là kiểu chính trị ‘yo-yo’, lên xuống thất thường, khiến doanh nghiệp như chúng tôi không thể lên kế hoạch,” ông Lesénécal nói.

Thuế quan lên xuống như chơi yoyo, hơn 50.000 áo xuất sang Mỹ phải nằm ‘đắp chiếu’ trong kho, doanh nghiệp than trời - Ảnh 2.

CEO Saint James, Luc Lesénécal. Ảnh: NYT

Mỹ hiện áp thuế 10% đối với hầu hết hàng hóa nhập khẩu từ EU và chính quyền ông Trump liên tục đe dọa tăng thế lên 20% hoặc 50%. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp EU đã phải dừng đầu tư, xin miễn trừ thuế và tính đến việc tăng giá bán.

Với Saint James, mức thuế cơ bản đối với chiếc áo trị giá 139 USD ban đầu là 16,5%. “Thuế đã tăng lên 36,5% và lại giảm xuống 26,5% vào tuần sau đó. Chúng tôi tạm thời chấp nhận mức tăng này để không mất lòng các đối tác Mỹ, nhưng nếu tăng nữa thì rất khó trụ”, ông Lesénécal cho biết.

Việc mở nhà máy tại Mỹ là bất khả thi với thương hiệu gắn liền với di sản Pháp. “Giống như kiểu trồng nho Bordeaux ở California sẽ mất đi bản sắc vậy”, ông Lesénécal nói.

Thay vào đó, ông đã phải gửi thư đến các đối tác Mỹ, đề nghị rằng nếu thuế vượt quá mức hiện tại, phần chênh lệch sẽ do nhà bán lẻ chịu. Điều này có thể khiến một số khách rút đơn hàng.

Nếu thị trường Mỹ không còn hấp dẫn vì rào cản thuế, công ty có thể chuyển lượng hàng tồn kho sang các thị trường khác như Nhật Bản, nơi sản phẩm Saint James vẫn được ưa chuộng và không bị đánh thuế cao.

Dù doanh số từ Mỹ không lớn nhưng ông Lesénécal đã phải tạm dừng kế hoạch mở thêm 2 cửa hàng mới tại Mỹ, một phần vì rủi ro thuế, một phần vì USD suy yếu khiến xuất khẩu kém hiệu quả hơn.

“Tôi đang cân nhắc mở thêm cửa hàng tại những nơi có sự ổn định kinh tế cao hơn”, ông nói.

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và EU chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nhất là khi EU đã bị đánh thuế thép và nhôm ở mức 50% và có thể gánh thêm mức thuế ô tô 25%. Việc này đang khiến các nhà sản xuất như Saint James phải trả giá.

“Chúng tôi cần đặt mua chỉ cotton từ Australia và New Zealand cho kế hoạch sản xuất mùa xuân 2026,” ông Lesénécal nói. “Nhưng không biết tương lai thị trường Mỹ ra sao thì làm sao dám lên đơn?”

Tham khảo: NYT

Chia sẻ