"Thuần phục" đứa trẻ bướng bỉnh

,
Chia sẻ

Khi trẻ có những hành động và thái độ sai trái là khi chúng đang lạc hướng và rất cần sự quan tâm, uốn nắn của bố mẹ.

Đang trò chuyện, chị Khánh và chị Lan chợt nghe tiếng khóc từ phòng bọn trẻ. Cả hai chạy vội vào, vừa đến cửa đã nghe tiếng quát: Ai cho phép mày lấy con rô-bốt của tao. Mày mà còn đụng tới, tao đánh cho đấy!. Nam Anh, 8 tuổi, con trai chị Khánh đang chỉ tay về phía Tuấn, con chị Lan đầy vẻ hăm dọa.

Chị Khánh cảm thấy rất xấu hổ vì hành động và thái độ của con. Không hiểu sao dạo này thằng bé lại trở nên ương bướng, không biết vâng lời bố mẹ. Phải làm sao khi trẻ bắt đầu có dấu hiệu hư hỏng? Dưới đây là vài cách để bạn tham khảo.

1. Bày tỏ thái độ: Khi con có hành động và xử sự không hay, hãy cho bé biết đó là việc làm không tốt bằng một thái độ bình tĩnh. Đừng quát mắng và đánh con trước mặt khách.

Trong trường hợp của chị Khánh, chị nên đưa bé Anh đến một nơi kín đáo để khuyên bảo: “Mẹ biết con giận vì bạn Tuấn tự ý lấy món đồ chơi con quý nhất. Thế nhưng, con không nên nói những lời khó nghe như vậy. Mẹ rất xấu hổ với khách vì điều đó”.

Sau đó, chị cần giải thích cho con hiểu chia sẻ đồ chơi với bạn là một việc làm tốt. Sự ích kỷ sẽ làm cho chúng trở nên cô độc, không có bạn bè.

2. Dạy con nói lời hay ý đẹp: Khi trẻ nói bậy, nói hỗn, bạn phải lập tức giúp trẻ điều chỉnh ngay. Hãy cho con biết rằng những lời nói đó có thể làm phật lòng hoặc gây tổn thương cho người khác.

Dạy con khi nói chuyện với người lớn phải dạ thưa, trò chuyện với bạn bè phải nhã nhặn. Mượn bút, thước của bạn phải lịch sự, khi trả phải cảm ơn, nói lời xin lỗi khi phạm lỗi.

3. Đừng làm tất cả thay con: Tạo điều kiện để bé có cơ hội học hỏi và tự giải quyết vấn đề rắc rối. Hãy để trẻ tự lấy đồ chơi và cất sau khi chơi xong. Khi lạc mất đồ chơi, hãy để trẻ tự tìm. Vai trò của mẹ là giám sát và nhắc nhở: “Nếu con không cất đồ chơi đúng chỗ và bị thất lạc, mẹ không mua cho con món khác đâu”.

4. Nói “không” khi cần thiết: Nếu chiều con quá mức, trẻ sẽ chỉ biết có bản thân. Khi yêu cầu không được đáp ứng, chúng sẽ hờn dỗi, nằm vạ, khóc lóc...

Vì vậy, trả lời “không” đôi khi là điều cần thiết. Trẻ sẽ hiểu rằng không phải bất cứ đòi hỏi nào cũng sẽ được bố mẹ đáp ứng. Dần dần, bé học được cách thích nghi và thôi vòi vĩnh.

5. Hình phạt và phần thưởng: Khi trẻ hư, bạn cần áp dụng hình phạt, có thể là phạt không cho đi chơi, không mua quà... hoặc bạn yêu cầu bé vào phòng và suy nghĩ những việc đã làm. Tuyệt đối không nên đánh trẻ trong bất cứ trường hợp nào.

Khi phạt, bạn nên cho trẻ biết lý do vì sao bạn phạt chúng. Bạn có thể cho con tự chọn hình phạt để bé học cách đánh giá mức độ nghiêm trọng của lỗi lầm gây ra.

Ngoài ra, bạn cần có phần thưởng cho những hành động và cách cư xử đẹp của con. Hãy khen khi trẻ biết lễ phép với người lớn tuổi, thưởng khi bé biết giúp mẹ làm một việc gì đó.

Theo Hạnh Nguyên
Tiếp thị gia đình
Chia sẻ