Thủ thuật tâm lý đơn giản giúp bố mẹ dạy con trưởng thành sau mỗi lần thất bại
Cảm giác thất bại khiến đứa trẻ tổn thương lòng tự tôn, chúng sẽ cảm thấy mình thiếu năng lực, thiếu thông minh, không đáng tin cậy và mất đi sự tự tin để tiếp tục.
Một bà mẹ cùng con chơi bóng, quy tắc trò chơi là họ sẽ vẽ 1 vòng tròn nhỏ trong phòng khách, cả mẹ và bé đều đứng cách vòng tròn 2m rồi đánh bóng vào vòng tròn đó. Ai cho được bóng vào còng tròn nhiều hơn, người đó sẽ thắng.
Con bắt đầu cáu kỉnh khi thua mẹ trong trò chơi bóng.
Mới đầu, đứa trẻ tỏ rõ sự vui vẻ, hào hứng với trò chơi nhưng sau khi thua khoảng 3,4 lượt, bé bất đầu cáu kỉnh, sau đó còn ném bóng đi, xóa cả vòng tròn và bày tỏ sự giận dữ, không thèm để ý đến mẹ nữa.
Đây là trường hợp nhiều ông bố bà mẹ đã từng gặp phải, con cứ thua là bắt đầu mất bình tĩnh, vậy làm thế nào để bố mẹ khắc phục được tâm lý ghét thua, sợ thua của con?
Tại sao trẻ lại sợ thua cuộc?
Trong tiềm thức của trẻ, “thua” đồng nghĩa với “không thông minh”, “kém cỏi” nhưng đồng thời, trẻ lại không muốn thừa nhận mình là “không thông minh” và “kém cỏi”, sự mâu thuẫn này làm bé càng dễ nổi nóng, cáu kỉnh khi thua, thậm chí là sợ bị thua. Chuyên gia tâm ý học nổi tiếng người Mỹ Guy Winch từng nói: “Thất bại sẽ làm con người ta cảm thấy bản thân mình nhỏ bé”. Hiểu đơn giản là, cảm giác thất bại khiến đứa trẻ tổn thương lòng tự tôn, chúng sẽ cảm thấy mình thiếu năng lực, thiếu thông minh, không đáng tin cậy và mất đi sự tự tin để tiếp tục.
Khi trẻ phải trải qua nhiều lần thất bại, chúng sẽ càng có xu hướng sợ thua cuộc. Có nhiều khi, trong mắt trẻ thắng hay bại đều không quá quan trọng, chỉ là cảm giác tiêu cực sau đó khiến chúng bị tổn thương.
Trẻ sợ thất bại vì nó mang lại một cảm xúc cực kỳ tồi tệ.
Ví dụ như khi bé muốn mặc áo nhưng cố nhiều lần vẫn không tự cài được cúc nên khá khó chịu, lúc này người lớn sẽ nói: “Chuyện nhỏ thế này mà con cũng nóng giận được à?”. Nếu trong tình huống ấy, phụ huynh thường xuyên dùng cách xử lý này sẽ khiến các bé càng thêm thất vọng về bản thân bởi kiểu nói chuyện này khiến chúng cảm thấy mình rất vô dụng. Do đó, cha mẹ cần hiểu tâm trạng tồi tệ mà con gặp phải, chỉ khi cha mẹ thông cảm với con thì mới có thể giúp bé đối diện với thất bại.
Làm thế nào để trẻ không sợ thất bại?
Cảm giác tồi tệ mà thất bại mang lại xuất phát từ phán đoán chủ quan của bé nên cha mẹ có thế bắt đầu từ khía cạnh này, thiết lập mối liên hệ giữa thất bại và trạng thái ung dung của con. Nhà tâm lý học người Mỹ Albert Bandura từng nói rằng, khuyến khích con thử những điều mà chúng sợ, nhất thiết phải cung cấp cho chúng sự phản ứng nhanh chóng và tích cực để giúp bé có thể thiết lập sự tự tin.
Không nên để con có thói quen cứ thất bại là mất bình tĩnh bởi hành vi này không tốt cho sự trưởng thành của trẻ. Tác giả của bài viết này có kể chuyện về con trai của mình lúc còn nhỏ, khi bé chơi xếp gỗ, vì chưa đủ sự khéo léo nên càng xếp lên cao chồng gỗ càng dễ bị đổ, lúc này bé rất tức giận và nghĩ rằng, những miếng gỗ kia đang cố tình chọc tức mình. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi theo lý luận của nhà tâm lý học Jean Piaget, trẻ càng nhỏ càng có niềm tin rằng vạn vật đều có linh hồn nên đồ chơi cũng là vật thể sống. Vì thế, cha mẹ hãy tự ý thức phải thay đổi những cảm xúc tiêu cực mà thất bại mang lại cho trẻ.
Hãy để thất bại trở thành một điều thú vị, nó sẽ không đáng sợ nữa.
Thấy con như vậy, tác giả đã đến bên và nói: “Mẹ cùng con chơi nhé, mình thi xem ai xếp được cao hơn thì người đó thắng, ai thua sẽ bị vẽ lên mặt”. 2 mẹ con chuẩn bị sẵn mấy cây bút màu, đặt gương bên cạnh rồi bắt đầu cuộc thi xếp gỗ. Lần thứ 1, con xếp được 5 miếng đã đổ, bị mẹ vẽ râu đen trên mặt, đứa trẻ vừa soi gương vừa ôm bụng cười ngặt nghẽo. Dù người mẹ này đã giải thích cho con hiểu tại sao chồng gỗ lại dễ đổ nhưng vì con còn bé nên cuối cùng vẫn thua mẹ, kết quả là mặt con bị vẽ thành một chú mèo mướp trông rất hài hước.
Đứa trẻ thua mẹ mấy lần liền nhưng không hề vì thế mà cáu gắt, ngược lại càng chơi càng thấy vui, tác giả cũng nói với con: “Thua không hề đáng sợ, cùng lắm là khiến con biến thành mèo mướp thôi nhỉ”. Từ đó, cậu bé này cũng không khóc nhè mỗi khi thất bại nữa.
Tại sao bố mẹ không nên “nhường” con?
Có nhiều cha mẹ vì muốn làm con vui nên cố tình thua để nhường con thắng mà không biết rằng đây là cách làm sai, là quá nuông chiều con. Một đứa trẻ được bao bọc từng chút sẽ thế nào khi lớn lên? Dù ở trường học hay chơi cùng bạn bè, mọi đứa trẻ đều bình đẳng với nhau nên sẽ chẳng có ai nhường con bạn cả. Vậy nên để con sớm chấp nhận sự thất bại cũng là một điều có lợi cho sự trưởng thành của trẻ.
Biện pháp hiệu quả giúp con chống chọi với “thất bại”: Thành công nhỏ
Trưởng thành cũng giống như đang leo từng bậc cầu thang, mỗi bước đi nhỏ đều tích lũy cho trẻ thêm nhiều tự tin. Nhà tâm lý học người Mỹ Adam Grant cũng nói rằng, thành công nhỏ sẽ giúp trẻ tìm thấy tự tin.
Nhiều thành công nhỏ, tiến bộ nhỏ sẽ tích góp thành sự tự tin.
Cũng giống như khi trẻ chơi xếp gỗ, xếp càng nhiều sẽ càng đẹp, càng ổn định; như khi trẻ tập mặc quần áo, càng làm sẽ càng quen tay và đơn giản; như khi trẻ tập đi xe đạp, càng đi sẽ càng tiến bộ, càng biết giữ cân bằng... Những bước tiến bộ, những thành công nhỏ như vậy có thể mang đến cho bé niềm vui, nhờ đó sự tự tin cũng dần dần được nuôi dưỡng.
Điều tồi tệ nhất trong sự trưởng thành của một đứa trẻ không phải là thất bại mà là đánh mất đi can đảm đối diện với thất bại. Chỉ cần không sợ thua cuộc, trẻ hoàn toàn có thể bình tĩnh tiếp tục tiến từng bước trên con đường của mình.
Hãy để “thua cuộc” trở thành một điều thú vị, như vậy trẻ sẽ không sợ thua nữa; hãy để “thua cuộc” trở thành một điều có ý nghĩa, như vậy trẻ sẽ càng biết ơn sự thất bại.
Nguồn: sohu