Thói quen và kỹ năng cần dạy cho bé 3 – 6 tuổi
Người lớn nên giúp trẻ nhỏ phát triển thói quen sinh hoạt, vệ sinh tốt, hình thành các kỹ năng và lối sống văn minh có lợi cho trẻ suốt cuộc đời.

Người lớn cần hướng dẫn trẻ phát triển thói quen làm việc và nghỉ ngơi tốt. (Ảnh: ITN).
Sự phát triển về thể chất và tinh thần của trẻ nhỏ vẫn chưa hoàn thiện, cần được người lớn quan tâm, chăm sóc chu đáo, nhưng không nên quá bao bọc hoặc kiểm soát trẻ, tránh tước đi cơ hội tự học của trẻ, hình thành thói quen xấu là quá phụ thuộc, ảnh hưởng đến sự phát triển tính chủ động và tính độc lập của trẻ.
Hình thành nếp sống và thói quen vệ sinh tốt
Cho trẻ duy trì nếp sống đều đặn, phát triển thói quen làm việc và nghỉ ngơi tốt. Chẳng hạn như: đi ngủ sớm và dậy sớm, ngủ trưa mỗi ngày, ăn đúng giờ, ăn sáng đầy đủ, v.v.
Giúp bé phát triển thói quen ăn uống tốt :
- Sắp xếp bữa ăn hợp lý để giúp bé hình thành thói quen ăn uống ở địa điểm cố định, đúng giờ và với số lượng cố định.
- Giúp bé hiểu được giá trị dinh dưỡng của thực phẩm, hướng dẫn bé không kén ăn, ăn ít hoặc không ăn những thực phẩm không tốt cho sức khỏe; uống nhiều nước đun sôi và ít đồ uống có ga.
- Đừng thúc ép bé ăn quá nhiều. Nhắc nhở bé nhai chậm và không nên chơi đùa trong khi ăn.
Giúp trẻ hình thành thói quen vệ sinh cá nhân tốt :
- Đánh răng vào buổi sáng và buổi tối, súc miệng sau khi ăn.
- Tắm rửa, thay quần áo và cắt móng tay cho bé thường xuyên.
- Nhắc nhở bé bảo vệ năm giác quan của mình, chẳng hạn như không tự ý ngoáy tai, ngoáy mũi và giữ khoảng cách khoảng 3 mét khi xem TV.
Khích lệ bé tham gia các hoạt động thể thao, hình thành thói quen rèn luyện thể chất :
- Chuẩn bị nhiều loại đồ dùng hoạt động thể thao cho bé và khuyến khích trẻ chọn đồ dùng yêu thích để thực hiện những hoạt động đã lựa chọn.
- Thường xuyên tập thể dục và chơi trò chơi ngoài trời với bé, khuyến khích bé tham gia các hoạt động thể chất với bạn bè cùng trang lứa.
- Xem các trò chơi thể thao hoặc chương trình truyền hình về các sự kiện thể thao cùng bé để nuôi dưỡng sở thích của bé đối với các hoạt động thể thao.
Rèn khả năng tự chăm sóc cơ bản
Khuyến khích bé làm những việc trong khả năng của mình, khẳng định sự cố gắng và nỗ lực của bé, không làm thay bé chỉ vì bé không làm tốt hoặc làm chậm.
Hướng dẫn bé học và nắm vững các phương pháp cơ bản để tự chăm sóc bản thân như cách mặc và cởi quần áo, giày dép đúng cách, rửa tay, rửa mặt, lau mũi, lau mông.
Cung cấp các điều kiện thuận lợi cho việc tự chăm sóc của bé, chẳng hạn:
- Cung cấp một số hộp các tông để bé đóng gói và cất giữ đồ chơi, sách vở hoặc các vật dụng cần thiết hàng ngày.
- Quần áo, giày dép... của bé phải đơn giản, thiết thực, dễ mặc vào và cởi ra.
Trang bị kiến thức an toàn cơ bản và kỹ năng tự bảo vệ

Khuyến khích bé làm những việc trong khả năng của mình, khẳng định sự cố gắng và nỗ lực của bé, và không làm thay bé chỉ vì bé không làm tốt hoặc làm chậm. (Ảnh: ITN)
Tạo môi trường sống an toàn và cung cấp các biện pháp bảo vệ cần thiết , bao gồm :
- Các thiết bị phát sóng, thuốc men, diêm, dao và các vật dụng khác phải được để xa tầm với của trẻ nhỏ; ban công hoặc bệ cửa sổ phải có biện pháp bảo vệ an toàn; nên sử dụng ổ cắm điện an toàn, v.v.
- Chú ý trông chừng trẻ nhỏ ở nơi công cộng; trẻ nhỏ phải có người lớn đi kèm khi đi ô tô hoặc thang máy; không để trẻ nhỏ một mình ở nhà hoặc trong xe hơi, v.v.
Cung cấp giáo dục an toàn cho bé dựa trên cuộc sống thực tế , bao gồm:
Khi ra ngoài, nhắc nhở bé phải đi theo người lớn sát sao, ở trong tầm nhìn của người lớn, không đi với người lạ, không ăn đồ ăn người lạ đưa; không chơi gần bờ sông hoặc đường đi; và tuân thủ luật lệ giao thông, v.v.
Giúp bé hiểu được những điều không an toàn trong môi trường xung quanh và tránh làm những việc nguy hiểm. Ví dụ, không chạm vào ấm đun nước, không chơi diêm hoặc bật lửa, không chạm vào ổ cắm điện, không trèo cửa sổ hoặc ban công, v.v.
Giúp bé nhận biết các biển báo an toàn thông thường như: cảnh báo điện giật, cảnh báo chất độc, không bơi ở sông, lối thoát hiểm, v.v.
Dặn bé không được để người khác chạm vào vùng kín của mình.
Dạy bé những phương pháp đơn giản để tự cứu mình và nhờ giúp đỡ:
Ghi nhớ địa chỉ nhà, số điện thoại, tên cha mẹ và nơi làm việc của cha mẹ để nếu bị lạc, bé có thể biết cách nhờ người lớn giúp đỡ và cung cấp thông tin cần thiết.
Cha mẹ có thể sử dụng sách, tài liệu nghe nhìn và các tài liệu khác để giáo dục bé về cách thoát hiểm và kêu cứu, đồng thời sử dụng trò chơi để mô phỏng các bài tập.
Các trường mẫu giáo nên thường xuyên tổ chức diễn tập thoát hiểm khi có biến cố như hỏa hoạn và động đất.