Thời gian cho con
Trời chập choạng tối, mẹ về ngang trường con, vô tình gặp một cô bé đang đứng buồn rầu trước cổng, nét mặt đầy lo lắng. Mẹ rề xe lại hỏi thăm, cô bé òa khóc: “Má cháu tới giờ vẫn chưa thấy tới đón”. Gọi điện thoại xong, đứng chờ cho tới khi mẹ cô bé ấy tới, mẹ mới về, lòng tự dưng trĩu nặng vô cùng…
Mẹ nhớ tới những lần đến đón con trễ. Có khi do công việc nhiều quá, mẹ dứt ra không được, lúc thì do mẹ đang lỡ cuộc trò chuyện với người bạn thân. Riết rồi đâm quen, mẹ nghĩ lâu lâu con chờ một chút, cũng không sao. Có lần vừa thấy bóng mẹ, con chạy ra như bay, nức nở không thôi suốt đường về… Không hiếm khi ba bận khách đột xuất, phải gọi nhờ dì Sáu, nên con về cũng rất muộn. Giờ nghĩ lại, không ít lần mẹ gặp con rơi rớt lại một mình ở cổng, thắc thỏm ngóng ra đường, chờ một bóng dáng người thân…
Chưa khi nào cái câu "thời giờ là tiền bạc" lại đúng theo nghĩa đen đến vậy. Mẹ nhiều bận buột miệng than thời buổi này cho con cái đi học thật phiền quá, đưa đón phức tạp, tốn thời gian. Mẹ cũng hay đùa rằng, cái gì cũng có, chỉ thiếu mỗi thời gian. Ôi thời gian, cái món xa xỉ mà làm gì mẹ cũng phải đắn đo, sắp xếp.
Mẹ từng nổi quạu khi con chàng ràng bên cạnh, nài nỉ: “Mẹ chơi với con đi”. Mẹ làm gì có thời gian cho những chuyện vô bổ kiểu ấy! Con không thấy mẹ đang bận tối tăm mặt mũi đây sao? Mẹ giận dữ quát lên, con tiu nghỉu lảng ra chỗ khác… Mẹ bực bội nếu bị con quấy quá, hỏi han vớ vẩn này nọ. Mà trẻ con thì có hàng vạn câu hỏi “tại sao”. Nét mặt con khi bị mẹ từ chối luôn làm mẹ ân hận, nhưng qua rồi thì thôi, mẹ lại tất bật với công việc.
Mẹ, có lẽ cũng giống như nhiều bậc cha mẹ khác, yêu thương con theo một kiểu rất chung là cố gắng dành cho con những điều mà bản thân mẹ nghĩ là con cần, chứ không phải là thứ con thật sự muốn. Đối với mẹ, “thương con” đồng nghĩa với việc cho con đến mấy khu vui chơi trẻ con có bán vé trọn gói, để con phủ phê chạy nhảy cả buổi trong ấy. Mẹ ngồi bên ngoài, tranh thủ gọi gần chục cuộc điện thoại, giải quyết thêm tí việc. Thương con là lo cho con được đi học thêm ở các trung tâm lớn, bằng chị bằng em.
Cái thời mẹ mua về một bó rau to, tỉ mẩn lựa cho con những lá ngon nhất, chăm chút từng cái xương cá, đong từng muỗng dầu ăn dường như đã qua lâu lắm rồi. Bây giờ, mẹ làm gì có thời gian cho những vụn vặt kiểu ấy. Gần đây thôi, con bắt đầu có thói quen e dè ướm thử trước khi mở lời, rằng, mẹ có thời gian hay không, hở mẹ? Và bà mẹ hiện đại đã vội vàng trả lời rằng, con muốn gì thì nói nhanh lên, mẹ đâu rảnh để nghe con “ấm ớ”!
Con dần biết thân biết phận, ngày càng quen với việc thui thủi một mình. Nhiều hôm mẹ về rất trễ, khi con đã ngủ, nỗi áy náy khiến mẹ ôm ấp, hít hà con, đứa trẻ đã phải quen với việc lên giường khi không có mặt mẹ từ rất bé. Con được bảo bọc bởi sữa ngoại nhập, áo quần hàng tốt, những món đồ chơi mới nhất vừa xuất hiện ngoài cửa hàng; phô mai, trái cây, thịt bò nhãn hiệu Mỹ hay châu Âu. Mẹ không bỏ mặc hay khoán trắng con cho người khác, mẹ luôn tự tin rằng mình vẫn để mắt tới mọi thứ trong nhà, mà quên mất, con vốn vẫn là một đứa trẻ bé bỏng, con cần lắm “nhân sự cấp cao” là mẹ tắm rửa, ôm ấp, hỏi han, ngủ cùng…
Chẳng phải là mẹ chưa từng nhận ra, mẹ hay vin vào cái cớ bận bịu, tự cho mình cái quyền hài lòng khi lo cho con được cuộc sống đủ đầy. Ngoài kia bao nhiêu đứa trẻ thiếu thốn, đói ăn, hà cớ gì mẹ phải lăn tăn những thứ phải “hy sinh” để đổi lấy vật chất đủ đầy như vậy… Biết là biết thế, nhưng buông bỏ thói quen “tiếc thời gian” với con, thật khó. Chỉ hy vọng, vì con, lần này mẹ đủ sức để tự thay đổi chính mình.